Sau 2 vụ bắt cóc con tin và xả súng ở Australia, Pakistan:

Cảnh báo an ninh toàn cầu về khủng bố

Thứ Năm, 18/12/2014, 09:45
Sau 48 tiếng đồng hồ nghẹt thở theo dõi các thông tin cập nhật xung quanh vụ bắt cóc con tin ở trung tâm thành phố Sydney (Australia) và vụ xả súng vào trường học do quân đội bảo trợ ở Peshawar, phía Tây Bắc Pakistan, nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra các cảnh báo an ninh mới về chống khủng bố. Từ đây, chiến dịch chống khủng bố đã được đưa ra mổ xẻ, xem xét; đồng thời những biện pháp an ninh cũng được tăng cường ở khắp mọi nơi trên thế giới nhất là khi không khí Giáng sinh đang tràn về.

Nỗi đau của người trong cuộc

Cho đến chiều 17/12, cộng đồng quốc tế vẫn chưa hết bàng hoàng với những gì xảy ra ở Pakistan và trước đó là ở Australia. Riêng đối với người dân Pakistan, sự ra đi của hơn 130 học sinh tại trường học của quân đội ở thành phố Peshawar là nỗi đau không gì khỏa lấp được. Tương lai của các em đã bị chấm dứt một cách thô bạo bởi những họng súng của những kẻ cực đoan, vô nhân tính.

Từ đêm 16/12, nhiều người đã thắp nến tưởng niệm và cùng cầu nguyện trong khi cha mẹ của các học sinh bị giết hại đang chuẩn bị hậu sự cho con mình trong một lễ tang chung diễn ra tại thành phố Peshawar, nơi xảy ra vụ thảm sát.

Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đã tuyên bố Quốc tang 3 ngày để tưởng nhớ các nạn nhân và khẳng định rằng, lực lượng an ninh nước này sẽ lùng sục từng ngõ nhỏ, từng đường tắt hay lối mòn ở cả khu vực biên giới để tìm cho ra những kẻ đứng đằng sau vụ tấn công này.

Ông Nawaz Sharif cũng cho biết thêm rằng, dù 6 tay súng đã bị tiêu diệt ngay sau khi vụ tấn công kết thúc nhưng an ninh ở Pakistan vẫn được đặt trong tình trạng báo động. Cảnh sát và quân đội được lệnh tăng cường bảo vệ tại các khu vực trọng yếu, tránh để xảy ra những sai lầm an ninh nghiêm trọng như vừa qua. Đồng thời, Thủ tướng Pakistan vẫn khẳng định sẽ tiến hành nhanh chóng các cuộc đối thoại hòa bình với lực lượng Taliban tại Pakistan nhằm giảm thiểu những vụ việc như trên.

Trong khi đó, tại Australia, tình hình có vẻ ít khả quan hơn khi mà người dân ngày càng gia tăng những chỉ trích về việc chính phủ không đảm bảo được sự bình an cho cuộc sống của người dân. Sau những lời chia buồn sâu sắc với gia đình 2 con tin bị thiệt mạng, Thủ tướng Tony Abbott đã phải cay đắng mà thừa nhận rằng, hệ thống an ninh quốc gia không theo sát tay súng giam giữ con tin ở Sydney.

Một cuộc điều tra nội bộ đã được mở từ trưa 16/12 với mục đích chính là xem xét lý do vì sao mà kẻ có lý lịch đen như Man Haron Monis lại không nằm trong danh sách khủng bố.
Nỗi đau tột cùng của gia đình các nạn nhân trong vụ thảm sát tại trường học ở Peshawar, Pakistan. Ảnh: Reuters

Ông Tony Abbott nói: “Chính phủ cần phải có một báo cáo rõ ràng về vụ bắt cóc. Chúng tôi muốn biết vì sao hắn không bị theo dõi dù có tiền sử bạo lực, bất ổn tâm thần và cuồng mê chủ nghĩa cực đoan”.

Một số nhà phân tích thì cho rằng, vụ việc ở Sydney đã khiến uy tín của chính phủ Australia bị giảm sút mạnh. Sáng 17/12, Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) cũng đã yêu cầu Australia siết chặt an ninh hơn nữa cho Asian Cup 2015 diễn ra vào tháng 5 năm 2015 tại 5 địa điểm Sydney, Newcastle, Brisbane, Canberra và Melbourne.

Và sự lo lắng của các quốc gia

Theo tin từ một số hãng thông tấn phương Tây như AP, Reuters, Telegraph…, ngày 17/12, nhiều quốc gia đã đưa ra các cảnh báo mới về an ninh dựa trên những thông tin xung quanh vụ việc ở Australia và Pakistan. Chẳng hạn như Ấn Độ - quốc gia có vùng biên giới giáp Pakistan, Bộ Nội vụ nước này đã phải cử cố vấn tới tất cả các bang để yêu cầu triển khai biện pháp đề phòng an ninh cho các trường học và học viện.

Malaysia, quốc gia có đông dân Hồi giáo sinh sống ở châu Á cũng đã đưa ra cảnh báo về an ninh và không loại trừ khả năng có thể trở thành mục tiêu tấn công của các phần tử Hồi giáo cực đoan. Tại Anh, Thủ tướng David Cameron thì cho rằng, nước này đang đứng trước nguy cơ bị tấn công theo kiểu vụ việc xảy ra tại quán cà phê Lindt ở Sydney (Australia).

Ông David Cameron còn nói, dù đã nâng mức báo động khủng bố lên mức cao thứ 2 vào tháng 8, song Anh vẫn cần phải nâng cao cảnh giác hơn nữa với các mối đe dọa khủng bố do nhiều công dân nước này đã trở về sau thời gian tham chiến ở Syria và Iraq.

Riêng tại Tây Ban Nha, 7 kẻ tình nghi Hồi giáo cực đoan đã bị bắt giữ với cáo buộc tham gia mạng lưới tuyển mộ tân binh cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Tại Mỹ, Tổng thống Barack Obama cũng đã triệu tập nhóm an ninh quốc gia tới Nhà Trắng để thảo luận về các mối đe dọa tiềm tàng.

Việt Nam lên án các hoạt động khủng bố dưới mọi hình thức

Trước việc lực lượng khủng bố tấn công một trường phổ thông ở thành phố Peshawar, phía Bắc Pakistan làm hàng trăm người thiệt mạng và bị thương, ngày 17/12, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ:

“Việt Nam lên án các hoạt động khủng bố dưới mọi hình thức và cho rằng vụ tấn công khủng bố tại Pakistan ngày 16/12 nhằm vào dân thường và trẻ em là một hành động dã man không thể chấp nhận được. Việt Nam xin gửi lời chia buồn và cảm thông sâu sắc đến Chính phủ, nhân dân Pakistan và gia đình những người bị nạn và tin tưởng rằng những kẻ chủ mưu sẽ sớm bị trừng trị thích đáng”.

Cũng trong ngày 17/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có điện chia buồn gửi Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng có điện chia buồn gửi Cố vấn Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan Sartaj Aziz.

Gia Nam
.
.
.