Gian nan việc tìm kiếm lệnh ngừng bắn toàn cầu giữa “bão” COVID-19

Thứ Ba, 21/04/2020, 07:17
Lần đầu tiên trong lịch sử 75 năm, Liên hợp quốc (LHQ) đã kêu gọi một lệnh ngừng bắn trên toàn thế giới để mở đường cho nỗ lực chống lại đại dịch COVID-19 tại những điểm nóng chiến sự, song các cường quốc hàng đầu vẫn chưa thông qua quyết định này do còn khúc mắc từ Mỹ và Nga.

Guardian ngày 20-4 đưa tin, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cuối tháng 3 kêu gọi một lệnh ngừng bắn toàn cầu trong bối cảnh dịch COVID-19 lây lan chóng mặt và tạo ra những hệ lụy chưa từng có cho nhân loại. Sau lời kêu gọi của ông Guterres, 70 quốc gia trên thế giới đã kí một lá thư hoan nghênh bước đi của người đứng đầu cơ quan LHQ, trong khi hơn 190 tổ chức quốc tế kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ có hành động tương xứng.

Người đàn ông bế đứa trẻ bị thương chạy khỏi tòa nhà vừa trúng bom ở Syria. Ảnh: ABCNews

Tuy nhiên, khả năng sớm đạt một nghị quyết về lệnh ngừng bắn toàn cầu tại Hội đồng Bảo an đang gặp khó do bị Nga và Mỹ lặng lẽ khước từ. Tờ báo dẫn nguồn tin ngoại giao cho hay, cả Washington và Moscow đều ủng hộ các biện pháp ngừng bắn tại những khu vực xảy ra xung đột như Syria, Libya và Yemen…, song chính quyền hai nước phản đối ngừng bắn ở cấp độ toàn cầu vì cho rằng nó có thể cản trở các chiến dịch chống khủng bố.

Tại Mỹ, quan chức Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao đều nhận định lệnh ngừng bắn toàn diện ở cấp độ toàn cầu có thể phương hại tới cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq. Giới chức Washington cảnh báo một bước đi như vậy sẽ làm suy yếu khả năng tiến hành các hoạt động quân sự đột xuất nhằm vào các mục tiêu đi ngược lợi ích cốt lõi của Mỹ.

Washington gần đây nhiều lần dọa tấn công phủ đầu các mục tiêu của Iran trong trường hợp Tehran có hành vi bị Mỹ xem là gây phương hại tới nước này. Mỹ cũng quan ngại một lệnh ngừng bắn “tại mọi ngõ ngách trên thế giới” sẽ tác động tiêu cực tới khả năng tác chiến của Israel, đồng minh gần gũi của Mỹ, tại Trung Đông.

Tương tự, Nga không muốn một lệnh ngừng bắn toàn cầu khắt khe vì nghi ngờ nó sẽ kìm hãm những nỗ lực chống khủng bố mà nước này đang tiến hành trên lãnh thổ Syria. Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho là đang kỳ vọng duy trì ưu thế của quân đội Syria trong cuộc nội chiến đẫm máu vừa bước sang năm thứ 10. Với sự trợ giúp của Nga, Syria đã giành lại phần lớn lãnh thổ và đang đà đẩy lùi khủng bố ở khu vực biên giới giáp Thổ Nhĩ Kỳ. Một lệnh ngừng bắn ở thời điểm hiện tại có thể mang cơ hội củng cố lực lượng cho các tay súng cực đoan.

Thông tin về thái độ của Mỹ và Nga liên quan đến lệnh ngừng bắn toàn cầu xuất hiện vài ngày sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng ông đã trao đổi về ý tưởng và nhận được sự ủng hộ từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Anh Boris Johnson và cả Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhà lãnh đạo Pháp khẳng định ông chỉ còn chờ ý kiến của Nga, quốc gia còn lại trong 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.

Tổng thống Macron tin tưởng động thái sẽ sớm nhận được sự ủng hộ của người đồng cấp Putin. Một số nhà quan sát khi đó bày tỏ tin tưởng lệnh ngừng bắn này sẽ sớm được thông qua. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhìn nhận, dù Nga và Mỹ đều không phản đối lệnh ngừng bắn về mặt ý tưởng nhưng việc thông qua chúng ở cấp độ nào lại là câu chuyện khác. Cả hai nước đều mong muốn có những ngoại lệ cho hoạt động quân sự của mình.

Trong tuyên bố chính thức, Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh họ vẫn hoan nghênh sáng kiến của Tổng thư ký Guterres, song khẳng định Mỹ bảo lưu quyền thực hiện các chiến dịch quân sự. “Chúng tôi ủng hộ lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu nhưng sẽ tiếp tục thực thi những nhiệm vụ chống khủng bố hợp pháp”, Bộ Ngoại giao Mỹ nêu. Bộ Ngoại giao Nga cũng ra thông cáo tương tự khi xác nhận Moscow đánh giá cao lời kêu gọi từ người đứng đầu cơ quan LHQ nhưng cho rằng Nga có quyền tiến hành các hoạt động quân sự riêng.

“Chúng tôi lo ngại tình hình ở những vùng lãnh thổ do các nhóm khủng bố kiểm soát, chúng không quan tâm tới đời sống người dân. Các khu vực này có nguy cơ bùng phát dịch bệnh, chúng tôi tin rằng những biện pháp chống khủng bố cần được duy trì”, thông cáo có đoạn.

Theo CNN, Pháp đang tiếp tục chủ trì các cuộc thương lượng nhằm đạt được lệnh ngừng bắn ở một cấp độ mà cả Nga và Mỹ đều chấp thuận, trong bước đi chứng tỏ vai trò ngoại giao ngày càng được tăng cường của Paris tại Hội đồng Bảo an. Theo đó, thay vì ban bố lệnh ngừng bắn lập tức trên toàn thế giới đúng như lời kêu gọi của Tổng Thư ký LHQ, dự thảo nghị quyết do Pháp xây dựng sẽ đáp ứng một phần kì vọng khi yêu cầu các bên ngừng bắn tại các vùng chiến sự nhưng cho phép một số nước tiếp tục hoạt động quân sự chống các nhóm khủng bố được nêu trong danh sách của LHQ. Tổng thống Pháp Macron hi vọng sớm đạt được sự đồng thuận từ tất cả các bên để nhanh chóng tổ chức một hội nghị trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ để công bố nghị quyết trên.

Giới chuyên gia nhận định, để xây dựng và duy trì một lệnh ngừng bắn vào thời điểm này đòi hỏi sự thống nhất chi tiết cũng như rất nhiều cố gắng của tất cả các bên, nhưng khi làm được, thế giới không chỉ đạt mục tiêu về nhân đạo mà có thể tạo đà để hướng tới hòa bình lâu dài ở các điểm nóng chiến sự toàn cầu.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang tạo ra những hệ lụy được mô tả là chưa từng có trong lịch sử nhân loại từ thời Thế chiến II, đây là lúc các cường quốc tại Hội đồng Bảo an LHQ cho thấy vai trò hàng đầu của mình để bảo vệ người dân.

Trong thông điệp phát đi ngày 17-4, người đứng đầu Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) Henrietta Fore tiết lộ, trên thế giới hiện có đến 250 triệu trẻ em đang sống trong “cơn ác mộng” do những cuộc xung đột vũ trang và chúng phải đối đầu thêm một mối nguy mới do dịch COVID-19. “Với trẻ em, một lệnh ngừng bắn lúc này mang đến cơ hội sống thay vì cái chết… Nó bảo vệ chúng khỏi việc bị sát hại, mở đường cho chúng được chăm sóc y tế - chìa khóa ngăn chặn đại dịch”, bà Henrietta Fore kêu gọi.

Thiện Minh
.
.
.