10 triệu sĩ tử Trung Quốc khốn đốn vì COVID-19
Ở nhà vì dịch COVID-19, nhưng mỗi ngày Xiong Yanfei vẫn phải vùi mình vào đống sách vở để “chiến đấu” với một kỳ thi có thể làm thay đổi cuộc đời mình.
- Hơn nửa triệu học sinh Hàn Quốc bước vào kỳ thi "sinh tử"
- Vũ Hán dỡ lệnh phong toả và nỗi lo mới của Trung Quốc
- Trung Quốc bất ngờ phong tỏa huyện với 600.000 dân
Hàng ngày. Xiong bắt đầu ôn luyện từ 8h sáng và kết thúc lúc 23h đêm. Thông thường, ở trường, Xiong sẽ có những khoảng nghỉ giải lao giữa các tiết học trong ngày, trước khi về nhà để ôn tập. Nhưng lệnh phong toả thành phố vì COVID-19 trong hai tháng vừa qua khiến trường học đóng cửa, dẫn đến việc ngày nào Xiong cũng phải ôm chiếc laptop để học trực tuyến tới khuya.
Gaokao (Cao khảo) là kỳ thi Đại học được xếp vào hàng khó, khốc liệt, kinh khủng nhất thế giới tại Trung Quốc, bao gồm 4 môn thi, mỗi môn 3 tiếng: Tiếng Trung, tiếng Anh, Toán và một môn khoa học tự chọn (Sinh học, Hóa học, Vật lý) hoặc một môn xã hội tự chọn (Địa Lý, Lịch sử, Chính trị). Khoảng 10 triệu học sinh tham dự kỳ thi này hàng năm, nhưng chỉ 2% trong số đó được nhận vào 38 trường đại học hàng đầu của Trung Quốc, và chỉ 0,05% vào được Thanh Hoa và Bắc Kinh – được coi là Oxbridge (Oxford và Cambridge) của Trung Quốc. |
"Tôi khá lo lắng. Cao Khảo thực sự là một bước ngoặt vô cùng lớn. Nền tảng giáo dục của một người thực sự rất quan trọng. Những người thành công đều do họ được học hành tử tế", Xiong nói.
Khung cảnh thường thấy tại các trường học trước kỳ thi Cao Khảo những năm trước. (Ảnh: CNN) |
Một số điểm cao tại Cao Khảo là cách duy nhất giúp các em học sinh vào được các trường đại học mà mình mong muốn, giúp đảm bảo một tương lai tốt đẹp và công việc thuận lợi sau này. Những áp lực khổng lồ vô tình đặt nặng lên vai các em nhiều đến nỗi, vào năm 2019, chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh yêu cầu phụ huynh và giáo viên không được cố ép con em và học sinh của mình học quá nhiều.
Kỳ thi Cao Khảo năm nay ban đầu ấn định ngày tổ chức vào tháng 6 tới, nhưng dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã khiến chính phủ Trung Quốc phải hoãn kỳ thi lại ít nhất một tháng, dự kiến sẽ tổ chức từ ngày 7 đến 8/7, ngoại trừ thủ đô Bắc Kinh và tỉnh Hồ Bắc hiện vẫn chưa công bố ngày thi cụ thể.
Trong khi các học sinh trung học ở hơn 12 tỉnh thành đã trở lại trường, thì học sinh ở nhiều nơi khác, như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông và Hồ Bắc, vẫn đang phải ở nhà và học trực tuyến, theo Tân Hoa Xã. Học sinh cuối cấp ở Thượng Hải và Quảng Đông sẽ đi học trở lại vào ngày 27/4.
Trên khắp cả nước, học sinh và giáo viên đang “đau đầu” vì việc hoãn thi sẽ có lợi hay gây bất lợi cho họ.
Trong khi một số học sinh ăn mừng cơ hội được ôn luyện nhiều hơn để chuẩn bị cho kỳ thi, một số khác lại “khiếp sợ” vì phải chịu đựng thêm một tháng nữa. "Cao Khảo bị hoãn khiến tôi cảm thấy lo lắng nhiều hơn, nhưng đây là một trận chiến tâm lý và tôi phải thắng, nhất định phải thắng”, Xiong viết trong một bài đăng trên trang Weibo cá nhân.
Học sinh Trung Quốc thức đêm ôn thi Cao Khảo. (Ảnh: ITN) |
Về phần mình, Sharon Li, một học sinh tới từ Quảng Châu lại cảm thấy nhẹ nhõm khi được thông báo kỳ thi sẽ bị hoãn. Sharon Li đã “đóng cửa” ôn luyện tại nhà trong nhiều tuần, mỗi ngày học từ 7h30 sáng đến 18h tối, sau đó cô làm thêm bài tập về nhà.
Sharon Li cho biết khi bắt đầu học ở nhà, cô đã đặt mình dưới áp lực rất lớn để cạnh tranh với các thí sinh khác.
"Thầy giáo nói, chúng tôi bây giờ sẽ không thể so sánh ai học nhiều hơn ai, một số học sinh sẽ không cảm thấy áp lực, chỉ khi chúng tôi quay lại trường và làm bài kiểm tra, chúng tôi mới nhận ra bản thân đã tụt lại phía sau như thế nào", Li nhớ lại một trong những lời cảnh báo của giáo viên.
Li đã bắt đầu hình thành thói quen thức khuya và có những hôm học đến 2h sáng, ảnh hưởng đến sức khoẻ và tinh thần rất nhiều. Giờ đây với việc có thêm một tháng để học, Li hy vọng sẽ thiết lập được một thời gian biểu học tập thoải mái hơn. "Tôi có thể sử dụng thêm một tháng để cải thiện những điểm yếu của mình. Có thể tôi sẽ tạo ra được kỳ tích trong kỳ thi tới", Li tự tin nói.
Tuy nhiên, đối với Li Yongjun, một phụ huynh học sinh cho biết hoãn thi lại một tháng đồng nghĩa với việc hàng triệu phụ huynh như ông sẽ có thêm “một tháng đau khổ”.
"Thật mệt mỏi, tất cả chúng tôi đều hy vọng kỳ thi có thể được tổ chức sớm hơn, càng sớm càng tốt”, ông Li Yongjun nói.
Như một “sự sắp đặt của số phận”, số học sinh chuẩn bị thi Cao Khảo năm nay được sinh ra vào năm 2003, năm mà dịch SARS bùng phát. Dù làm 744 người chết trong số 8.098 người bị lây nhiễm, nhưng hồi năm 2003, hầu hết các trường học đều vẫn mở cửa, trái ngược hoàn toàn với dịch COVID-19 vào thời điểm hiện tại.
Sharon Li cho việc việc mình được sinh ra chỉ vài tháng truớc khi dịch SARS bùng phát và hiện giờ thì ôn thi Cao Khảo trong mùa dịch COVID-19 khiến cô cảm thấy thế hệ 2003 như là được “Chúa chọn” vậy. “Đây giống như một bộ phim. Chúng tôi thực sự là những chứng nhân lịch sử”, Li nói.