Ký ức của một nhà báo tại Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975

Chủ Nhật, 30/04/2023, 05:01

Năm 1975, vừa tròn 24 tuổi, nhà báo, Thiếu úy Đậu Ngọc Đản (bút danh Ngọc Đản) là phóng viên của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Tháng 2/1975, ông nhận nhiệm vụ vào Nam, theo bước các binh đoàn trong cuộc tổng tiến công giải phóng miền Nam. Ngày 26/3/1975, nhà báo Ngọc Đản cùng các đồng nghiệp có mặt ở Huế rồi đi xe Honda vượt đèo Hải Vân. Ngày 29/3/1975 họ vào đến Đà Nẵng, ngày 29/4/1975 có mặt ở Xuân Lộc.

“Tôi là phóng viên miền Bắc vào…”

Nhà báo Ngọc Đản nhận nhiệm vụ đi theo đội hình hành quân của Trung đoàn 66, Sư đoàn 304. Sau đó ông đã gặp và bám theo chiếc xe tăng thứ tư của Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203. Đơn vị đã chiến đấu trận cuối cùng ác liệt ở cầu Sài Gòn và chọc thủng được phòng tuyến của địch ở phía Bắc cầu, đoàn xe tăng tiến thẳng vào Dinh Độc Lập.

Hồi tưởng lại những tháng ngày đó, nhà báo Ngọc Đản cho rằng đó là một điều may mắn tuyệt vời trong cuộc đời khi ông đã được chứng kiến và chụp ảnh sự đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh và nội các chính quyền Sài Gòn. Lúc đó, nhà báo Ngọc Đản và nhà báo Hoàng Thiểm - hai người đồng chí cùng công tác ở Thông tấn quân sự, là hai nhà báo đầu tiên của miền Bắc có mặt tại Dinh Độc Lập vào giây phút lịch sử.

4-1.jpg -0
Xe tăng Lữ đoàn 203 tiến vào Dinh Độc lập trưa 30/4/1975. Ảnh: Ngọc Đản.

Chụp được những bức ảnh lịch sử quý báu rồi, nhưng chuyển ra Hà Nội mới là công việc cực kỳ khó khăn và đầy thử thách vì tại thời điểm này không thể dễ dàng tìm được phương tiện giao thông. Tình thế gấp gáp, nhà báo Ngọc Đản nghĩ ngay đến việc nhờ những người lính Sài Gòn. Trong sân Dinh Độc Lập giờ phút ấy có rất đông các nhân viên, tùy tùng của chính phủ Sài Gòn. Nhà báo Ngọc Đản tiến về phía họ và nói: “Tôi là phóng viên ở miền Bắc vào, có tài liệu cần chuyển ra Bắc gấp. Ai có thể lái xe đưa chúng tôi ra sân bay Tân Sơn Nhất?”. Một người đàn ông có nước da sạm đen đứng gần đó giơ cánh tay lên: "Tôi là Võ Cự Long, sỹ quan lái xe dẫn đường cho đoàn xe của nội các chính quyền Sài Gòn. Tôi sẽ đưa ông đi"…

4-2.jpg -0
Nhà báo Ngọc Đản.

Chiếc xe đưa 2 nhà báo Ngọc Đản và Hoàng Thiểm lao nhanh về hướng cổng Phi Long - sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng tới đây, xe bị chặn lại, không thể vào sân bay được. Hai nhà báo quyết định thay đổi phương án, yêu cầu lái xe đưa mình ra Đà Nẵng - Huế mới mong có thể có máy bay chuyển tài liệu ra Hà Nội. Nhờ có giấy tờ nhà báo làm nhiệm vụ của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, xe đã ra khỏi thành phố Sài Gòn lúc 2h chiều 30/4/1975. Nói về kỹ năng tác nghiệp của một nhà báo, ông Đản tâm sự: Phản ứng nghề nghiệp ấy trước hết là do tính cấp bách, trọng đại của công việc và lời thề của người lính khi nhận nhiệm vụ, phải “tận tâm tận lực, thi hành nhanh chóng và chính xác”.

TP Sài Gòn vừa được giải phóng, dọc đường đi còn đầy sự nguy hiểm rình rập, nhưng 2 nhà báo Ngọc Đản và Hoàng Thiểm quyết tâm chuyển những cuộn phim ra Bắc sớm nhất. Xe đi suốt không nghỉ, tới ngày 2/5/1975 đến Huế an toàn. Ngay buổi trưa hôm đó, nhà báo Hoàng Thiểm theo máy bay quân sự đưa tài liệu ra Hà Nội. Có được những thước phim vô cùng quý giá ấy, Báo Nhân dân và Quân đội nhân dân ngày 3/5/1975 đã đăng những hình ảnh về giờ phút lịch sử ngày 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập.

4-3.jpg -0
Nhà báo Ngọc Đản (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng nghiệp vượt đèo Hải Vân, tiến vào Sài Gòn (tháng 3/1975).

Gặp được cô Nhíp là một điều tuyệt vời may mắn…

Trong số rất nhiều bức ảnh của các nhà báo ghi lại thời khắc Sài Gòn giải phóng thì bức ảnh một nữ chiến sĩ biệt động thành xinh xắn, mặc áo bà ba, đầu đội mũ tai bèo, vai khoác súng AK, đứng bên chiếc xe tăng của Quân giải phóng đã trở thành một hình tượng đẹp - một hình tượng Việt Nam với nụ cười sáng hiền, kiên cường, gan góc nhưng không kém phần nhân hậu, vị tha. Đó chính là bức ảnh “Cô Nhíp” của nhà báo Ngọc Đản. Cuộc gặp gỡ của ông với người nữ biệt động thành này diễn ra thật tình cờ và chớp nhoáng. Ấy là khi ông đang trên đường ra sân bay Tân Sơn Nhất để về Hà Nội. Giữa lúc đang rất vội, ông bỗng nhìn thấy bên chiếc xe tăng của Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 một cô gái vừa đẹp, vừa hiền dịu, lại vừa hiên ngang. Bị vẻ đẹp đó cuốn hút, ông lập tức giơ chiếc máy ảnh lên… Và cái khoảnh khắc  thật “dịu dàng mà hiên ngang” của một nữ biệt động giữa lúc Sài Gòn khói bom còn chưa tan hết đã được thu vào ống kính rồi trở thành một bức ảnh đẹp, nổi tiếng, được nhiều người biết đến...

4-4.jpg -0
Nữ biệt động thành Nguyễn Trung Kiên (Cô Nhíp). Ảnh: Ngọc Đản.

Người nữ biệt động thành đó có tên Nguyễn Trung Kiên (tên thật là Cao Thị Nhíp),  tự nguyện dẫn đường cho xe tăng của Quân đoàn 3 vào Sài Gòn. Nhíp là con một gia đình nghèo, quê Tiền Giang. Cô lên Sài Gòn hoạt động cách mạng, tham gia biệt động thành dưới vỏ bọc là người làm công cho gia đình một sĩ quan ngụy. Vốn thông thuộc đường sá, Nhíp đã dẫn đường cho xe tăng ta vào đánh Tân Sơn Nhất và các vị trí quân sự khác.

Kể về những ngày lịch sử ấy, giọng nhà báo Ngọc Đản đầy hồ hởi. Ông bảo, khi vào Sài Gòn, điều bất ngờ là gặp những người dân nơi đây, họ đón chào quân giải phóng bằng những tình cảm rất nồng hậu. Đang tác nghiệp nhưng ông cũng muốn hoà mình vào dòng người mừng vui ấy, hòa vào không khí chiến thắng ấy. Và với ông, trong cuộc đời gần 40 năm làm báo của mình, thì những năm tháng làm phóng viên chiến trường là thời kỳ ghi dấu ấn sâu đậm nhất. Đến bây giờ, ông vẫn không thể nào quên được dù chiến tranh đã lùi xa.

Minh Khôi
.
.
.