Nga - Nhật căng thẳng ngoại giao vì quần đảo Kuril

Chủ Nhật, 23/08/2015, 08:11
Chuyến thăm quần đảo Kuril mà người Nhật Bản thường gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đang khiến chính quyền Tokyo bực mình. Nhiều nhà phân tích còn nhận định, sự kiện này có thể khiến cho mối quan hệ hai nước trở nên căng thẳng.

Ngày 22/8, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã có chuyến công du tới quần đảo Kuril do Moskva kiểm soát mà Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc. Theo tin từ hãng Sputnik, chiếc máy bay chở Thủ tướng Dmitry Medvedev cùng đoàn quan chức đã hạ cánh xuống Iturup, một trong 4 đảo nằm trong chuỗi quần đảo Kuril.

Ngay sau khi vừa đặt chân xuống khu vực này, ông Dmitry Medvedev đã nói: “Thật là tuyệt vời. Tất cả đều hiện đại. Đây là kết quả của chương trình phát triển kinh tế ở quần đảo Kuril của chúng ta”.

Trong lịch trình hoạt động ở quần đảo Kuril, Thủ tướng Nga còn tham dự Diễn đàn giáo dục thanh niên quốc gia Iturup  và tới thăm một số công trường xây dựng nằm trong chương trình phát triển Kuril được Nga hoạch định đến năm 2025. Đồng thời, ông Dmitry Medvedev cũng sẽ kiểm tra việc chuẩn bị khai trương sân bay Iturup trên đảo này dự kiến tổ chức vào đầu tháng 9 tới. Hãng Interfax khẳng định, đây là chuyến thăm thứ 2 của Thủ tướng Nga tại quần đảo Kuril.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đang thị sát một khu vực xây dựng trên quần đảo Kuril. Ảnh: Malaysianinsider.

Chuyến thăm đầu tiên được ông Dmitry Medvedev thực hiện vào năm 2010 trên cương vị Tổng thống Nga. Hai năm sau, ông Dmitry Medvedev đã quay trở lại đây trên cương vị Thủ tướng. Năm 2014, Nga đã tổ chức tập trận tại đây bất chấp sự phản đối của Nhật Bản. Lần này, trước khi tới quần đảo Kuril, Thủ tướng Nga cũng đã có chuyến thăm chính thức tới vùng Viễn Đông Amur thuộc Nga và thăm trạm vũ trụ đang xây ở Vostochny.

Theo nhiều nhà phân tích, chuyến thăm lần này của ông Dmitry Medvedev là một lời khẳng định rõ ràng của chính quyền Moskva về việc theo đuổi xây dựng, phát triển quần đảo Kuril, để từ đó khẳng định rõ chủ quyền tại quần đảo này.

Trước khi Thủ tướng thực hiện chuyến thăm, Chính phủ Nga cũng đã phê chuẩn chương trình mục tiêu liên bang nhằm phát triển kinh tế-xã hội ở quần đảo Kuril với tổng kinh phí được duyệt lên tới 1,2 tỷ USD. Kế hoạch này đã chỉ ra cụ thể lộ trình thực hiện gồm xây dựng đường giao thông, phát triển kinh tế du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ dân sinh và liên lạc tại các đảo. Chính phủ Nga cũng có ý định nghiên cứu xây dựng khu vực phát triển vượt trội tại quần đảo này. Trong tổng số kinh phí 1,2 tỷ USD, ngân sách liên bang chỉ có 1/3 còn đâu là các khoản đầu tư từ khối doanh nghiệp.

Nguồn tin từ hãng Reuters thì khẳng định, từ tháng 5 đến nay, Nga cũng đang đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự ở quần đảo Kuril với trọng tâm đặt ở thành phố Vladivostok. Trong 3 tháng qua, lực lượng không quân thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của nước này đã tăng cường các chuyến bay xung quanh khu vực quần đảo Kuril.

Người phát ngôn Quân khu miền Đông của Nga Roman Martov nói: “Các phi đội săn tàu ngầm đang thực hiện nhiều sứ mệnh tuần tra vào cả ban ngày lẫn ban đêm. Chúng tôi đã tổ chức một số hoạt động truy tìm các tàu ngầm của đối phương trong vùng biển Nhật Bản và biển Okhotsk. Các phi đội máy bay chiến đấu chống tàu ngầm đã diễn tập kỹ năng bay trên khu vực không mấy quan trọng cả ban ngày lẫn ban đêm. Chuyến bay kéo dài 14 giờ đồng hồ...".

Quần đảo Kuril, hay còn gọi là Nam Kuril, tọa lạc ở vùng biển Okhotsk, đang bị tranh chấp giữa Nga và Nhật Bản do cả hai bên đều không ký hiệp ước hòa bình lâu dài sau khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai. Kể từ đó, Moskva kiểm soát quần đảo này, song Tokyo cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc. Những năm gần đây, Moskva thường cử các quan chức nhà nước đến thăm chuỗi đảo này và tăng cường các hoạt động quân sự ở đó.

Ngay trong ngày 22/8, Cục trưởng Cục châu Âu, Bộ Ngoại giao Nhật Bản tại châu Âu, Hajime Hayashi đã điện thoại cho Đại sứ Nga tại Nhật Bản, bày tỏ sự phản đối về chuyến thăm quần đảo Kuril của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev. Trước đó một tuần, Nhật Bản đã trao công hàm cho Đại sứ quán Nga tại Tokyo để phản đối kế hoạch thăm quần đảo trên của ông Dmitry Medvedev.

Thậm chí, hồi tháng 7, khi biết Thủ tướng Nga đang có kế hoạch trở lại thăm Kuril và mời các thành viên khác trong chính phủ cùng tham gia chuyến thăm này, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã gửi qua Đại sứ quán nước này tại Nga đề nghị Thủ tướng Dmitry Medvedev hủy bỏ chuyến thăm quần đảo tranh chấp trên. Trong đề nghị nêu rõ, chuyến thăm này sẽ đi ngược lại hoàn toàn với quan điểm của Nhật Bản về bốn hòn đảo phía Bắc, cũng như làm tổn thương đến tình cảm của người dân Nhật Bản. Một bức thư có nội dung tương tự cũng được Bộ Ngoại giao Nhật Bản gửi đến Bộ Ngoại giao Nga.

Sông Thương
.
.
.