Vòng luẩn quẩn cuộc khủng hoảng di cư châu Âu

Thứ Hai, 14/09/2015, 09:50
Trong báo cáo ngày 11/9, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) ước tính sẽ có ít nhất 850.000 người di cư và tị nạn sẽ vượt biển Địa Trung Hải đến châu Âu trong năm 2015 và 2016. Trong đó, tính riêng trong năm 2015, tới thời điểm này, con số trên đã là hơn 430.000 và khoảng 2.700 người đã thiệt mạng khi đang trên hành trình tới “miền đất hứa”.

Tờ Thời báo Tài chính của Anh chỉ ra rằng, châu Âu hiện đang trải qua cuộc khủng hoảng dân tị nạn còn tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng những năm 1990, thời điểm gần hai triệu người tị nạn Bosnia chạy sang các nước phương Tây. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo, cuộc khủng hoảng người tị nạn đang diễn ra ở châu Âu “đáng lo ngại hơn cả cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone)”.

Không giống như thời kỳ buôn bán nô lệ, khi 12,4 triệu người châu Phi bị vận chuyển cưỡng ép từ quê hương họ trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ XV đến thế kỷ XIX và có tới 1,8 triệu người đã thiệt mạng trên “hải trình tàu nô lệ” khét tiếng từ châu Âu tới các nước châu Mỹ, với tỉ lệ thương vong vào khoảng 15%, nhưng người di cư ngày nay đến châu Âu một cách tự nguyện, với khao khát rời khỏi quê hương của mình để thậm chí tìm những công việc được trả lương thấp nhất ở “trời Âu”. 

Quê hương họ - Syria, Afghanistan, Mali – đã trở thành những cái bẫy chết người, vì vậy họ sẵn sàng mạo hiểm mọi thứ để đưa chính họ và gia đình tới nơi an toàn. Nhưng giữa những nỗi kinh hoàng ở quê nhà và sự an toàn của châu Âu là một chặng đường trên biển, đáng buồn là thường rất giống với chặng đường trung chuyển kinh hoàng mà những người châu Phi bị bắt làm nô lệ đã trải qua từ xa xưa. 

Theo số liệu của IOM, từ đầu năm 2015 tới nay, đã có hơn 2.700 người thiệt mạng khi tìm cách vượt Địa Trung Hải, trong khi con số này năm 2014 là 3.200 người. Chỉ tính riêng trong tháng Tám năm nay, đã xảy ra ba sự cố người tị nạn bị thiệt mạng do tàu vượt biển trái phép bị lật hoặc chết ngạt trong xe tải vào các ngày 15/8, 27/8 và 29/8. Trước đó, sự kiện lật tàu chở người di cư ở vùng biển Libya vào đêm 18/4 đã khiến hơn 800 người thiệt mạng.

Trong khi đó, số lượng người tìm cách vượt đại dương từ châu Phi sang châu Âu bằng thuyền đã tăng vọt lên 40% kể từ năm 2014. Tỉ lệ thương vong thấp hơn so với trong thời kỳ buôn bán nô lệ - xấp xỉ 1% so với 15% - nhưng so sánh này sẽ không khiến người dân châu Âu ngủ yên giấc hơn mỗi tối.

Tới thời điểm này, hơn 430.000 người tị nạn đã rời bỏ quê hương với đích đến là “miền đất hứa” châu Âu.

Theo một báo cáo của IOM: “Số lượng người thiệt mạng thực sự có khả năng cao hơn, vì nhiều cái chết xảy ra tại những khu vực xa xôi hẻo lánh của thế giới và không bao giờ được ghi chép lại. Một số chuyên gia cho rằng, đối với mỗi một xác chết được tìm thấy, thì lại có ít nhất hai thi thể khác không bao giờ được tìm ra”.

Thực tế cho thấy, kể từ các cuộc chiến tranh tại Afghanistan, Iraq rồi đến “Mùa xuân Arab”, dưới sự xúi giục của Mỹ, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục lấy dân chủ làm chiêu bài để can dự vào công việc nội bộ của Trung Đông, Tây Á và Bắc Phi, kết quả sau khi cái gọi là nền độc tài thống trị bị lật đổ, những gì mang lại cho người dân tại các khu vực này không phải là xã hội an ninh, kinh tế phát triển mà là tình cảnh đã quá quen thuộc với liên tiếp các cuộc đấu tranh vũ trang địa phương, phong trào của các phần tử khủng bố xuyên quốc gia, mâu thuẫn giữa chính phủ quân đội với các lực lượng dân chủ, mâu thuẫn giữa phi tôn giáo và tôn giáo, mâu thuẫn trong nội bộ các giáo phái, mâu thuẫn giữa các sắc tộc… diễn ra khắp nơi. 

Thêm vào đó là bóng đen của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đã đẩy Trung Đông vào vòng xoáy chiến tranh và xung đột. Tình cảnh này đã buộc người tị nạn phải rời xa quê hương, và chỉ có thể hướng đến các quốc gia bên kia bờ Địa Trung Hải, nơi mà người dân được đãi ngộ tốt, trật tự xã hội ổn định. 

Theo Giáo sư Jean Pierre, chuyên gia nghiên cứu Trung Đông của Học viện chính trị Paris, do các nước châu Âu thúc đẩy “dân chủ hóa” đối với các nước Arab chưa triệt để mới dẫn đến các khu vực liên quan liên tục rối ren. Đằng sau quá trình các nhà truyền giáo “xuất khẩu dân chủ” là việc cương quyết dùng vũ lực để tiêu diệt các nước bị coi là “thế lực gian ác” độc tài chuyên chế như ở Afghanistan, Iraq, Libya, song về khách quan, các thế lực chính trị này lại tạo thành một bộ phận không thể thiếu của xã hội Hồi giáo truyền thống bản địa, một khi ở vào tình cảnh bị diệt trừ tận gốc, xã hội bất ổn, dân chúng lầm than, hoạt động khủng bố của các phần tử cực đoan đương nhiên sẽ diễn ra ồ ạt, người tị nạn ắt sẽ trở thành gánh nặng lớn cho các nước châu Âu.

Trong khi đó, đến ngày 24/8 mới bày tỏ sẵn sàng đón nhận từ 5.000 – 8.000 người tị nạn vào năm 2016. Câu hỏi đặt ra là, những người tị nạn này sẽ đến Mỹ bằng cách nào, bằng con đường nào? Bên cạnh đó, thử hỏi, kể từ các cuộc chiến tranh tại Afghanistan, Iraq rồi đến “Mùa xuân Arab”, có cuộc biến động lớn nào mà Mỹ không “đổ thêm dầu vào lửa”? Và trong tất cả các cuộc tái thiết sau chiến tranh, có cuộc tái thiết nào mà Mỹ chủ động đứng ra và hết lòng hết sức tham gia? Không chỉ Mỹ và EU, những kẻ buôn người cũng phải chịu một phần trách nhiệm về cuộc khủng hoảng di cư đang diễn ra ở châu Âu.

Theo các chuyên gia, xét một cách công bằng, mấu chốt của việc giải quyết vấn đề người tị nạn chạy sang châu Âu không phải là “cho họ đến châu Âu” mà là phải khôi phục hòa bình và an ninh tại mảnh đất quê hương của người tị nạn, giúp họ được trở về quê hương, làm cho quê hương của họ không có người di cư mới, chỉ là sự bình yên và thịnh vượng mới là cái đích thực sự. Nghèo đói thì sinh ra hỗn loạn, hỗn loạn lại dẫn đến cực đoan. Việc thúc đẩy dân chủ hóa một cách mù quáng đã làm cho sự cân bằng xã hội bị phá vỡ, hậu quả là chiến tranh xảy ra liên miên.

Khổng Hà
.
.
.