Nhiều nước Balkan không muốn làm 'vùng đệm' cho người di cư

Thứ Hai, 26/10/2015, 07:56
Ngày 25/10, lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và các đã tiến hành cuộc họp thượng đỉnh nhằm thúc đẩy hợp tác hơn nữa giữa các nước trong vấn đề người di cư và bàn biện pháp đối phó với làn sóng hàng nghìn người di cư và tị nạn đang tiếp tục tràn vào châu Âu.
Cuộc gặp này diễn ra ngay sau khi các nước Bulgaria, Romania và Serbia cảnh báo sẽ đóng cửa biên giới nếu như các nước Bắc Âu ngừng tiếp nhận người di cư, và không cho phép khu vực Balkan trở thành “vùng đệm” cho người di cư bị mắc kẹt.

Trong tuần qua, EU đã phải đối mặt với dòng người di cư kỷ lục, với 47.500 người đổ vào Slovenia và 48.000 người tràn vào Hy Lạp. Phát biểu hôm 24/10 tại cuộc họp báo diễn ra sau cuộc gặp với những người đồng cấp Serbia và Romania, Thủ tướng Bulgari Boyko Borissov khẳng định 3 nước (Bulgaria, Serbia, Romania) muốn có một giải pháp toàn châu Âu để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư và tị nạn, nhưng “nếu Đức và Áo đóng cửa biên giới, cả 3 nước sẽ không cho phép đất nước mình trở thành vùng đệm. Chúng tôi sẵn sàng đóng cửa biên giới”.

Có cùng mối quan ngại nay, Tổng thống Slovenia Borut Pahor nêu rõ nước này không chấp nhận trở thành “cái túi” để “chứa” những người di cư bị mắc kẹt. Thông qua mạng xã hội Facebook, Tổng thống Pahor cho rằng, sự thành công của cuộc họp thượng đỉnh hôm 25/10 sẽ phần nào “đo” được mức độ chặt chẽ của các biện pháp kiểm soát nhằm ngăn chặn dòng người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Tuy nhiên, cựu Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy lại bày tỏ nghi ngờ về tính hữu ích của cuộc họp thượng đỉnh thu hẹp lần này.

Ông nhấn mạnh: “Một số quốc gia được mời, nhiều quốc gia khác không được mời. Đây là điều lạ lùng vì tất cả mọi quyết định phải được toàn bộ 28 thành viên EU thông qua”. Cuộc họp trên do Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker triệu tập với sự tham gia của lãnh đạo 10 nước EU và lãnh đạo các nước Albania, Serbia và Macedonia.

Người di cư tại biên giới Serbia – Croatia.

Trước đó, Serbia và Croatia đã nhất trí hợp tác nhằm tạo điều kiện cho người di cư chuyển qua biên giới hai nước nhanh hơn. Theo đó, người di cư sẽ được lên danh sách khi vào Serbia và sau đó sẽ được đưa thẳng tới biên giới với Croatia bằng tàu hỏa, thay vì đi bộ nhiều ngày liền dọc các tuyến đường sắt, trong điều kiện thời tiết ngày càng xấu hơn khi mùa đông đến gần.

Bộ trưởng Nội vụ Serbia Nejbosa Stefanovic cho biết: “Mùa đông đang tới gần, chúng ta phải đẩy nhanh tiến độ lên danh sách người di cư. Serbia và Croatia sẽ yêu cầu EU công nhận thủ tục lập danh sách người di cư của hai nước này”.

Theo Bộ trưởng Stefanovic, bằng các biện pháp thông thường đối với người di cư của Serbia, như lấy vân tay, người di cư sẽ không cần phải thực hiện các thủ tục tương tự khi tới các nước khác dọc đường di chuyển nữa, vì Serbia sẽ chuyển các dữ liệu này cho EU. Hy Lạp cũng đã kêu gọi EU hỗ trợ bổ sung 330 triệu euro (374 triệu USD) trong năm 2016 để giải quyết các vấn đề liên quan tới người di cư.

Thực tế cho thấy, cuộc khủng hoảng di cư đang ngày một làm châu Âu “hụt hơi”, đẩy châu lục già đối mặt với nhiều bài toán kinh tế hóc búa. Theo các nhà hoạch định kinh tế, về ngắn hạn, cuộc khủng hoảng di cư sẽ gây cho nền kinh tế các nước châu Âu nhiều tác động tiêu cực, khi các nước này buộc phải chi phát sinh một khoản lớn ngân sách công để cung cấp nhu yếu phẩm và nơi ở cho những người di cư, cũng như xử lý đơn xin tị nạn.

Về mặt trung hạn, hiện chưa có đủ dữ liệu để đưa ra những kết luận chính xác về mức độ tác động của cuộc khủng hoảng di cư, vì không ai biết chắc chắn các công dân Trung Đông, châu Phi và những nước Balkan trong dòng người di cư có những kỹ năng nào, bao nhiêu người sẽ được phép ở lại và làm thế nào họ có thể sớm được tham gia lực lượng lao động sở tại. Về dài hạn, hầu hết các nhà kinh tế đều cho rằng cuộc khủng hoảng di cư trong tương lai xa sẽ đem lại những tác động tích cực cho nền kinh tế châu Âu.

Ngoại trưởng Austria cảnh báo nguy cơ EU tan rã

Trả lời phỏng vấn ngay trước thềm cuộc họp thượng đỉnh của EU hôm 25/10, Ngoại trưởng Austria Werner Faymann nêu rõ EU đang đối mặt với nguy cơ tan rã vì cuộc khủng hoảng di cư hiện nay. Ngoại trưởng Faymann nói: “Chúng ta hiện đang nói đến việc duy trì một châu Âu thống nhất, hoặc một sự sụp đổ trong im lặng của EU. Con đường đầu tiên là vô cùng khó khăn, tốn kém và dự kiến là rất dài. Trong khi, còn đường còn lại sẽ chỉ dẫn đến bờ vực của sự hỗn loạn”.

Ông Faymann cũng chỉ ra rằng, điều quan trọng là phải bảo vệ biên giới của EU, nhưng, việc dựng lên những tường rào ở biên giới mỗi quốc gia không phải là một lựa chọn tốt.     (T.Linh)

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.