Hậu vụ xả súng giết chết 2 phóng viên tại Mỹ:

Nhà Trắng kêu gọi siết chặt kiểm soát súng

Thứ Sáu, 28/08/2015, 10:44
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã một lần nữa nhắc lại lời kêu gọi Quốc hội thông qua dự luật cải cách cơ chế buôn bán và sở hữu súng đạn. Nguyên do từ vụ việc hai phóng viên  bị bắn chết ngay trong buổi phát sóng trực tiếp tại bang Virginia.
310 triệu khẩu súng đang lưu hành

Phát biểu trước báo giới ngày 27/8, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest khẳng định, vụ sát hại hai phóng viên của đài truyền hình địa phương WDBJ7 trong buổi phát sóng trực tiếp hôm 26/8 là kết quả của tình trạng phổ biến súng đạn tràn lan khắp nơi trên nước Mỹ. 

Ông Josh Earnest khẳng định, hiện chỉ Quốc hội có thể đưa ra hành động mang tới tác động rõ ràng đến giảm thiểu bạo lực do sử dụng súng đạn thiếu kiểm soát gây ra. Trong khi đó, người đứng đầu Nhà Trắng thì nhấn mạnh rằng, số công dân Mỹ thiệt mạng trong các vụ nổ súng bạo lực còn cao hơn so với con số tử vong trong các cuộc tấn công khủng bố. 

Ông Barack Obama nói: “Những gì chúng ta thấy là số công dân Mỹ thiệt mạng trong các vụ nổ súng bạo lực cao hơn so với con số tử vong trong các cuộc tấn công khủng bố. Chúng ta sẵn sàng chi hàng nghìn tỷ USD để ngăn chặn các hoạt động khủng bố vậy mà chúng ta lại không sẵn sàng cho việc siết chặt các biện pháp an toàn súng đạn có thể cứu được mạng sống của nhiều người”. Vì thế, Tổng thống Mỹ khẳng định sẽ một lần nữa nỗ lực đề nghị Quốc hội Mỹ thông qua dự luật cải cách cơ chế buôn bán và sở hữu súng đạn.

Hai phóng viên đài truyền hình bị sát hại: Alison Parker (trái) và Adam Ward. Ảnh: AP.

Được biết, Mỹ là một trong những quốc gia sử dụng vũ khí nhiều nhất thế giới. Với 310 triệu khẩu súng đang lưu hành trên thị trường, súng đạn hiện được xếp thứ 13 trong danh mục các nguồn gốc dẫn đến chết người nhiều nhất hằng năm ở Mỹ. Thống kê còn cho thấy, doanh số bán súng đạn ở Mỹ mỗi năm đạt khoảng 3,5 tỷ USD. 

Năm 1994, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật cấm 10 năm đối với việc buôn bán và sở hữu 19 loại vũ khí tấn công. Đến năm 2004, đạo luật này hết hiệu lực và từ đó đến nay phe Cộng hòa vẫn phản đối mạnh mọi đề xuất luật kêu gọi kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán súng, trong khi Hiệp hội Súng đạn Mỹ (NRA), với khoảng 4,5 triệu hội viên, thì cho rằng mọi biện pháp hạn chế súng đạn là vi phạm quyền hiến định của người dân. 

Từ năm 2009, khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống và trở thành Tổng thống da màu đầu tiên ở Mỹ, ông Barack Obama đã rất ưu tiên đến vấn đề kiểm soát súng đạn. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của người đứng đầu Nhà Trắng luôn bị ngăn cản bởi Quốc hội khiến ông Barack Obama phải thốt lên rằng, đây là thất vọng lớn nhất trong 2 nhiệm kỳ làm Tổng thống của ông.

Và câu chuyện thương tâm ở Virginia

Trở lại với sự việc xảy ra tại bang Virginia, tin từ tờ Washingtonpost cho hay, lúc 6h45 ngày 26/8, khi phóng viên Alison Parker (24 tuổi) và người quay phim Adam Ward (27 tuổi) đã bị bắn chết khi đang thực hiện một chương trình phỏng vấn trực tiếp ở trung tâm mua sắm Bridgewater Plaza, gần hồ Smith Mountain. 

Các nhân chứng cho biết, thủ phạm đã xông vào nơi các phóng viên đang ghi hình và bắn 6-7 phát súng. Và nhờ vào đoạn băng cuối mà Adam Ward quay được trước khi ngã xuống, cảnh sát đã xác định thủ phạm là Vester Flanagan, một cựu nhân viên WDBJ. Tên này sau đó đã tự sát bằng súng khi bị cảnh sát truy đuổi trên một đường cao tốc. 

Điều đáng chú ý là trước khi tự sát, Vester Flanagan đã gửi một bức thư dài 23 trang tới hãng ABC News và cho biết hắn có ý định thực hiện cuộc tấn công sau khi chứng kiến vụ xả súng hàng loạt xảy ra tại một nhà thờ dành cho người da đen ở Charleston, bang Nam Carolina  hồi cuối tháng 6. Lý do mà Vester Flanagan đưa ra là do phải chịu đựng sự phân biệt chủng tộc và hành vi quấy rối tình dục, bị chèn ép ở nơi làm việc… Bên cạnh đó, Vester Flanagan còn đăng tải nhiều thông điệp cùng những đoạn băng video quay cảnh hắn nổ súng trên các trang mạng xã hội như Facebook và Twitter. Trong khi đó, tờ Telegraph thì cho hay, Vester Flanagan từng tốt nghiệp ngành phóng viên truyền hình tại Đại học San Francisco và có kinh nghiệm làm việc tại nhiều đài truyền hình khác nhau như KPIX-TV, WTWC ở bang Florida, WNCT ở Bắc Carolina và cuối cùng là WDBJ7… Tại những nơi này, Vester Flanagan thường hay bị kỷ luật và bị đánh giá không tốt vì có nhiều hành vi đe dọa người khác. Hiện cảnh sát Mỹ vẫn đang tiếp tục điều tra nhưng theo nhận định của nhiều nhà phân tích, vụ việc cũng là lời cảnh tỉnh đối với nước Mỹ về việc giải quyết những việc liên quan đến phân biệt chủng tộc, sắc tộc vốn dĩ vẫn đang là “thùng thuốc nổ đầy nguy hiểm” ở nước này.

Phan Hiển
.
.
.