Xử lý vi phạm quảng cáo: Đánh trống bỏ rùi

Thứ Bảy, 17/09/2005, 07:28

Hiện tượng quảng cáo vô tội vạ, gây mất mỹ quan đã đang làm xấu hình ảnh của Hà Nội thế nhưng tình trạng này vẫn chưa được xóa bỏ, thậm chí công khai hơn, lộ liễu hơn. Những bức tường… ma nhem nhuốc quảng cáo rao vặt, những quảng cáo tấm lớn trái phép, hết hạn giống như vết bẩn trên gương mặt thành phố.

Ai cũng biết, Hà Nội nổi tiếng với hồ Gươm, với Văn Miếu uy nghi, với chùa Một Cột ấn tượng, với mặt gương hồ Tây bát ngát... Nhưng nhiều người còn biết đến Hà Nội ở một khía cạnh khác. Đó là thành phố của sự bừa bãi loại hình dịch vụ quảng cáo. Đã từ nhiều năm nay, Hà Nội phải đối đầu với vấn nạn quảng cáo rao vặt ở mọi nơi, mọi lúc, bức xúc nhất là khi nó xuất hiện trên bất kể một bức tường nào.

Ngày 5/9, chúng tôi tiến hành khảo sát tại khu tập thể Kim Liên và càng thấy rằng không thể chấp nhận được cái kiểu văn hóa quảng cáo lạ lùng này. Thậm chí, việc quét vôi đè lên số điện thoại cũ rồi chèn vào đó một số mới cũng là một trong những thủ đoạn của người làm quảng cáo. Bà con khu phố gọi đó là những bức tường... ma, bởi nó được thay đổi bộ mặt nhanh và nhiều đến mức khó ngờ. Sự cạnh tranh của các số điện thoại "khoan cắt bê tông" tạo cho mỗi bức tường một "diện mạo" mới sau mỗi sớm mai. Nó gây sự khó chịu cho bất cứ người nào nhìn thấy chứ không riêng gì chủ nhân của bức tường.

Ông Nguyễn Hữu Đáp ở phòng 101, B2, tập thể Trung Tự rất bức xúc: "Bức tường có bằng tí này mà đến vài chục cái quảng cáo rao vặt. Xóa đi hơn chục lần rồi nhưng sáng ra thức dậy lại thấy quảng cáo trên tường nhà mình. Bực lắm nhưng đêm hôm ai mà rình bắt được chúng". Cùng chung cảnh trớ trêu với vợ chồng ông Đáp, hầu hết các hộ dân ở tầng 1 của khu tập thể Trung Tự đành chấp nhận chuyện tường nhà mình bị bôi bẩn vì họ không có cách nào làm cho nó "sạch" được.

Không chỉ riêng quảng cáo rao vặt, quảng cáo tấm lớn hay biển bảng trên thành phố Hà Nội cũng vô tổ chức không kém. Tình trạng lập biển bảng quảng cáo trái phép, vi phạm hợp đồng quảng cáo hay không thực hiện quyết định xử phạt của cơ quan chức năng cũng đang gây nên bức xúc trong dư luận.

"Đánh trống bỏ dùi"?

Ông Dương Duy Dũng, Phó chánh Thanh tra Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội cho biết: "Chúng tôi vẫn nghiêm túc xử lý vi phạm về lĩnh vực quảng cáo để đảm bảo nếp sống văn minh đô thị. Năm 2004, Sở Văn hóa - Thông tin đã phối hợp với Bưu điện Hà Nội cắt tạm dừng thuê bao 377 số máy điện thoại cố định. 8 tháng đầu năm 2005 xử lý 174 máy điện thoại cố định. Tình trạng quảng cáo rao vặt trên tường đang có chiều hướng sử dụng phổ biến máy điện thoại di động gây khó khăn cho công tác xử lý. Vì việc xử lý số điện thoại này phải có sự hợp tác của các công ty viễn thông. Sở đã có buổi làm việc với thanh tra bưu điện và kiến nghị với bộ chủ quản kết hợp xử lý". 

Cũng tại Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội, chúng tôi được cung cấp rất nhiều thông tin và ảnh chụp các đơn vị vi phạm quảng cáo tấm lớn trong thành phố. Đó là biển quảng cáo thiết bị Inax, xe ôtô Matiz tại khu vực Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, quảng cáo dầu gội đầu Sunsilk trên phố Hai Bà Trưng... Tất cả đều là quảng cáo trái phép.

Theo ông Dũng, ngày 27/6, Thanh tra Sở đã ra thông báo về việc xử lý vi phạm hoạt động quảng cáo tấm lớn trên địa bàn thành phố đối với những đơn vị vi phạm. Theo đó, nhiều công ty đã tự tháo dỡ biển quảng cáo vi phạm của mình. Nhưng cũng vẫn còn có đơn vị chây ỳ, mà điển hình là Công ty Quảng cáo Trẻ có cam kết tháo dỡ biển quảng cáo trái phép trước ngày 20/1 nhưng đến nay vẫn không có một động thái sửa sai nào.

Hiện nay, biển bảng quảng cáo tấm lớn vi phạm còn tồn tại nhiều ở địa bàn quận Đống Đa với 39 biển tại ngã tư Kim Liên, Thái Hà, Thái Thịnh; huyện Sóc Sơn còn 24 biển trên đường cao tốc Bắc Thăng Long.

Dư luận đang đặt nhiều câu hỏi và tỏ ra bất bình về việc quảng cáo được cấp phép nhưng lại vi phạm trên cầu Thăng Long. Đó là trường hợp của Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh tổng hợp Tân Việt quảng cáo sản phẩm LG kết hợp tuyên truyền chính trị. Ngày 7/9, sau nhiều tháng có văn bản yêu cầu công ty tự tháo dỡ hộp đèn vì hết hạn cấp phép, nhưng biển hộp quảng cáo ấy vẫn bám chắc trên thân cột đèn cầu Thăng Long. Việc ra văn bản yêu cầu và việc giám sát đơn vị vi phạm thực hiện chắc chắn không đồng bộ mới dẫn đến tình trạng chây ỳ như trên. Một lần nữa, dư luận lại đặt câu hỏi: Ngành văn hóa đã "đánh trống bỏ dùi"?

Chúng ta cần phải kiên quyết hơn trong việc xử lý những trường hợp làm xấu đi bộ mặt Thủ đô. Các cơ quan chức năng, cụ thể là ngành văn hoá, xây dựng, kế hoạch đầu tư cũng nên xem xét lại việc quản lý, xử lý vi phạm

Nhóm PVĐT
.
.
.