Hướng tới kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội - điện biên phủ trên không”:

Xây dựng ý chí quyết đánh, quyết thắng B-52 Mỹ

Chủ Nhật, 16/12/2012, 12:00
Khi Mỹ xâm lược Việt Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, chúng ta phải đương đầu trực tiếp với tên đế quốc mạnh nhất, thì ý chí quyết đánh và quyết thắng trở thành yếu tố quyết định để đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ.
>> Cầu truyền hình “Bản hùng ca Hà Nội”

Trong lịch sử chiến tranh giữ nước, dân tộc ta luôn phải chống lại kẻ thù xâm lược có nền kinh tế và quân sự phát triển cao hơn ta, cho nên vấn đề xây dựng ý chí quyết đánh, quyết thắng có vị trí đặc biệt quan trọng. Chỉ có quyết đánh, quyết thắng mới tạo nên sức mạnh đánh thắng địch.

Khi Mỹ xâm lược Việt Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, chúng ta phải đương đầu trực tiếp với tên đế quốc mạnh nhất, thì ý chí quyết đánh và quyết thắng trở thành yếu tố quyết định để đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ.

Xây dựng ý chí quyết đánh, quyết thắng B-52 cũng là yếu tố quyết định giành thắng lợi trong chiến dịch phòng không Hà Nội, Hải Phòng tháng 12/1972.

Ngày 12/4/1966, lần đầu tiên Mỹ cho B-52 đánh đèo Mụ Giạ - Quảng Bình rồi thường xuyên đánh phá Vĩnh Linh và chiến trường miền Nam. Bác Hồ đã trực tiếp giao cho Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) nghiên cứu cách đánh B-52 và quyết tâm bắn rơi B-52 được đề ra từ đó.

Tháng 5/1966, Trung đoàn tên lửa 238 cơ động vào Vĩnh Linh nghiên cứu đánh B-52, tại đây, ngày 17/9/1967, đã bắn rơi chiếc B-52 đầu tiên. Và từ tháng 2/1968, Quân ủy Trung ương (QUTƯ) dự đoán Mỹ có thể dùng B-52 đánh vào Hà Nội, Hải Phòng và giao cho Quân chủng PK-KQ xây dựng kế hoạch tác chiến. Suốt thời gian sau đó nhiều đoàn cán bộ PK-KQ cùng một số trung đoàn tên lửa và biên đội không quân tiêm kích được đưa vào nghiên cứu cách đánh B-52 trên vùng trời Khu 4.

Đặc biệt tháng 4/1972, khi Mỹ cho B-52 đánh phá TP Vinh, TP Hải Phòng, thì ý chí quyết đánh và quyết thắng B-52 Mỹ trên bầu trời Hà Nội được thể hiện bằng một loạt việc triển khai công tác chuẩn bị. Đầu tiên phải nói đến Hội nghị chuyên đề đánh B-52 do Bộ Tổng tham mưu (BTTM) tổ chức ngày 6/7/1972 với sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị.

Phải đánh trúng B-52, lời nói “chắc như đinh đóng cột” không chỉ của Tư lệnh Quân chủng PK-KQ mà là ý chí quyết tâm của cả Hội nghị. Tổng Tham mưu phó Phùng Thế Tài kết luận và chỉ thị cho các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh nghiên cứu đánh B-52 bằng lực lượng, vũ khí hiện có của Quân chủng PK-KQ; đánh trúng, bắn rơi B-52 là nhiệm vụ cấp bách, là yêu cầu cao về quân sự, chính trị, ngoại giao; Quân chủng PK-KQ phải được chuẩn bị cho chiến thắng B-52.

Sau hội nghị, BTTM chỉ thị thực hiện gấp việc nghiên cứu và triển khai kế hoạch đánh B-52. Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ chủ trì biên soạn lý luận chiến thuật đánh B-52; Viện Kỹ thuật quân sự cử người tham gia; đồng thời Quân chủng PK-KQ nhanh chóng bổ sung ý kiến chỉ đạo để hoàn chỉnh kế hoạch và phương án tác chiến, kết hợp một cách hợp lý việc điều chỉnh bố trí lực lượng, biên soạn tài liệu huấn luyện và tiến hành tập huấn đánh B-52 trong các tình huống phức tạp

Bộ Tư lệnh Quân chủng chỉ thị cho cơ quan tham mưu cùng Bộ Tư lệnh các binh chủng khẩn trương hoàn chỉnh phương án đánh B-52 bảo vệ miền Bắc, chủ yếu là Hà Nội và Hải Phòng. Tổ nghiên cứu, biên soạn tài liệu “Cách đánh B-52" được quân chủng gấp rút thành lập, làm việc không kể ngày đêm để sớm có tài liệu huấn luyện.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe Tổng Tham mưu phó Phùng Thế Tài và các đồng chí trong Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân trình bày kế hoạch chống địch tập kích đường không bằng B-52 vào Hà Nội năm 1972.

Phương án đánh B-52 được nhanh chóng hoàn thành theo đúng kế hoạch. Các đơn vị tên lửa, rađa, pháo 100mm mở đợt huấn luyện đột kích nội dung và mục tiêu chủ yếu là đánh B-52. Bộ đội Không quân tích cực luyện tập theo phương án đánh B-52 trên năm hướng xung quanh Hà Nội. Phương án này được kết hợp chặt chẽ với hỏa lực của các binh chủng, cả vòng trong và vòng ngoài, kết hợp cơ động và yếu địa, tuyến trước và tuyến sau, trên không và mặt đất.

Tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp quy luật hoạt động của không quân địch, xác minh tính năng kỹ chiến thuật của B-52 đối với các loại vũ khí của ta, BTTM giao cho Cục Tình báo chủ trì cùng Quân chủng PK-KQ, Viện Kỹ thuật quân sự khai thác thông tin từ giặc lái Mỹ; Cục Tình báo cung cấp kịp thời những tin tức, tư liệu liên quan đến B-52, phục vụ cho yêu cầu tác chiến của phòng không, không quân.

Đồng thời Quân chủng PK-KQ xúc tiến khẩn trương việc nghiên cứu cải tiến và sử dụng trang bị vũ khí, sử dụng rađa cũ kết hợp khí tài quang học với điện tử, điều chỉnh độ nhạy của đầu đạn tên lửa để có thể bắn rơi tại chỗ B-52. Cục Tình báo, Cục Quân lực, Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc cùng quân chủng giải quyết các vấn đề bảo đảm...

Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp làm việc với Quân chủng, Tư lệnh các binh chủng Rađa, Tên lửa, Không quân, Sư đoàn trưởng Sư đoàn Phòng không Hà Nội xác định phương hướng tác chiến chiến dịch phòng không đánh B-52 bảo vệ Thủ đô.

Tháng 9/1972, BTTM chỉ đạo Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ bổ sung và hoàn thiện phương án mới đánh B-52; xác định những vấn đề cơ bản của nghệ thuật chiến dịch phòng không, phán đoán âm mưu, thủ đoạn, hướng và mục tiêu tiến công của địch, quyết định sử dụng lực lượng và cách đánh của ta; đồng thời chỉ đạo quân chủng khẩn trương xây dựng thế trận, điều chỉnh lực lượng, nhanh chóng hoàn thành mạng lưới phòng không ba thứ quân nhiều tầng, nhiều hướng, có trọng điểm vào hai khu vực Hà Nội và Hải Phòng.

Đầu tháng 10/1972, Đảng ủy Quân chủng PK-KQ ra nghị quyết tăng cường giáo dục cán bộ, chiến sĩ, quyết tâm bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, kể cả B-52. Các binh chủng trong quân chủng mở hội nghị sơ kết rút kinh nghiệm xây dựng và chiến đấu 6 tháng đầu năm chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ; hội nghị chuyên đề bàn cách đánh B-52. Một số kinh nghiệm về chống nhiễu, phân biệt B-52 thật và giả trong tầm đánh, kết hợp đánh địch của lực lượng cơ động và tại chỗ được đúc kết làm cơ sở cho các binh chủng biên soạn tài liệu huấn luyện bộ đội.

Ngày 27/10/1972, Đảng ủy Quân chủng họp phiên bất thường, quán triệt tinh thần chỉ đạo của QUTƯ về tình hình nhiệm vụ mới và ra nghị quyết: "...kiên quyết bắn rơi B-52 tại chỗ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống...”.

Đầu tháng 11, Quân chủng PK-KQ cử cán bộ và một số kíp chiến đấu vào Nghệ An cùng Trung đoàn tên lửa 263 đánh B-52 và đêm 22/11 đã diệt được B-52 Mỹ; kinh nghiệm của trung đoàn được phổ biến đến các đơn vị. Tài liệu "Cách đánh B-52" được bổ sung những chi tiết quan trọng.

Tiếp đó, BTTM và Quân chủng PK-KQ thống nhất phán đoán đường bay, hướng tập kích của địch; cho Binh chủng Rađa bố trí ưu tiên hướng chủ yếu... Ngày 24/11/1972, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng phê chuẩn kế hoạch và lệnh cho quân chủng hoàn thiện công tác chuẩn bị chiến đấu trước ngày 3/12/1972.

Ngày 27/11/1972, Bộ Tổng Tư lệnh ra lệnh cho các lực lượng vũ trang miền Bắc tăng cường các mặt chuẩn bị chiến đấu; Quân chủng PK-KQ tập trung mọi khả năng tiêu diệt bằng được B-52 Mỹ. Ngày 3/12/1972, Quân chủng PK-KQ báo cáo “Mọi mặt công tác chuẩn bị đánh B-52 xong, quyết tâm của quân chủng kiên quyết không để bị bất ngờ, đánh rơi tại chỗ máy bay địch, kể cả B-52”.

Cựu chiến binh Sư đoàn Phòng không 361 gặp mặt nhân kỷ niệm 40 năm “Điện Biên Phủ trên không”

Sáng 15/12 tại Hà Nội, Ban liên lạc cựu chiến binh Sư đoàn Phòng không 361 đã tổ chức họp mặt. Sư đoàn 361 thành lập ngày 19/5/1965 với nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Hà Nội. Trong chiến dịch 12 ngày đêm (tháng 12/1972), sư đoàn là lực lượng phòng không chủ lực bảo vệ Hà Nội, bắn rơi nhiều máy bay của Mỹ (trong đó có máy bay B-52), góp phần làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”. Ngày 15/1/1976, sư đoàn đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Các đại biểu dự gặp mặt dâng hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ.

Cuộc gặp mặt có sự tham dự của những nhân chứng lịch sử, như Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 57, Trung đoàn 261, nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, là đơn vị lập thành tích xuất sắc trong trận quyết chiến chiến lược “Điện Biên Phủ trên không”. Ông Phiệt từng là vị tướng nổi tiếng, khi trực tiếp bắn và chỉ huy bắn được 19 máy bay địch, trong đó có 4 máy bay B-52, trong 12 ngày đêm cuối năm 1972.

Một nhân chứng khác là Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Phạm Ngọc Lan, người phi công đầu tiên tiêu diệt máy bay Mỹ trong một trận không chiến đầy kịch tính ngày 3/4/1965, cùng sự hiện diện của những nhân chứng lịch sử, những người đã góp mặt vào bảng vàng thành tích của Quân chủng Phòng không - Không quân trong trận “Điện Biên Phủ trên không” nói riêng và sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung.

Tại buổi gặp mặt, các cựu binh đã dâng hương tưởng nhớ 1.756 liệt sĩ của sư đoàn đã hy sinh trong sự nghiệp giải phóng đất nước và ôn lại truyền thống hào hùng của bộ đội phòng không không quân.

Duy Hiển

N.T.H. (Cán bộ nghiên cứu lịch sử Bộ Tổng tham mưu)
.
.
.