Khẩn trương cứu người sau thảm họa động đất ở Nepal

Thứ Ba, 28/04/2015, 07:43
Dẫu biết rằng cuộc sống ở gần khu vực dãy núi Himalaya là cực kỳ khó khăn và nguy hiểm, nhất là khi xảy ra thiên tai. Song báo cáo về con số gần 10.000 người thương vong trong vụ động đất ở Nepal vẫn không khỏi khiến cả thế giới bàng hoàng. Trận động đất mạnh nhất trong vòng 80 năm ở Nepal không chỉ phá vỡ cuộc sống yên bình của người dân nước này mà còn tàn phá, hủy hoại rất nhiều di sản văn hóa quan trọng.

Điều quan trọng nhất hiện nay chính là sự chạy đua với thời gian của lực lượng cứu hộ nhằm tìm kiếm, phát hiện thêm những nạn nhân may mắn sống sót và hỗ trợ người dân sớm trở lại với cuộc sống thường nhật.

Lúng túng công tác cứu hộ

Trao đổi với Báo Công an nhân dân, biên tập viên Tạp chí New Spotlight Keshab Poudel cho biết, đến giờ, người dân ở thủ đô Kathmandu nói riêng và Nepal nói chung vẫn chưa hết hoảng loạn và choáng ngợp bởi sức tàn phá quá lớn của trận động đất.

Những đợt dư chấn tiếp theo hôm 26/4 càng khiến cho công tác cứu hộ gặp muôn vàn khó khăn vì các đống đổ nát cứ chồng chất lên nhau. Thêm vào đó là tình hình thời tiết không thuận lợi với mưa nhiều và gió lớn. Đường phố thủ đô Kathmandu tràn ngập người và người. Các tuyến đường huyết mạch cũng bị tắc nghẽn do có quá nhiều người dựng lều trại ra giữa đường để nghỉ ngơi. Phần đông những người này bị mất nhà cửa sau trận động đất hoặc lo sợ dư chấn đến mức không dám ngủ trong nhà…

Một vấn đề nữa cũng khiến công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn là Nepal bị hạn chế về trang thiết bị. Chính mắt Keshab Poudel đã chứng kiến nhiều nhân viên cứu hộ phải đào xới đất bằng tay để tìm kiếm người mất tích trong các đống đổ nát.

Matt Darvas, một nhân viên thuộc tổ chức Tầm nhìn thế giới cũng cho biết, tại một số làng ở khu vực ngoại ô thủ đô Kathamandu, nơi tâm chấn động đất, chỉ có một trực thăng cứu hộ có khả năng làm việc và vì thế, khi số người bị thương được tìm thấy, công tác di chuyển họ tới bệnh viện gần nhất để cấp cứu cũng gặp không ít khó khăn. Matt Darvas còn cho biết thêm rằng, các đồng nghiệp của anh ở những khu vực khác cũng thấy vấn đề tương tự.

Thống kê mới nhất do giới chức Nepal công bố sáng 27-6 cho hay, số người thiệt mạng trong vụ động đất đã lên tới gần 3.600 người trong khi số người bị thương là hơn 6.000 người. Riêng thủ đô Kathmandu, nơi có khoảng 1 triệu dân sinh sống hứng chịu hậu quả nặng nề nhất với hơn 1.100 người thiệt mạng.

Trưa 27/4, Nepal đã tiến hành nghi lễ hỏa thiêu tập thể những thi thể các nạn nhân xấu số tại ngôi đền nổi tiếng Pashupatinath ở thung lũng Kathmandu nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh bùng phát sau động đất. Phát ngôn viên Liên Hợp Quốc Orla Fagan cho biết, việc ngăn ngừa bệnh tật lan tràn tại Nepal, nhất là các dịch bệnh như tiêu chảy, sởi… là nhiệm vụ quan trọng nhất.

Hiện có 14 nhóm y tế và một số lượng tương tự các nhóm tìm kiếm cứu nạn quốc tế đang trên đường tới Nepal. Hàng cứu trợ cho người dân Nepal cũng đang được đưa qua đường bộ từ Ấn Độ vào thành phố Pokhara rồi tới các vùng miền khác.

Thiếu trang thiết bị, các nhân viên cứu hộ phải dùng tay để bới đống đất đá tìm kiếm người mất tích. Ảnh: EPA.

Và những cảnh báo về khoa học

Các nhà địa chất học trên thế giới nhận định, những trận động đất lớn thường xảy đến với Nepal theo chu kỳ 75 năm. Lần này, Nepal phải hứng chịu một hậu quả nặng nề của trận động đất mạnh 7,9 độ richter còn bởi một lẽ là mật độ xây dựng tại thủ đô quá dày đặc. Không phải cơn địa chấn mà chính là các tòa nhà cao tầng bị đổ sập đã làm chết nhiều người dân.

GS Roger Bilham thuộc Trường Đại học Colorado của Mỹ, người đang nghiên cứu về lịch sử của những trận động đất xảy ra tại Nepal, cho biết, những rung chấn trong một đến hai phút vừa qua đã "kéo cả thủ đô Kathmandu trượt về phía Nam khoảng 3m”. Điều này khiến những ảnh hưởng do động đất gây ra càng trở nên trầm trọng hơn. Một số chuyên gia khác thì cho rằng, cơn địa chấn hôm 25/4 chỉ là “khởi đầu cho một trận động đất khác lớn hơn”.

Đồng quan điểm này, GS Yagi Yuji thuộc trường Đại học Tsukuba của Nhật Bản nhận định rằng, nguyên nhân của trận động đất tại Nepal là do chuyển động của vết đứt gãy địa chất dài khoảng 150km, rộng khoảng 120km. Kết quả cho thấy động đất xuất hiện gần ranh giới giữa lục địa Á - Âu và mảng kiến tạo Ấn Độ di chuyển về phía Bắc vào Trung Á với tốc độ 5cm/năm.

Trong khi đó, một số nhà khoa học thì cảnh báo, Kathmandu không phải là nơi duy nhất sẽ xảy ra động đất với cường độ lớn mà một số nơi khác cũng có nguy cơ như Tehran ở Iran, Haiti, Peru, Indonesia,…

Đã xác định được danh tính và mức độ an toàn của người Việt ở Nepal

Ngày 27/4, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, qua liên lạc với Trung tâm Cứu trợ khẩn cấp AIG Travel Guard cũng như nhiều kênh thông tin khác nhau, Đại sứ quán đã xác định được một số nhóm người Việt Nam đã an toàn sau trận động đất hôm 25/4. Đó là nhóm 6 người gồm Nguyễn Huệ Phương, Phạm Hồng Yến, Đỗ Như Huệ, Huỳnh Thị Minh Trang, Trung Liên Cương và Vũ Thị Quỳnh Như đang ở tại một doanh trại quân đội ở Uttar Dhoka Road (Kathamandu).

Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã hỗ trợ nhóm người này liên hệ với Đại sứ quán Ấn Độ tại Kathamandu và về New Delhi trong ngày 27/4; nhóm 2 người đi du lịch Lumbini (Nepal) là Trương Bảo Hân và Phạm Thanh Tùng hiện vẫn an toàn và về Kathmandu ngày 27/4; nhóm 5 người gồm Nguyễn Thị Minh Châu, Lợi Hồng Thanh, Đoàn Thị Diễm Chi, Nguyễn Đình Tấn Vũ, Lưu Lê Minh Khải đến trưa 27/4 đã được trực thăng cứu hộ đưa về Đại sứ quán Ấn Độ tại Kathmandu để sớm trở về New Delhi trong thời gian sớm nhất; Nhóm thứ 4 gồm 1 sư thầy và hai sư cô, Nguyễn Thế Nghĩa và Trần Hoàn Anh hiện đang an toàn tại Kathmandu. Đại sứ quán đang giữ liên lạc chặt chẽ với nhóm này để có các biện pháp hỗ trợ cần thiết.

Còn lại Quách Thùy Linh, Trần Hồng Ngọc cùng đi du lịch từ ngày 18/4 vẫn đang ở P-House, Lobuche giữ được liên lạc với gia đình.

Đặc biệt, chùa An Việt Nam Phật quốc tự của thầy Thích Huyền Diệu tại Lumbini (Nepal) hiện vẫn an toàn.

Ngoài ra, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ vẫn đang tiếp tục xác minh đối với 3 nhóm người Việt Nam khác gồm: nhóm thứ 1 có Nguyễn Hà Cẩm Tú đi du lịch theo tour, lần liên lạc gần nhất vào ngày 22/4; Đoàn Ngọc Tiến rời Việt Nam đi du lịch từ ngày 17/4 theo tour của Công ty Annapurna Circuit Trek; Nguyễn Hồ Huyền Trinh, Cao Thị Hồng Nhung và Huỳnh Quốc Huy đi theo tour của AIG; nhóm thứ 2 gồm Nguyễn Phương Thanh và Nguyễn Mạnh Linh đi du lịch tại Nepal và nghỉ tại Blue Mountain Homestay và vợ chồng anh Phạm Duy Khánh, Nguyễn Thị Thanh Mai sang sinh sống tại Kathmandu gần 2 năm.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đề nghị các gia đình người thân đang ở Nepal hoặc những ai có thông tin về công dân Việt Nam có thể là nạn nhân của vụ động đất xin thông báo ngay theo số điện thoại đường dây nóng phục vụ công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài (+84981848484+84462844844) hoặc đường dây nóng của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ (+911126879852) để được hỗ trợ kịp thời.

H.Chi

Huyền Chi
.
.
.