Ấm áp tình người phía sau song sắt

Thứ Sáu, 18/08/2023, 08:14

Hành vi phạm tội của phạm nhân đã được pháp luật nghiêm trị bằng những bản án thích đáng. Thế nhưng, bên ngoài xã hội, những đứa trẻ là con của họ đang đứng trước bờ vực phải bỏ học giữa chừng, cận kề tệ nạn xã hội vì thiếu sự quan tâm, chăm lo, giáo dục. Nhằm giúp đỡ gia đình người phạm tội ổn định cuộc sống, tạo điều kiện con cái của họ được học hành, đồng thời làm tốt công tác cảm hóa, giáo dục đối với can, phạm nhân, Công an tỉnh An Giang đã triển khai thực hiện mô hình “Lực lượng phòng, chống tội phạm chăm lo cho con can, phạm nhân”.

Nghĩa cử nhân văn của những người làm án

Bên cạnh công tác đấu tranh, xử lý các loại tội phạm, Công an tỉnh An Giang quan tâm, thực hiện tốt công tác dân vận, an sinh xã hội, chú trọng giúp đỡ các đối tượng được đặc xá, tha tù trở về địa phương nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, làm ăn sinh sống, không tái phạm tội.

Ngoài đối tượng đặc xá, tha tù, trong quá trình điều tra, xử lý tội phạm, lực lượng phòng, chống tội phạm Công an tỉnh An Giang phát hiện nhiều trường hợp là con của can, phạm nhân đang bị tạm giam để điều tra, chấp hành án phạt tù, có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Phần lớn những đứa trẻ ấy không có sự bao bọc của gia đình, các em đang đứng trước bờ vực phải bỏ học giữa chừng, cận kề tệ nạn xã hội, có nguy cơ cao bị sa ngã, lôi kéo vào con đường phạm tội.

Đại tá Lâm Phước Nguyên, Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho biết, từ thực tế công tác đấu tranh, xử lý tội phạm, Công an các đơn vị, địa phương đã nắm thông tin và có báo cáo Ban Giám đốc Công an tỉnh về những trường hợp con và người thân của can, phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn. Chính vì thế, mô hình “Lực lượng phòng, chống tội phạm chăm lo cho con can, phạm nhân”, được xây dựng và triển khai thực hiện với mục đích giúp đỡ gia đình người phạm tội vượt qua khó khăn, tạo điều kiện cho các em được chăm lo, học hành. Qua đó tác động cảm hóa, giáo dục đối với can, phạm nhân trong quá trình khai báo và chấp hành tốt các quy định về tạm giam, thi hành án.

“Đây là việc làm ý nghĩa, hướng các em đến tương lai tốt đẹp, giúp các em trưởng thành, có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống, không để các em bị lôi kéo tham gia các hoạt động gây mất ANTT địa phương và vi phạm pháp luật”– Đại tá Lâm Phước Nguyên chia sẻ.

Ấm áp tình người phía sau song sắt_SODACBIET19-8_T36 -0
Đại tá Lâm Phước Nguyên, Giám đốc Công an tỉnh An Giang trao quà tặng con của can, phạm nhân đang bị tạm giam, chấp hành án phạt tù.

Quán triệt chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh, Công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh An Giang đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể huy động các nguồn lực giúp đỡ con các can, phạm nhân thông qua kinh phí tài trợ từ nguồn xã hội hóa, phê duyệt các chế độ, chính sách theo quy định hiện hành đảm bảo duy trì thực hiện mô hình một cách bền vững và ngày càng phát huy hiệu quả.

Đưa mô hình dân vận khéo “Lực lượng phòng, chống tội phạm chăm lo cho con can, phạm nhân” thành việc làm ý nghĩa, thiết thực và lan tỏa rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Qua thống kê, trên địa bàn tỉnh An Giang có 28 trường hợp chưa thành niên là con của can, phạm nhân đang bị tạm giam để điều tra, chấp hành án phạt tù (trong hoàn cảnh cha mẹ ly hôn, cha hoặc mẹ mất, chỉ còn cha hoặc mẹ trực tiếp nuôi dưỡng mà bị bắt, giam giữ thi hành án) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cần được hỗ trợ giúp đỡ về vật chất và tinh thần để vượt khó, học tập và trưởng thành, sau này trở thành người có ích cho xã hội.

Lan toả tình người

Trung tá Nguyễn Đức Hậu, Trưởng Công an TP Long Xuyên (An Giang) cho biết, thực tế, trước khi mô hình được triển khai thực hiện thì trong quá trình điều tra khám phá án, xử lý tội phạm, CBCS Công an thành phố cũng đã nhiều lần kịp thời phát hiện, tạo điều kiện, giúp đỡ con của các can, phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn, từ nguồn kinh phí tự đóng góp và đồng đội hỗ trợ. Sau khi, mô hình được triển khai, việc làm ý nghĩa này càng được nhân rộng. Hội Phụ nữ, Công đoàn, Đoàn Thanh niên Công an thành phố được giao nhiệm vụ thường xuyên tổ chức thăm hỏi, giúp đỡ, các trường hợp là con can, phạm nhân trên địa bàn.

Trong cơn mưa chiều của ngày đầu tháng 8, phóng viên cùng Tổ công tác thiện nguyện của Công an TP Long Xuyên đến thăm, tặng quà cho cháu L.N.T. (SN 2015), bị bệnh bại liệt, có mẹ đang chấp hành án phạt tù 8 năm, về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Trong phòng trọ chật hẹp tại tổ 14, khóm Đông Phú, phường Đông Xuyên, cháu T. đang được bà ngoại đã 73 tuổi bón cho từng thìa sữa.

Bà Lê Thị Mai Anh (SN 1950) – bà ngoại cháu T. bật khóc khi Đoàn công tác đến thăm. Bà Mai Anh cho biết, vừa bán vé số về đến phòng trọ. Những ngày mưa vé số bán không được nhiều, cháu T. đau nhức do trời trở lạnh nhưng không có tiền để đi bệnh viện, thuốc men cho cháu. Thu nhập từ việc bán vé số chỉ đủ cho bà cháu chạy ăn hằng ngày. Bản thân bà cũng mang nhiều chứng bệnh của tuổi già.

Trung tá Đinh Thị Thu Quỳnh, Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an TP Long Xuyên cho biết, trước hoàn cảnh của gia đình cháu T., Công an thành phố đã vận động nhà hảo tâm ủng hộ số tiền 2 triệu đồng/tháng cho cháu, vận động chủ nhà trọ giảm tiền thuê nhà hằng tháng. Do cháu T. đã có thẻ bảo hiểm y tế, nên Công an thành phố tặng thẻ bảo hiểm y tế cho bà ngoại của cháu, để bà cụ có điều kiện chăm sóc sức khỏe bản thân và chăm lo cho T.. Ngoài ra, Hội Phụ nữ Công an thành phố cũng thường xuyên cử cán bộ đến thăm hỏi, tặng thêm sữa và các nhu yếu phẩm cần thiết, cũng như quan tâm tình trạng sức khỏe của cháu T. và bà ngoại để có những hỗ trợ kịp thời.

Trung tá Đinh Thị Thu Quỳnh chia sẻ, trên địa bàn TP Long Xuyên còn có trường hợp thuộc diện đặc biệt khó khăn mà Công an thành phố cũng đang quan tâm, hỗ trợ hằng tháng. Hai anh em P.T.Đ. (SN 2012) đang học lớp 1 và cháu P.T.K. (SN 2011, anh của Đ.) bị bệnh câm điếc bẩm sinh, trạng thái tinh thần không ổn định, đi lại khó khăn đang được bà ngoại chăm nuôi tại tổ 60, khu vực Bình Khánh 5, phường Bình Khánh. Mẹ của Đ. và K. vướng vòng lao lý 10 năm tù về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”, còn cha thì bỏ đi không rõ tung tích. Hằng ngày, bà Mai Thị Nga - bà ngoại 2 cháu Đ. Và K. đẩy xe đi bán trái cây trong các con hẻm nhỏ.

Ấm áp tình người phía sau song sắt_SODACBIET19-8_T36 -0
Công an TP Long Xuyên thăm hỏi, tặng quà cho con của can, phạm nhân đang bị tạm giam, chấp hành án phạt tù.

Khi chúng tôi đến thăm, bà Nga bộc bạch: “Từ ngày mẹ tụi nhỏ chấp hành án phạt tù, cuộc sống của 3 bà cháu nương tựa vào nhau. Ngày nào trời nắng thì còn bán được ít trái cây, kiếm ít tiền lo cơm nước, còn những ngày mưa, 3 bà cháu chia nhau mì tôm qua ngày”. Theo bà Nga, ngày tựu trường này, cháu nhỏ sẽ vào lớp 2, bà đang lo không có tiền cho cháu nhập học, rồi quần áo, sách vở, thuốc men cho cháu lớn.

“May có cô, chú Công an thương tình cảnh mà cho tập, sách, quần áo, đường sữa, bảo hiểm y tế, chi phí sinh hoạt hằng tháng… cho 3 bà cháu, chứ không tôi cũng biết phải làm sao. Cháu lớn thì tật nguyền không thể đi học, chỉ mong thằng em duy trì được việc học, rồi lớn lên thành người có ích cho xã hội,...”, bà Nga xúc động.

Một trường hợp khác là gia đình của phạm nhân Ngô Thị Thơm (xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới). Đây là trường hợp khá đặc biệt theo diện khó khăn, đông con, với 6 con nhỏ, bé nhỏ nhất mới 5 tháng tuổi, đang sinh sống với người thân, gia đình thuộc diện hộ nghèo tại địa phương.

Thượng tá Lê Văn Đấu, Trưởng Công an huyện Chợ Mới chia sẻ, các cháu sinh ra trong hoàn cảnh này đã phải chịu nhiều thiệt thòi so với các cháu nhỏ khác, ngoài việc trao chi phí sinh hoạt hằng tháng cùng nhu yếu phẩm, Công an huyện Chợ Mới sẽ hỗ trợ gạo cho gia đình để nuôi các cháu nhỏ. Đồng thời, nắm bắt kịp thời các nhu cầu thực tế của các cháu trong việc sinh hoạt hằng ngày và trong học tập… tiếp tục có phương án hỗ trợ phù hợp, giúp gia đình chăm lo cho các cháu được học tập và phát triển.

Trần Lĩnh
.
.
.