Ngày thứ sáu tìm kiếm máy bay QZ8501: Đã tìm vớt được 30 thi thể

Thứ Sáu, 02/01/2015, 23:02
Đội tìm kiếm đã tìm vớt được 30 thi thể, trong đó có 5 nạn nhân vẫn bị mắc kẹt trên ghế ngồi của máy bay. Bên cạnh đó, thêm 3 thi thể (gồm một nữ, hai nam) đã được nhận diện trong vụ tai nạn này.

Ngày 2/1, hãng AP dẫn thông tin từ kênh MetroTV cho biết Đại tá Yayan Sofiyan - chỉ huy chiến hạm Bung Tomo của Indonesia - nói với kênh truyền hình MetroTV rằng các đội tìm kiếm đã tìm vớt được 30 thi thể, trong đó có 5 nạn nhân vẫn bị mắc kẹt trên ghế ngồi của máy bay. Bên cạnh đó, thêm 3 thi thể (gồm một nữ, hai nam) đã được nhận diện trong vụ tai nạn này. Cả 3 nạn nhân này đều là công dân Indonesia.

Như vậy, tính tới nay đã có tất cả 4 thi thể được nhận dạng và một thi thể đã được chôn cất. Các chuyên gia pháp y cũng đang khẩn trương nhận diện 5 thi thể khác.

Cơ quan tìm kiếm và cứu nạn quốc gia Indonesia (Basarnas) thông báo đã tìm thấy tổng cộng 16 thi thể, trong đó đã trục vớt 10 thi thể, đồng thời cho hay trong ngày hôm nay sẽ có thêm nhiều thi thể được vớt lên. Basarnas cho biết thêm rằng, 8 nạn nhân thiệt mạng hiện đã được chuyển về Surabaya, còn 2 thi thể khác vẫn đang được bảo quản tại Pangkalan Bun.

Các hòm đựng thi thể nạn nhân thảm họa QZ8501 được đưa lên phi cơ vận tải quân sự tại sân bay ở Pangkalan Bun để chuyển tới Surabaya. Ảnh: Reuters.

Sáng cùng ngày, Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Malaysia Abdul Aziz Jaafar đã đăng tải một tấm bản đồ trên mạng xã hội Twitter kèm dòng chú thích: “Khu vực khả dĩ nhất có thể tìm thấy xác máy bay”.

Theo tấm bản đồ này, khu vực tìm kiếm chiếc máy bay QZ8501 trong ngày thứ Sáu đã dịch chuyển thêm 30 hải lý (56km) về phía Đông so với ngày hôm qua. Khu vực tìm kiếm này có diện tích khoảng 1. 575 hải lý vuông (5.400km2) với chiều dài hơn 83km và chiều rộng khoảng 65km.

Liên quan đến chiếc hộp đen của máy bay, ông Toos Sanitiyoso, đại diện Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Indonesia (NTSC) khẳng định, cần phải mất ít nhất 1 tuần để tìm ra hai chiếc hộp đen của QZ8501: “Vấn đề chính là tìm ra thân máy bay rồi đến hộp đen”.

Tuy nhiên, việc này sẽ là một nhiệm vụ khó khăn bởi vùng biển Java có độ sâu 40-50m. Giới chức Indonesia cho hay họ không có công nghệ để quét các vùng nước sâu và phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ quốc tế. Theo kế hoạch, tàu Baruna Jaya 1 được trang bị một đèn hiệu dưới nước định vị, một máy dò và quét bằng sóng siêu âm để phát hiện kim loại và hình ảnh 3D dưới nước, đã được đưa đến hiện trường trong ngày 2-1.

Ngoài ra, theo tờ The Straits Times, một đội chuyên gia của Pháp cùng các thiết bị chuyên môn đã có mặt ở hiện trường tìm kiếm máy bay QZ8501 của hãng AirAsia vào sáng 2-1 để trợ giúp tìm kiếm hộp đen của chiếc máy bay xấu số. Đội ngũ chuyên gia này thuộc Cơ quan điều tra tai nạn hàng không Pháp (BEA). Cơ quan BEA tham gia hỗ trợ trong tất cả tai nạn liên quan đến máy bay Airbus vì hãng sản xuất máy bay này có trụ sở tại Pháp.

Về nguyên nhân vụ tai nạn, giả thuyết mới nhất mà các nhà điều tra đưa ra là QZ8501 đã bị “chết máy” do tăng độ cao quá nhanh.

Hãng tin Reuters dẫn lời một phi công có kinh nghiệm cho biết: “Nếu lên cao đột ngột, tốc độ máy bay sẽ bị giảm và khiến máy bay chết máy”. Trong khi đó, một nguồn tin tiếp xúc với cuộc điều tra vụ QZ8501 tiết lộ dữ liệu dường như cho thấy chiếc máy bay này đã thực hiện cú tăng độ cao quá nhanh đến mức “không thể tin được” và có thể vượt giới hạn cho phép của loại máy bay này.

Tuy nhiên, nguồn tin này cảnh báo cần thêm nhiều thông tin nữa, đặc biệt là 2 hộp đen của máy bay, trước khi đi đến kết luận vững chắc.                                                                

Đặng Hà
.
.
.