Xuân bình yên Đất Mũi
Đến Cà Mau rồi chúng tôi mới biết, té ra có rất nhiều du khách còn háo hức hơn mình. Càng cận Tết, khách đến Đất Mũi càng nhộn nhịp.
Một cán bộ ở Trung tâm xúc tiến du lịch kể điều giống nhau mà chị nhận ra ở hầu hết du khách: “Tới Cà Mau, ai cũng nằng nặc đòi ra Mũi. Tới Mũi rồi, ai cũng nhanh chân leo lên tháp quan sát, phóng mắt nhìn thỏa thích toàn cảnh Đất Mũi - địa danh mà trước đó họ mới chỉ mường tượng trên bản đồ. Du khách nào cũng bằng mọi giá để có được tấm ảnh mình đứng cạnh biểu tượng Đất Mũi, cột mốc tọa độ Quốc gia; ai cũng ngửa mặt, dang tay, mở rộng lồng ngực để hít không khí trong lành, bình yên nơi đất thiêng”.
Hôm đến Đất Mũi, tôi còn thấy nhiều người thức dậy rất sớm, bỏ qua tiết trời se lạnh, để dõi theo cảnh mặt trời nhô lên khỏi mặt biển phía Đông. Đến chiều tối, cũng những du khách ấy, họ chờ mặt trời “đi ngủ” xuống phía biển Tây.
Có mấy du khách tít tận Tây Bắc lần đầu tiên đến Đất Mũi kể với tôi rằng, cả đoàn họ đã được thỏa mãn khi cảm nhận sâu lắng đất thiêng bằng việc thuê vỏ máy của dân địa phương rong ruổi cả ngày trong những cánh rừng đước bạt ngàn. Lại biết đấy là nơi được công nhận là Khu Ramsar thứ 2088 của thế giới, một bác có lẽ là lớn tuổi nhất trong đoàn đã bày tỏ sự mãn nguyện: “Lũng Cú đã đặt chân tới, nay lại được may mắn tới Mũi Cà Mau, được tận mắt thấy, tận tai nghe kể nhiều chuyện về tên đất, tên người. Giờ tôi chẳng còn mơ ước thêm gì…”.
“Nghe nói Cà Mau xa lắm/ Ở cuối cùng bản đồ Việt Nam. /Ngại chi đường xa không tới/ Về để nói với nhau mấy lời…”. |
Thực tế chuyện “ai cũng muốn ra Đất Mũi” còn có nguyên nhân khác. Hơn chục năm nay, từ TP HCM về Cà Mau đã có đường bay; còn nếu chọn đường bộ thì đã có xe chất lượng cao giường nằm. Còn từ trung tâm tỉnh lỵ Cà Mau ra Đất Mũi (khoảng 100km), bây giờ ít người chịu ngồi tàu cao tốc xuất phát từ TP Cà Mau như chục năm trước. Giờ hầu hết khách chọn cách di chuyển vừa tiện, vừa nhanh, vừa sướng và an toàn hơn gấp… chục lần là theo QL1A đi một mạch tới Năm Căn; sau đó xuống ca nô đi 50 cây số nữa đã đến được Đất Mũi. Đại tá Nguyễn Văn Tươi, Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau cho biết chỉ còn không bao lâu nữa, công trình cầu Năm Căn - chiếc cầu cuối cùng trên quốc lộ 1A hoàn tất. Và khi đoạn cuối cùng của QL1A được đầu tư đồng bộ, từ mọi miền của Tổ quốc, du khách có thể đi một mạch bằng ôtô tới Mũi Cà Mau.
Ai cũng háo hức trông đến ngày đó. Riêng với lực lượng Công an Cà Mau, nhất là anh em Cảnh sát đường thủy và Công an các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển,… đến ngày đó sẽ cảm thấy rất “nhẹ gánh”.
Nhiều chuyến ngồi trên ca nô xuôi ngược đến Đất Mũi, tôi được kể, trên đất nước hình chữ S này, không nơi nào sông rạch chằng chịt và nhiều, dài như ở Cà Mau. Cà Mau lại là một bán đảo, ba mặt giáp biển với bờ biển dài hơn 250 cây số… Không cần đến mùa mưa bão, lực lượng Công an luôn căng mắt, đánh vật với sự đỏng đảnh phức tạp, eo xèo của chuyện sông nước. Mừng là lực lượng Công an ngày càng nêu cao tinh thần chủ động. Hôm xuống bến tàu Năm Căn để ra Mũi, một cán bộ Phòng Cảnh sát đường thủy phấn khởi cho biết con số thống kê khiến tôi cảm thấy mừng lây. Đó là cả năm, cả trên bộ, dưới… nước của toàn tỉnh Cà Mau chỉ xảy ra 47 vụ; trong đó, TNGT đường thủy chỉ xảy ra 7 vụ, so cùng kỳ, số vụ giảm 10, số người chết giảm 60%, bị thương giảm 80%. Con số ấy là có phần công sức rất lớn của lực lượng Công an…
Lực lượng Công an kết hợp với lực lượng bảo vệ Khu công nghiệp Khí – Điện – Đạm Cà Mau tuần tra, đảm bảo ANTT. |
Mà đâu phải chỉ chuyện bình yên trên sông nước. Đại tá Nguyễn Văn Tươi cho biết, Cà Mau là vùng đất thiêng, giàu truyền thống Cách mạng. Đối với lực lượng Công an Cà Mau, được đứng chân công tác, chiến đấu trên vùng đất thiêng này vừa là vinh dự, tự hào nhưng cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề. Anh kể Cà Mau hiện có dân của 62 tỉnh, thành còn lại của cả nước đến đây làm ăn sinh sống. Do vậy, công tác đảm bảo sự ổn định ANTT tại Cà Mau rất đặc thù, không giống bất cứ nơi đâu trên đất nước này. Nếu không tranh thủ thế trận “lòng dân”, lực lượng Công an Cà Mau sẽ khó hoàn thành được nhiệm vụ.
Ngày Tết, nghe người đứng đầu Công an Cà Mau nhắc đến cụm từ quen thuộc “dựa vào dân” khiến tôi nhớ đến những năm tháng mà anh cùng đồng đội liên tiếp đánh án (Đại tá Tôi hỏi một kỷ niệm, anh kể cho tôi nghe lần trước Tết 2007, nếu không dựa vào dân thì các anh sẽ khó mà truy bắt “nóng” hết toán cướp gần chục tên đang rất manh động, hung hãng khi “ôm” trong người 1 khẩu Rulo, 1 khẩu AK với 60 viên đạn. Trước đó, toán cướp này đã đột nhập vào một gia đình ở U Minh dùng súng khống chế cả nhà để cướp số tài sản lớn gây hoang mang trong quần chúng nhân dân…
Đại tá Nguyễn Văn Tươi kể, có rất nhiều điều nhọc nhằn mà anh em vùng miền khác chưa tới Cà Mau khó mường tượng được. Chẳng hạn như có những vụ án hiện trường nằm ở bãi bồi xa tít phía biển. Để truy tìm, thu thập dấu vết, có khi các anh phải lội cả ngày dưới bãi bồi, sình đất ngập đầu, mỏi nhừ cả chân. Việc thu thập dấu vết phải hết sức khẩn trương bởi nếu không, thủy triều lên cũng đồng nghĩa với mọi dấu vết bị xóa sạch. Mừng là trong điều kiện khó khăn như thế nhưng lực lượng Công an Cà Mau luôn đồng lòng, đồng sức, vẫn yêu ngành, yêu nghề, ngày đêm bám sát địa bàn, dựa vào thế trận “lòng dân” mà chiến đấu, giành được nhiều thành tích nổi bật…
Để đảm bảo cho người dân yên vui, đón Tết Giáp Ngọ này, Công an Cà Mau dồn sức thực hiện nhiều việc, trong đó tập trung vào cao điểm tấn công tội phạm. Ở các cửa sông lớn, có đông tàu thuyền tập trung như Sông Đốc, Cái Đôi Vàm, Khánh Hội,… lực lượng Công an sát cánh cùng Bộ đội Biên phòng, đảm bảo ANTT cho người dân và ngư dân vui đón Tết. Cán bộ từ Trưởng phó phòng, Trưởng phó Công an huyện, thành phố ngay từ đầu năm đều có bảng hạ quyết tâm.
Đại tá Nguyễn Văn Tươi thủ thỉ: “Mình làm tất cả những gì có thể cũng chỉ vì một Đất Mũi bình yên”