Nga phê chuẩn việc sử dụng quân đội tại Syria

Thứ Năm, 01/10/2015, 08:14
Với 162 “phiếu thuận”, Hội đồng Liên bang, tức Thượng viện Nga ngày 30/9 đã chấp thuận việc đưa các lực lượng vũ trang ra nước ngoài, trong đó có Syria, trên cơ sở và các nguyên tắc chung đã được công nhận và luật pháp quốc tế, với mục tiêu chống khủng bố, trong đó có nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tuy nhiên, Moskva sẽ chỉ sử dụng không quân trong các hoạt động quân sự.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề nghị Thượng viện thông qua quyết định cho phép tổng thống sử dụng lực lượng vũ trang ở nước ngoài. Tổng thống Putin bày tỏ lo ngại một lượng lớn công dân nước này đang chiến đấu trong hàng ngũ IS tại Syria và Iraq có thể quay trở về quê hương để phá hoại an ninh quốc gia.

Cơ quan báo chí Điện Kremlin cho biết: “Chiểu theo điểm G, khoản 1, Điều 102 của Hiến pháp Liên bang Nga, Tổng thống Nga Putin đã đệ trình lên Quốc hội Nga yêu cầu chấp thuận việc sử dụng quân đội ở ngoài biên giới đất nước dựa trên các quy định và chuẩn mực của luật pháp quốc tế”.

Đồng thời, ông chủ Điện Kremlin đã bổ nhiệm Chánh Văn phòng Tổng thống Sergei Ivanov, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mikhail Bogdanov và Thứ trưởng, kiêm Thư ký báo chí Bộ Quốc phòng Nikolai Pankov là đại diện chính thức của Tổng thống khi xem xét tại Hội đồng Liên bang thông điệp về sử dụng lực lượng vũ trang ở nước ngoài. 

Chánh Văn phòng Tổng thống Ivanov cho biết, quyết định của Thượng viện Nga không đồng nghĩa với việc bộ binh Nga sẽ tham chiến tại Syria, và động thái này chỉ giới hạn cho phép triển khai lực lượng không quân. Ông Ivanov cho biết thêm rằng, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã chính thức đề nghị lãnh đạo Nga trợ giúp quân sự chống IS. Theo đó, “Nga được Syria mời đến tham chiến, phù hợp với luật pháp quốc tế” chứ không giống như liên quân Mỹ không kích mà không được “chào đón”.

Cuộc họp của Thượng viện Nga hôm 30/9.

Liên quan tới cuộc chiến chống IS, cùng ngày, cựu Đại sứ Mỹ tại Saudi Arabia, ông Chas Freeman cho rằng, Washington cần đẩy nhanh mối quan hệ hợp tác với Nga nhằm chống lại IS cũng như giải quyết khủng hoảng người di cư đe doạ tới châu Âu. Ông Chas Freeman cho biết: “Mỹ không còn cơ hội khước từ hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống IS”.

Bên cạnh đó, ông Freeman ca ngợi chính sách mới của Tổng thống Putin về vấn đề Syria tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc: “Quyết định của ông Putin là đúng đắn. Mỹ sẽ phải bỏ qua những bất đồng với Tổng thống Assad trong cuộc chiến chống IS”. Trước đó, tái khẳng định quyết tâm tiêu diệt IS, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 29/9 đã cam kết triển khai một “chiến dịch lâu dài”, không chỉ để tiêu diệt riêng mạng lưới này mà còn cả ý thức hệ của nó, sử dụng mọi nguồn lực để đánh bại nhóm phiến quân cực đoan này cả trên chiến địa và về mặt tư tưởng.

Theo Tổng thống Obama, tại Iraq và Syria, nơi IS đang kiểm soát một diện tích rộng lớn, phiến quân này đang bị các quốc gia và một liên minh quốc tế rộng lớn bao vây với quyết tâm tiêu diệt bằng được IS. Trong khi đó, trên toàn cầu, đang có một làn sóng mới phản đối chủ nghĩa cực đoan, yếu tố cần thiết để IS tồn tại. Tuy nhiên, Tổng thống Obama nhận định cuộc chiến này không phải là một nhiệm vụ dễ dàng và phương pháp hiện tại cần thêm thời gian.

Đề cập riêng đến cuộc chiến chống IS ở Syria, Tổng thống Mỹ vẫn khẳng định quan điểm Syria cần một “lãnh đạo mới” để có thể đánh bại được lực lượng khủng bố này. Tuy nhiên, trong buổi trả lời phỏng vấn hãng tin CNN cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thừa nhận cách tiếp cận và giải quyết vấn đề Syria của Washington trước đây là không khả thi, đồng thời tuyên bố Tổng thống Assad không cần phải ra đi ngay lập tức và quyền lực tại Syria có thể chuyển giao “một cách có trật tự”.

Ngoại trưởng Kerry nhận định: “Điều đó là cần thiết để đảm bảo quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra êm đẹp, mà không mang lại hận thù, sợ hãi cho người dân Syria”. Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, cuộc xung đột tại Syria không thể giải quyết nếu người Hồi giáo dòng Sunni ở nước này không được tham gia vào đời sống chính trị, mặc dù điều này sẽ “mất nhiều thời gian”.

Việc Tổng thống Assad ra đi ngay lập tức có thể tạo ra khoảng trống quyền lực và hủy hoại cơ cấu nhà nước của đất nước Syria. Ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh, việc Moskva hỗ trợ chính quyền Damascus hiện nay vốn do người Hồi giáo dòng Alawite nắm giữ, trong khi phần lớn dân số Syria thuộc dòng Hồi giáo Sunni là điều không khôn ngoan. “Nếu cứ tiếp tục, Nga có thể trở thành mục tiêu của các cuộc thánh chiến”, ông Kerry cảnh báo.             

Đa số người Nga không ủng hộ đưa quân vào Syria

Theo cuộc khảo sát của Trung tâm Levada, đa số người Nga (69%) cho rằng họ không nên hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Syria (gửi quân) để hậu thuẫn lãnh đạo nước này. Tỷ lệ ủng hộ đưa quân tới Syria là 14%. Với câu hỏi liệu Nga có cần hỗ trợ chính quyền Syria và hỗ trợ như thế nào, đa số những người được hỏi (67%) cho rằng nên hỗ trợ về chính trị và ngoại giao, cũng như viện trợ nhân đạo (55%). Họ cũng không muốn Nga tiếp nhận và giúp đỡ người tị nạn Syria. Tuy nhiên, Moskva cần ủng hộ chế độ của Tổng thống Assad.

Về hỗ trợ quân sự, người Nga có quan điểm khác nhau. Gần 2/5 (43%) cho rằng lãnh đạo Nga cần tư vấn và trang bị vũ khí cho Syria, trong khi 41% phản đối việc này. Người Nga cũng không đồng thuận trong vấn đề hỗ trợ kinh tế: 41% ủng hộ trong khi 40% phản đối. Người Nga không muốn tiếp nhận và giúp đỡ người tị nạn Syria - hơn một nửa (57%) số người được hỏi phản đối trong khi 21% ủng hộ.

Ngày càng ít người Nga có quan điểm trung lập trong cuộc xung đột ở Syria. Cách đây hai năm (tháng 6-2013), một nửa số người theo dõi tình hình ở Syria không ủng hộ nhà lãnh đạo Syria cũng như phe đối lập; 29% ủng hộ Tổng thống Assad. Còn hiện nay, tỷ lệ người có quan điểm trung lập giảm 11%, còn 39%; 36% số người Nga ủng hộ Chính quyền Tổng thống Assad. Tỷ lệ ủng hộ phe đối lập Syria hầu như không tăng: 10% trong tháng 9/2015 so với 9% tháng 6/2013.


Khổng Hà
.
.
.