Đổi thay Khúc Lý - Ba Lạp

Thứ Hai, 16/03/2015, 07:51
Miền quê cách mạng Khúc Lý - Ba Lạp, thuộc xã Phong Thu, huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế) trong chiến tranh đã hứng chịu nhiều đau thương, mất mát. Nơi đây, những ngày đầu chiến dịch Mậu Thân 1968, máy bay giặc đã ném bom sát hại 87 người dân vô tội… Nhưng hôm nay, Khúc Lý- Ba Lạp đang thay da đổi thịt từng ngày…

Một ngày đầu xuân mới, chúng tôi vượt một quãng đường dài để tìm về miền quê Khúc Lý – Ba Lạp. Cụ Nguyễn Tu (78 tuổi), một trong những lão thành cách mạng của xã Phong Thu, nói rằng, những năm đánh Mỹ, Khúc Lý - Ba Lạp được gọi là “làng nuôi bộ đội”, vì ở đây nhà dân nào cũng đào hầm nuôi bộ đội và cán bộ cách mạng hoạt động nằm vùng.

Trong số đó, có mẹ cụ Tu cùng nhiều phụ nữ khác trong thôn đã trở thành “mẹ nuôi” của hàng trăm bộ đội về đóng quân tại xã Phong Thu, sau này được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương kháng chiến cao quý.

Nhà bia tưởng niệm ghi ơn sự hy sinh anh dũng của người dân Khúc Lý - Ba Lạp trong kháng chiến.

Theo lời kể của cụ Tu, đầu xuân 1968, thực hiện mệnh lệnh của Trung ương Đảng, mặt trận Trị Thiên- Huế tấn công nổi dậy với 3 mũi giáp công. Để góp sức cho chiến dịch thắng lợi, nhân dân ở các xã  thuộc huyện Phong Điền đã nổi dậy ủng hộ phong trào cách mạng; trong đó, chỉ tính riêng Khúc Lý - Ba Lạp đã có gần 300 người tham gia trong các đoàn biểu tình. Để đàn áp phong trào, Mỹ đã cho 2 trung đội bộ binh và nhiều máy bay đến càn quét, bắn phá. Trong số người bị giặc giết hại có mẹ và 2 con ruột của cụ Tu.

Ông Lê Mỹ, hiện là Trưởng thôn Khúc Lý - Ba Lạp, cho hay: “Thời điểm giặc Mỹ đến càn quét trong thôn, tui và một số người dân nhanh chân chạy trốn vào hầm trú ẩn ở đầu thôn. Thế nhưng, do địch điên cuồng đốt phá nên 10 người trốn trong hầm đều bị chết ngạt. Riêng tui sau đó may mắn được bộ đội cứu sống...”.

Kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, người dân Khúc Lý – Ba Lạp lại chung sức, chung lòng xây dựng quê hương hồi sinh sau một thời đạn bom khói lửa. Hôm nay, về Khúc Lý - Ba Lạp, chúng tôi được đi trên những con đường bê tông phẳng phiu, do người dân tình nguyện hiến đất, góp công xây dựng theo chương trình nông thôn mới của Nhà nước.

Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Thu, cho biết, hiện Khúc Lý - Ba Lạp dẫn đầu xã về phong trào xây dựng nông thôn mới, làm ăn phát triển kinh tế. Không ít hộ dân đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ làm mô hình kinh tế VAC. Đặc biệt, Khúc Lý - Ba Lạp còn được biết đến với truyền thống hiếu học.

Để tưởng nhớ những người dân đã hy sinh trong Tết Mậu Thân 68, từ năm 1987, UBND xã Phong Thu đã cho xây dựng một đài tưởng niệm ngay tại đầu thôn Khúc Lý - Ba Lạp. Đến cuối năm 2014, tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục đầu tư trên 300 triệu đồng để trùng tu lại công trình này. “Chúng tôi đang hoàn thiện hồ sơ để trình UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế công nhận Nhà bia tưởng niệm là công trình di tích văn hóa - lịch sử cấp tỉnh để tạc ghi công ơn của những người đã ngã xuống năm xưa”, ông Nam tỏ bày.

Anh Khoa
.
.
.