Cuộc tổng tuyển cử ở Mexico góp phần định hình bàn cờ chính trị khu vực

Thứ Hai, 02/07/2018, 07:55
Sáng 1-7 (giờ địa phương, tức tối 1-7 giờ Việt Nam), gần 90 cử tri Mexico đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử quan trọng nhất trong lịch sử hiện đại của nước này, với việc bầu ra tổng thống mới cùng 128 thượng nghị sỹ, 500 hạ nghị sỹ, 8 thống đốc bang, thị trưởng Mexico City và trên 2.800 vị trí lãnh đạo địa phương.


Mexico là nền kinh tế lớn thứ 2 khu vực Mỹ Latinh, cuộc tổng tuyển cử 2018 sẽ góp phần định hình bàn cờ chính trị tại khu vực.

Khó chọn ứng cử viên sáng giá

Có 4 ứng cử viên chính trong cuộc chạy đua vào vị trí Tổng thống Mexico năm nay, gồm: Andrés Manuel López Obrador đứng đầu liên minh cánh tả “Cùng nhau, chúng ta làm nên lịch sử” (gồm các đảng Phong trào tái thiết quốc gia (Morena), đảng Gặp gỡ xã hội (PES) và đảng Lao động (PT)); Ricardo Anaya Cortés thuộc liên minh “Vì Mexico tiến lên” (gồm các đảng Hành động quốc gia (PAN), đảng Phong trào công dân (MC), đảng Cách mạng dân chủ (PRD)); cựu Bộ trưởng Tài chính và Tín dụng công, Jose Antonio Meade Kuribrenã thuộc liên minh “Tất cả vì Mexico” (gồm các đảng Cách mạng thể chế (PRI) cầm quyền, đảng Xanh (PVEM), đảng Liên minh mới (AN)) và ứng cử viên độc lập - chính trị gia Jaime Rodriguez. Ngoài ra còn có bà Margarita Zavala, phu nhân cựu Tổng thống Felipe Calderón và chính trị gia Armando Ríos Piter.

Các ứng viên nổi bật trong cuộc bầu cử Tổng thống Mexico (từ trái): Andres Manuel Lopez Obrador, Ricardo Anaya Cortés và Jose Antonio Meade Kuribrenã. Ảnh: altonivel

Các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử đều dự đoán chiến thắng lớn cho ứng cử viên Andrés Manuel López Obrador, 64 tuổi và Liên minh cánh tả của ông. Hai ngày trước bầu cử, ông López Obrador vẫn duy trì lợi thế dẫn đầu với trên 45% số cử tri ủng hộ, tiếp theo là ông Jose Antonio Meade Kuribrenã (22%), Ricardo Anaya Cortés (21%) và Jaime Rodriguez (3%). 

Mặc dù vậy, các nhà phân tích cho rằng, chưa có ứng cử viên nào có đủ chắc chắn giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này. 

Nhà ngoại giao Hector Vasconcelos nhận định: “Tôi nghĩ rằng sẽ khó có thể nói ai đứng thứ nhất, thứ 2 hay thứ 3. Họ sẽ không có đủ phiếu bầu, cho dù họ có bao nhiêu phiếu đi chăng nữa. Việc mua phiếu trong cuộc thăm dò dư luận để nhằm đánh lạc hướng dư luận cũng sẽ không có giá trị và không thể làm thay đổi kết quả vào ngày mai”.

Hi vọng về một sự thay đổi

Cuộc tổng tuyển cử lần này diễn ra trong bối cảnh Mexico đang đối mặt với nhiều vấn đề cấp thiết liên quan tới chính trị, kinh tế và xã hội. Trong 6 năm cầm quyền vừa qua, đảng PRI đã để lại ấn tượng không mấy tốt đẹp đối với người dân. 

Chính quyền của Tổng thống Pena Nieto sắp mãn nhiệm sẽ để lại cho người kế nhiệm nhiều vấn đề còn tồn tại như nền kinh tế tăng trưởng thấp hơn so với dự kiến, tỷ lệ người nghèo có xu hướng tăng, tỷ lệ việc làm phi chính thức vẫn ở mức cao (hơn 51% lực lượng lao động). 

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính và Tín dụng công Mexico, nợ nước ngoài của quốc gia này trong giai đoạn 2012 - 2017 đã tăng từ 10,3% lên 17,6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). 

Các chuyên gia đánh giá nợ nước ngoài tăng mạnh là kết quả của “một chính sách sai lầm” vì chính phủ đã đặt cược vào các khoản vay từ nước ngoài “để tạo ra tăng trưởng kinh tế, thay vì thúc đẩy nền kinh tế từ nội lực”. 

Bộ Tài chính và Tín dụng công Mexico dự báo nợ công của nước này sẽ lên tới 47,3% GDP vào cuối năm 2018. Bên cạnh đó, tỷ lệ tội phạm tăng mạnh (chỉ tính riêng trong chiến dịch vận động tranh cử đã có trên 133 ứng cử viên, chính trị gia và các nhà hoạt động xã hội bị sát hại) và đấu tranh chống tham nhũng chưa đạt hiệu quả.

Về quan hệ quốc tế, trong 4 năm đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Pena Nieto vẫn theo đuổi chính sách đối ngoại trung lập trong các vấn đề khu vực, tăng cường và củng cố quan hệ với Mỹ. 

Tuy nhiên, kể từ khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ, chính sách đối ngoại của Mexico đã xoay chiều theo hướng nghiêng về một phía (cụ thể là Mỹ) trong các vấn đề của khu vực, đặc biệt liên quan tới tình hình Venezuela. 

Cùng với đó là những căng thẳng xung quanh quá trình tái đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA - gồm Mexico, Mỹ và Canada) với những yêu sách của Mỹ. 

Mới đây nhất là các biện pháp thuế quan của Mỹ áp dụng đối với mặt hàng nhôm và thép của Mexico khiến Mexico ngay lập tức phản ứng với các biện pháp trả đũa tương ứng với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Mỹ.

Trong bối cảnh đó, các ứng cử viên tổng thống Mexico đều chia sẻ quan điểm chung về phương diện ngoại thương khi ủng hộ tự do thương mại, thúc đẩy đa dạng hóa thương mại thông qua tìm kiếm và mở rộng các thị trường tại Mỹ Latinh, Liên minh châu Âu (EU) và châu Á - Thái Bình Dương. 

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hai ứng cử viên Kuribrenã và Cortés đều có chung quan điểm thúc đẩy một nền kinh tế mở, tạo các điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài, qua đó tạo thêm nhiều việc làm. 

Trong khi đó, ông Andrés Manuel López cho rằng cần thúc đẩy nội lực, nâng cao năng suất lao động. Trong suốt quá trình vận động tranh cử vừa qua, chính sách đối ngoại không được coi là ưu tiên của các ứng cử viên. 

Do vậy, nhiều khả năng chính sách đối ngoại của Mexico sẽ không có nhiều thay đổi trong nhiệm kỳ tổng thống 2018-2024.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.