Máy bay QZ8501 không được cấp phép bay vào ngày chủ nhật

Chủ Nhật, 04/01/2015, 12:30
Những bí ẩn về vụ tai nạn máy bay QZ8501 đang dần dần được hé lộ khi lực lượng cứu hộ tìm thấy phần thân chính và đuôi của máy bay Airbus 320-200 thuộc Hãng hàng không AirAsia.

Điều này cũng mở ra tia hy vọng mới về việc có thể tìm thấy hộp đen của máy bay trong vòng một tháng nữa. Tuy nhiên, thông tin mới nhất do Bộ Giao thông vận tải Indonesia cung cấp ngày 3/1 về việc chuyến bay QZ8501 không được cấp phép bay vào ngày 28/12/2014 lại đặt ra nhiều câu hỏi mới về mức độ an ninh cũng như khả năng kiểm soát hàng không.

Thông tin gây sốc của Indonesia

Phát biểu trước báo giới trong một cuộc họp báo sáng 3/1, Trưởng cơ quan truyền thông công cộng thuộc Bộ Giao thông vận tải Indonesia J.A.Barata cho biết, chuyến bay QZ8501 của Hãng hàng không AirAsia gặp nạn ở biển hồi tuần trước đã không được cấp phép bay vào ngày chủ nhật. Các dữ liệu do J.A.Barata cung cấp khẳng định, tuyến bay Surabaya-Singapore của Hãng hàng không AirAsia chỉ được cấp phép hoạt động vào các ngày trong tuần gồm thứ 2, thứ 3, thứ 5 và thứ 7.

Ông J.A.Barata nói: “Trong hợp đồng số AU.008/30/6/ DRJU.DAU-2014 ngày 24/10/2014 liên quan đến tuyến đuờng bay Surabaya-Singapore (PP) được trao cho Airsia quy định rõ, các chuyến bay chỉ được cấp phép vào thứ 2, thứ 3, thứ 5 và thứ 7 hằng tuần, trong khi chiếc máy bay QZ8501 đã bay vào ngày chủ nhật. Rõ ràng AirAsia đã vi phạm nghiêm trọng những điều khoản trong hợp đồng”.
Thêm nhiều thi thể hành khách được vớt, vận chuyển về đất liền để nhận dạng và trao lại cho thân nhân. (Ảnh: Reuters)

Vì thế, ông J.A.Barata cho biết thêm rằng, Bộ Giao thông vận tải Indonesia đã quyết định đóng băng tuyến bay Surabaya-Singapore và yêu cầu hãng này phải đảm bảo rằng những hành khách đã có vé của hãng cho đường bay này sẽ được chuyển sang một chuyến bay khác phù hợp với quy định hiện hành.

Tuy nhiên, Trưởng cơ quan truyền thông công cộng cũng không cung cấp thêm thông tin gì về việc tại sao chiếc máy bay này dù không được cấp phép bay vào chủ nhật, vẫn thực hiện hành trình của họ và không rõ liệu trước khi vụ tai nạn này xảy ra, AirAsia đã thực hiện bao nhiêu “chuyến bay chui” như vậy.

Trong một diễn biến khác liên quan đến công tác tìm kiếm và cứu nạn, người đứng đầu cơ quan tìm kiếm và cứu nạn Indonesia (Basarnas) Bambang Soelistyo cho biết, vào rạng sáng 3-1, lực lượng hải quân Singapore và Indonesia đã phát hiện tại khu vực tìm kiếm máy bay QZ8501 một vật thể trông giống thi thể.

Khi máy bay RSAF Super Puma của không quân Singapore đưa 40 thợ lặn tới khu vực này, họ đã phát hiện được dưới đáy biển gần thị trấn Pangkalan Bun, ở độ sâu khoảng 30m, 2 vật thể lớn có kích thước khoảng 5x10m. Tiếp đó, tàu Baruna Jaya 1 được trang bị một đèn hiệu dưới nước định vị, một máy dò và quét sóng âm để phát hiện kim loại và hình ảnh 3D dưới nước được đưa tới hiện trường cũng đã phát hiện tín hiệu hình ảnh phần đuôi của máy bay QZ8501 ở độ sâu khoảng 28m.

Ông Bambang Soelistyo khẳng định: "Chúng tôi đã chắc chắn rằng phần lớn thân của chiếc máy bay đang ở độ sâu 25-30m và sẽ cố gắng để trục vớt cũng như tìm kiếm chiếc hộp đen”. Tuy nhiên, công tác tìm kiếm, cứu nạn và cứu hộ đang gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết quá xấu, sóng to, gió lớn.

Hiện Basarnas đã quyết định kéo dài thời gian tìm kiếm theo lệnh của Tổng thống Indonesia Joko Widodo và hy vọng có thể tìm thấy hộp đen của chiếc máy bay trong vòng 1 tháng tới. Khu vực tìm kiếm của Basarnas cũng đã được mở rộng và công tác nhận dạng các thi thể đang được tiến hành khá khẩn trương. Riêng trong ngày 2/1, có thêm 3 thi thể được nhận dạng và chuyển cho thân nhân.

Và những giải thích ban đầu

Hãng tin Channel Asia dẫn lời một quan chức cấp cao Indonesia cho biết, việc tìm thấy phao trượt và nhiều vật thể khác thuộc máy bay Airbus 320-200 đã hé lộ những dự đoán ban đầu về việc chuyện gì đã xảy ra đối với chuyến bay QZ8501. Nhiều khả năng, phi công điều khiển chiếc máy bay này đã hạ cánh khẩn cấp xuống biển thành công nhưng do biển động, sóng lớn, bão to đã khiến máy bay bị nhấn chìm.

Cựu Bộ trưởng Giao thông Jusman Syafii Djamal giải thích rằng, có người đã mở phao trượt và cánh cửa thoát hiểm. Các hành khách có thể đang chờ tiếp viên bơm hơi vào xuồng cứu sinh (vì có hành khách mặc áo phao) nhưng có khi một con sóng lớn đổ trúng mũi máy bay và khiến nó chìm xuống.

Dudi Sudibyo, biên tập viên cao cấp của tạp chí hàng không Angkasa nói: “Các thiết bị xác định vị trí khẩn cấp (ELT) thường sẽ chỉ hoạt động trong tình huống có va chạm, không cần biết máy bay đâm xuống đất liền hay xuống biển. Nhưng hệ thống của máy bay QZ8501 đã không hoạt động vì không có va chạm lớn nào trong quá trình hạ cánh”.
Lực lượng hải quân Indonesia tích cực tìm kiếm thi thể các nạn nhân trên máy bay QZ8501. (Ảnh: Reuters)

Một số cựu phi công khác của Malaysia thì nghiêng về giả thuyết, phi hành đoàn đã mất quá lâu để yêu cầu sự cho phép tăng độ cao hoặc có thể tự ý tăng độ cao đúng vào thời điểm thời tiết xấu vào do đó đã gặp nạn. Có thể máy bay bị mất lực nâng và rơi thẳng xuống biển do nó di chuyển quá chậm hoặc nâng mũi lên quá lớn (khi bay lên cao). Nhưng điều gây nhiều nghi ngại nhất chính là việc tại sao máy bay không phát đi tín hiệu báo nguy.

Còn theo cơ quan khí tượng, khí hậu và địa vật lý Indonesia, không thể không loại bỏ khả năng máy bay bị rơi xuống biển do lớp mây băng phủ máy bay làm hỏng động cơ. Báo cáo ban đầu dài 14 trang của cơ quan này cho biết, máy bay có khả năng đã bị đóng băng, ảnh hưởng đến hệ thống điều chỉnh nhiệt của máy bay và dẫn tới hỏng động cơ.

Phan Hiển
.
.
.