Những “cột mốc sống” góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo

Làm chủ trên vùng biển quê hương (Bài cuối)

Thứ Sáu, 08/03/2024, 07:50

Tại Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định: “Tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ dân sự, du lịch biển, đảo, phát triển ngư nghiệp để xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước”. Cả nước nói chung, Khánh Hòa nói riêng sẽ nỗ lực để hiện thực hóa nhiệm vụ nghị quyết đề ra.

Tự hào khi thấy cờ Tổ quốc trên biển

Bám biển vươn khơi trong sự an tâm không chỉ là nguyện vọng của riêng ngư dân, mà còn là mong muốn của các cấp, các ngành, để đồng hành cùng bà con trong hành trình phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền. Ở quần đảo Trường Sa các âu tàu từ lâu đã là điểm tựa vững chắc cho bà con ngư dân Việt Nam đánh bắt trên ngư trường.

img_6270.jpg -0
Ông Ngô Văn Tiến, thuyền trưởng tàu cá 98624TS treo lá cờ Tổ quốc mới trước khi đưa tàu ra khơi.

Tại đây, khi gặp giông bão, ngư dân có chỗ trú tránh, tàu bị hỏng hóc được sửa chữa miễn phí, tiếp nhiên liệu bằng giá với đất liền. Khi ngư dân thiếu lương thực, thực phẩm, nước ngọt, thuốc men,… đều được cán bộ, chiến sĩ trên đảo tiếp tế miễn phí.

Đặc biệt, nhiều trường hợp ngư dân có vấn đề sức khỏe, tai nạn trên biển nhiều năm qua còn được cấp cứu kịp thời ở Bệnh xá đảo Trường Sa. Bác sĩ Lê Hữu Thọ, Bệnh xá trưởng đảo Trường Sa, chia sẻ: “Ngư dân ra khơi đánh bắt gặp rất nhiều khó khăn, vất vả nên chúng tôi luôn tạo điều kiện tốt nhất để mọi người dân có điểm tựa và yên tâm vươn khơi bám biển. Chỉ mong rằng, nếu gặp nạn, ngư dân cần mau chóng được chuyển về Bệnh xá để chúng tôi có những phương án cứu chữa kịp thời”. Không chỉ được trợ giúp về kỹ thuật, cứu chữa khi không may bị ốm, các thuyền đánh bắt cá gần khu vực các đảo Trường Sa còn thường xuyên được tặng cờ Tổ quốc.

Cầm trên tay lá cờ đỏ sao vàng vẫn thơm mùi vải mới do chỉ huy đảo Trường Sa trao tặng trong quá trình ghé âu tàu, ông Ngô Văn Tiến, thuyền trưởng tàu cá 98624TS chia sẻ: Món quà tuy nhỏ nhưng có giá trị về tinh thần, tiếp thêm động lực cho ngư dân vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền, biển đảo của Tổ quốc. Khi ngư dân ở trên biển dài ngày, nhìn thấy lá cờ Tổ quốc Việt Nam sẽ có cảm giác phấn khởi, vững tâm khi cùng ngư dân khác vươn khơi bám biển. Thuyền trưởng tàu cá BD 97445 Nguyễn Văn Thạch thì cho hay, ông đã có hơn 10 năm đi biển, năm nào cũng đi vài tháng nên ông hiểu rất rõ về ý nghĩa của những lá cờ Tổ quốc trên những con tàu ra khơi. Gắn lá cờ Tổ quốc, đặc biệt khi lênh đênh trên biển, thực sự rất tự hào. “Khi có những lá cờ Tổ quốc tung bay trên tàu, chúng tôi rất tự tin khi vươn khơi bám biển làm kinh tế, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc", ông Thạch nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo không chỉ trông cậy vào các lực lượng chuyên trách, vấn đề có tính quyết định là phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên biển. Sự hiện diện của ngư dân trên biển không chỉ đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế mà còn có ý nghĩa như một lực lượng bảo vệ quan trọng.

Giữa đại dương mênh mông, nơi tận cùng hải phận của đất nước, mỗi tàu, thuyền đánh bắt hải sản của ngư dân với lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió là những “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Những tổ, đội đánh bắt hải sản như những “xóm, làng” trên biển, đó là những cột mốc đánh dấu chủ quyền của Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Tập trung hiện thực hóa Nghị quyết số 09

Ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa (Khánh Hòa), cho biết việc ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.

dsc06889.jpg -0
Trên hành trình đánh bắt, thi thoảng vẫn có những tàu cá gặp nạn ghé tàu của hải quân xin hỗ trợ thực phẩm.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã đồng hành, khuyến khích ngư dân đánh bắt ở ngư trường Trường Sa, với mong muốn mỗi chiếc tàu đánh bắt xa bờ như một “cột mốc” chủ quyền giữa biển. Nhờ sự đầu tư bài bản, hiện đại, huyện đảo Trường Sa có 4 âu tàu tại các đảo Song Tử Tây, Đá Tây, Trường Sa, Sinh Tồn với tổng sức chứa hàng trăm tàu công suất lớn vào neo đậu tránh bão. Bên cạnh các âu tàu, huyện đảo còn có các Trung tâm dịch vụ hậu cần, kỹ thuật hỗ trợ ngư dân về sửa chữa tàu thuyền, cung cấp nước ngọt, nhiên liệu… để ngư dân vươn khơi, bám biển. Nhờ thế, việc khai thác nguồn tài nguyên xa bờ tốt hơn, giảm mật độ khai thác gần bờ, tăng sản lượng khai thác hải sản.

Hy vọng rằng, với sự quan tâm của các bộ ngành Trung ương và hoạt động hiệu quả của hai đơn vị chủ lực là Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn và Công ty TNHH MTV dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông (Bộ NN&PTNT), các cơ sở hậu cần nghề cá ở huyện đảo Trường Sa sẽ được tiếp tục hiện đại hóa. Chủ tịch UBND huyện Trường Sa chia sẻ thêm: Hy vọng trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh sẽ nghiên cứu đầu tư nhiều hơn cho huyện đảo, như nuôi trồng hải sản có giá trị kinh tế cao. Về phía huyện, trước mắt vẫn là tập trung vào các thế mạnh về hậu cần đánh bắt và nuôi trồng hải sản, hậu cần hàng hải, du lịch.

Để hiện thực hóa Nghị quyết số 09, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, với vị thế địa chiến lược của huyện đảo Trường Sa, việc định hướng xây dựng, phát triển huyện Trường Sa thành “Trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước” thể hiện tư duy chiến lược và tầm nhìn mới của Đảng và Nhà nước ta. Thực hiện mục tiêu này không chỉ đem lại lợi ích trực tiếp cho nhân dân huyện đảo Trường Sa, mà còn cho cả nước. 

Huyện đảo Trường Sa và vùng biển bao quanh có tiềm năng bảo tồn biển cao, có cảnh quan nổi và ngầm dưới đáy biển của các quần thể rạn san hô rất đẹp với nguồn lợi thủy sản giàu có và đa dạng. Đó là tiền đề cho phát triển các ngành, nghề kinh tế biển dựa vào bảo tồn, như: Du lịch, khai thác và nuôi trồng thủy sản trên biển, điện mặt trời và điện gió ngoài khơi… Việc triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ dân sự, du lịch biển, đảo, phát triển ngư nghiệp và những ngành nghề kinh tế biển mới cho huyện đảo là một nhu cầu thực tiễn khách quan để đạt được mục tiêu kép: “Phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng”. Việc phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá ở huyện Trường Sa cần mở rộng và nâng cấp để đạt được “mục tiêu kép”, trong đó cần gắn công trình dân sinh với yêu cầu phòng thủ và bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh: “Khánh Hòa cần quán triệt sâu sắc trong cán bộ, đảng viên và người dân hiểu toàn diện hơn về huyện đảo Trường Sa, về mục tiêu xây dựng huyện đảo đến năm 2030 theo tinh thần nghị quyết của Trung ương. Trên cơ sở đó, xác định và phân công trách nhiệm của các ban, ngành và đơn vị trong tỉnh trong việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ cụ thể; trong đó cần nhận diện đúng và tập trung vào các ngành, lĩnh vực và dự án ưu tiên phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của huyện đảo”.

Phạm Huyền
.
.
.