Đổi thay ở ngôi làng từng nuôi giấu nhà thơ Tố Hữu

Thứ Ba, 29/03/2016, 08:45
Trong dịp kỉ niệm 41 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước năm nay, chúng tôi ngược lên đại ngàn Trường Sơn, tìm về làng Rô – ngôi làng nhỏ của đồng bào Cơtu, từng nuôi giấu nhà thơ Tố Hữu và đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ khi vượt ngục Đắk Glei (Kon Tum) của thực dân Pháp; đóng góp nhiều sức người, sức của trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngày nay, đời sống người dân làng Rô đã không ngừng phát triển đi lên...


Làng Rô thuộc xã Cà Dy, huyện Nam Giang, Quảng Nam, đã đi vào trường ca “Nước non ngàn dặm” của nhà thơ Tố Hữu, bằng những lời thơ chan chứa ân tình: “Ôi! Làng Rô nhỏ của tôi. Cao cao ngọn núi chiếc nôi đại bàng. Trăm năm ta nhớ ơn làng. Cánh tay che chở bước đường gian nguy…”. 

Trưởng thôn Đinh Văn Xô (26 tuổi), bảo rằng, hồi chiến tranh, làng nằm bên bờ Nam sông Đắk Mỹ, có 30 hộ gia đình. Sau ngày đất nước thống nhất, làng dời về bờ Bắc sông, hướng mặt ra đường Hồ Chí Minh, tựa lưng vào núi Ađhây. Làng hiện có 110 hộ dân, với 436 nhân khẩu; chủ yếu là đồng bào Cơtu. 

Ngoài ra, còn có một số dân tộc khác sinh sống như, Giẻ Triêng, Mnông, Kinh. Tiếp tục truyền thống cách mạng, nhiều năm qua, được sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, người dân làng Rô luôn đồng lòng, ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Bên cạnh đó, cán bộ chiến sĩ Công an huyện Nam Giang thường xuyên về tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật, nếp sống văn hóa, văn minh nên dân làng cũng xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.

Công an huyện Nam Giang thường xuyên tổ chức nói chuyện, tuyên truyền xây dựng đời sống mới ở khu dân cư với người dân làng Rô.

“Nhất là từ năm 2007, khi điện lưới quốc gia được kéo về làng, đời sống của người dân nơi đây không ngừng khởi sắc; nhiều ngôi nhà khang trang được mọc lên; tỷ lệ các cặp vợ chồng sinh con thứ ba, thứ tư là rất hiếm. Trẻ em trong làng luôn được quan tâm học hành, do vậy mà nhiều em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng…”, anh Xô tự hào nói.

Già làng Đinh Văn Choóh, đã ngoài 80 tuổi, nói rằng, khi còn sống, nhà thơ Tố Hữu có về thăm làng 2 lần vào các năm 1973 và 1988. Gần đây nhất, con gái của nhà thơ cũng đã về thăm lại làng Rô, nơi từng cưu mang, giúp đỡ bố mình trong chiến tranh. 

Với người dân làng Rô, những kỷ vật, những bài thơ của cố nhà thơ Tố Hữu luôn được gìn giữ cẩn thận và được xem như những “báu vật” của làng. Anh Doãn Bing, Bí thư Đảng ủy xã Cà Dy, cho biết huyện Nam Giang đã có kế hoạch xây dựng một nhà lưu niệm kỷ vật của cố nhà thơ Tố Hữu gửi tặng dân làng. Ngôi nhà này sắp được khởi công xây dựng, với kinh phí khoảng 1 tỷ đồng, nằm sát bên nhà chống bão kết hợp nhà truyền thống của làng Rô đang được xây dựng.

“Nhà chống bão kết hợp nhà truyền thống làng Rô được Quỹ thiên tai miền Trung tài trợ có kinh phí 5 tỷ đồng, được khởi công vào tháng 10-2015 và theo dự kiến sẽ được hoàn thành vào dịp 30-4 tới. Sát cạnh nhà chống bão là khu đất được quy hoạch để xây dựng nhà lưu niệm kỷ vật của cố nhà thơ Tố Hữu. Khi hoàn thành, 2 ngôi nhà này sẽ là nơi lưu giữ các giá trị truyền thống của người dân làng Rô; đồng thời là nơi tham quan không thể bỏ qua cho các du khách gần xa mỗi khi đến với làng Rô anh hùng”, anh Bing bày tỏ.

Chúng tôi ghé thăm điểm trường tiểu học và mầm non của làng Rô. Cô giáo Trần Thị Én, cho hay, vài năm trở lại đây, làng Rô không còn tình trạng học sinh bỏ học. Dù điểm trường còn nhiều vất vả, song các giáo viên công tác tại đây vẫn thường xuyên vượt qua mọi trở ngại, đến tận các gia đình để vận động học sinh ra lớp. 

Cô giáo Én chia sẻ: “Ở điểm trường làng Rô, thầy cô giáo còn nhiều thiếu thốn về vật chất, song đổi lại, chúng tôi luôn được sống trong sự yêu thương, đùm bọc của dân làng; luôn được các học sinh chăm ngoan của mình yêu quý. Đó là động lực lớn để chúng tôi tiếp tục với công việc “gieo chữ” của mình”. 

Tuy nhiên, anh Doãn Bing cũng bày tỏ rằng, khó khăn của người dân làng Rô hiện nay là nương rẫy sản xuất nằm ở dãy núi Amó, bên kia sông Đắk Mỹ. Vì thế, người dân luôn mong mỏi một cây cầu bắc qua sông để thuận tiện đi lại. Xã Cà Dy đã nhiều lần kiến nghị lên huyện về vấn đề này, song do thiếu kinh phí nên chưa thực hiện được. 

Khi trao đổi với chúng tôi, ông Chơrum Nhiên, Bí thư Huyện ủy Nam Giang, nói rằng, huyện đã tính đến phương án làm một cây cầu treo cho người dân làng Rô qua sông Đăk Mỹ, song do kinh phí làm cầu ước tính khoảng 5-6 tỷ đồng, nằm ngoài khả năng của ngân sách huyện, nên huyện đã có báo cáo lên tỉnh chờ cấp trên xem xét, hỗ trợ…

Ngọc Thi
.
.
.