Những “cột mốc sống” góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo

Ngôi nhà thứ hai của ngư dân (bài 1)

Thứ Năm, 07/03/2024, 06:24

Kiên cường bám trụ với nghề đi biển truyền thống, ngư dân Việt Nam từ lâu đã được xem như những “cột mốc sống” bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam trên Biển Đông. Đồng hành cùng họ trên mọi hành trình còn có những âu tàu, nơi được coi như những ngôi nhà thứ hai của ngư dân.

Không ngại ốm không có nơi chữa bệnh, không ngại khó không ai giúp đỡ, từ nhiều năm nay ngư dân đánh bắt cá ở vùng biển thuộc đảo Trường Sa đã cảm thấy an tâm hơn mỗi khi xuất bến. Bởi lẽ, song hành cùng họ đã có những các âu tàu, các chiến sĩ Hải quân luôn sát cánh, hỗ trợ 24/24h.

Tự tin đi biển ngay cả khi… chẳng may gặp sự cố

13h chiều, giữa cái nắng chói chang, rát mặt, nhận được thông tin có một tàu cá của ngư dân thuộc tỉnh Bình Định vào âu tầu đảo Trường Sa xin nước và sửa chữa vòng bi bánh lái, các cán bộ chiến sĩ của Trung tâm Dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật đảo Trường Sa (gọi tắt là Trung tâm) vội vã vào vị trí hỗ trợ.

1hjoo3sak_3mmpr4.jpg -0
Khu vực kỹ thuật sửa chữa thuộc âu tầu Trường Sa.

Thuyền trưởng tàu cá BD 97445 Nguyễn Văn Thạch tươi cười từ thuyền bước thẳng xuống trung tâm, nơi Thiếu tá Vũ Hoàng Tùng, Chỉ huy Trưởng Trung tâm đang chờ sẵn. Nhìn bước đi quen thuộc, nghe cách thuyền trưởng Thạch chào hỏi các đồng chí trong Trung tâm là biết ông và các tàu ông lái đã từng ra vào âu tàu ở đảo nhiều lần. Nhanh nhẹn trao đổi với Thiếu tá Vũ Hoàng Tùng, thuyền trưởng Thạch bày tỏ mong muốn thợ kỹ thuật tại Trung tâm kiểm tra và sửa chữa vòng bi ở bộ phận bánh lái. Tiếp nhận thông tin, Thiếu tá Tùng liền hỏi ông Thạch xem có cần thêm hỗ trợ gì về nước ngọt, lương thực, thực phẩm, đá lạnh, rau xanh hay không? Nhưng ông Thạch nói không cần gì thêm, tàu cũng mới đi biển được một tuần, nên mọi thứ còn đủ.

Trao đổi xong vấn đề kỹ thuật, tàu cũng được tiếp thêm nước, Thiếu tá Vũ Hoàng Tùng hỏi ông Thạch về hành trình tàu đã đi qua; lưu ý ông Thạch tuân thủ nghiêm các quy định của Nhà nước về các khu vực vùng biển được phép đánh cá, tránh những vi phạm về khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU).

Giải thích cho ông Thạch rõ thêm về các quy định, Thiếu tá Vũ Hoàng Tùng thay mặt cán bộ, chiến sĩ tại Trung tâm tặng cờ Tổ quốc và tủ thuốc y tế cho thuyền trưởng nhắc nhở ông trong thời gian ở âu tàu tránh gió và chờ sửa chữa kỹ thuật phải tuân thủ tuyệt đối kỷ luật khu vực thị trấn Trường Sa, đó là không được uống rượu, không xả thải sai quy định làm ảnh hưởng môi trường, ngủ nghỉ đúng giờ quy định. Ông Thạch tươi cười hóm hỉnh nói: “Thủ trưởng yên tâm, chúng tôi đã nắm rõ!”.

Ra sân trước của Trung tâm, ông Thạch chia sẻ với chúng tôi: Mỗi khi đã vào tới các âu tàu, anh em trên tàu rất ý thức bảo vệ môi trường, cảnh quan; tuân thủ nghiêm các quy định của bộ đội Hải quân. Nhờ có các âu tàu, ngư dân trụ lại trên biển lâu hơn, tăng cơ hội đánh bắt hải sản thành công, không lo thiếu dầu, lương thực, rau xanh hay nước ngọt… Có âu tàu, còn bớt âu lo khi bão về, biển động. Rồi ông kể về những chuyến đi đánh bắt hải sản, những lần được bộ đội Hải quân tận tình cứu hộ tàu, cứu giúp thành viên thủy thủ đoàn khi bị bệnh.

Ông Thạch nhớ lại, lần gần đây nhất, một thuyền viên ông quen đi trên tàu cá KH99168 chẳng may bị tai nạn lao động nghiêm trọng gần khu vực đảo Đá Tây. Thuyền viên này bị tay quay máy tàu chém vào cổ, mất nhiều máu và hôn mê. Ngay lập tức, thuyền trưởng tàu KH99168 tạm dừng việc đánh cá, điện thoại nhờ các bác sĩ ở Trung tâm Y tế Trường Sa hỗ trợ.

Qua điện thoại, các bác sĩ hướng dẫn thuyền trưởng công tác sơ cứu rồi nhanh chóng đề nghị tàu đi nhanh về đảo Trường Sa để cấp cứu. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của bác sĩ ở trạm, bàn tay tưởng chừng như không thể khỏi, đến nay đã được chữa lành, thuyền viên đó đã quay trở lại đi tàu ra khơi đánh cá.

Trao đổi nhanh với phóng viên, nhiều thuyền viên trên tàu cá BD 97445 cho hay, giờ đây, không nhiều tàu cá khác đã yên tâm khi đánh bắt xa bờ, đặc biệt ở các ngư trường thuộc quần đảo Trường Sa. Nếu như trước kia họ chỉ neo ở các bãi cạn, không có trang thiết bị hỗ trợ an toàn, thì nay, với nhiều âu tàu tiện nghi, có các trung tâm dịch vụ, sửa chữa, cung cấp đầy đủ các nhu yếu phẩm, giúp yên tâm vươn khơi bám biển dài ngày. Tỷ lệ rủi ro trong mỗi chuyến đi vì thế cũng giảm xuống. Có các âu tàu và các Trung tâm dịch vụ trên biển giúp ngư dân trụ lại trên biển lâu hơn, đánh bắt được nhiều hải sản hơn, vì thế cuộc sống cũng bớt vất vả hơn.

Làm dịch vụ trên tinh thần phục vụ

Chia sẻ về tầm quan trọng của các Trung tâm Dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật đảo Trường Sa cũng như tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, chiến sĩ thuộc Hải đoàn 129 nói riêng, những người làm nhiệm vụ tại các âu tàu và các Trung tâm ở những đảo khác, Thiếu tá Trần Cộng Hoà-Chỉ huy phó cho biết: Với tinh thần phục vụ nhân dân là trên hết, Trung tâm trong những năm qua đã tận tình phục vụ ngư dân trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Từ việc bình thường nhất là cung cấp đá ướp lạnh, nước ngọt, chia sẻ lương thực, thực phẩm, tặng rau cho bà con… cho tới việc sửa chữa kỹ thuật, tư vấn pháp luật, rồi cả những khi sóng gió, bão biển đêm hôm đi cứu hộ, lai dắt tàu… tất cả đều được cán bộ, nhân viên Trung tâm làm với tinh thần vì nhân dân.

img_4748.jpg -0
Thiếu tá Trần Cộng Hoà, Chỉ huy phó Trung tâm Dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật đảo Trường Sa tặng cờ cho ngư dân trước khi dời âu tàu.

Trong năm 2023, Trung tâm đã đón và hướng dẫn, giúp đỡ gần 2.000 lượt tàu các vào âu tàu, trực tiếp tuyên truyền cho hơn 1000 lượt tàu cá. Hướng dẫn hỗ trợ cho 1712 lượt ngư dân lên khám, chữa bệnh. Sửa chữa thành công cho 39 tàu cá ngư dân các tỉnh Khánh Hoà, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Định, Quảng Ngãi… trong đó có trường hợp cứu hộ cứu nạn được cứu héo vào âu tàu chống chìm, sửa chữa, khắc phục sự cố hư hỏng rất nặng. Cấp miễn phí 1.347.000 lít nước ngọt, cung ứng  bán 53.000 lít dầu DO.

Hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân của tàu các bị tai nạn lao động, ảnh hưởng của thời tiết xấu kéo dài về lương thực, thực phẩm bằng nguồn lực lao động tăng gia tại chỗ. Cũng trong năm 2023, Trung tâm đã hỗ trợ tàu cá 135kg gạo; 1.275 kg rau củ, quả, 28 thùng mì tôm, phở, trứng 65kg thịt heo… dầu ăn, đường, muối… và các nhu yếu phẩm thiết yếu khác. Cung cấp phát 1.312 tờ rơi tuyên truyền Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ “một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo của EU về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định”, những điều cần thiết dành cho người đi biển và tờ rơi tuyên truyền về hoạt động của âu tàu, làng chài, tặng 1.276 lá cờ Tổ quốc, tặng 100 phao áo cá nhân…

Tại đảo Đá Tây, ông Hồ Mạnh Tưởng – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông, Giám đốc Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây cho biết thêm, Trung tâm có 6 bể chứa nước ngọt 900m³, kho hàng hóa và xưởng cơ khí phục vụ sửa chữa cho các tàu thuyền; xưởng sản xuất và cung ứng nước đá cây, hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt, kho lạnh và kho cấp đông bảo quản hải sản, hệ thống máy phát điện, nhà nghỉ cho ngư dân.

Ngoài ngư trường chính tại Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây A, công ty còn điều hành đội tàu vận chuyển hàng hóa đến các đảo lân cận thuộc vùng biển Trường Sa, thực hiện cung ứng các sản phẩm, dịch vụ hậu cần cho ngư dân bám biển dài ngày khai thác hải sản. Năm 2023, công ty cung ứng hàng hóa, dịch vụ hậu cần đạt 100 - 149,29% so với chỉ tiêu được giao; ngoài ra, còn thực hiện sửa chữa thành công hơn 20  chiếc tàu của ngư dân gặp sự cố trên biển.

Phạm Huyền
.
.
.