Xã "da cam"

Thứ Ba, 01/01/2008, 10:21
Xã Hồng Trung (huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế) gồm 313 hộ dân, song đã có trên 350 trường hợp bị dị tật, liệt chân, thần kinh, câm điếc, mù... Trung bình một hộ có trên một người tàn tật, đời sống bà con chỉ biết trồng lúa, sắn là chủ yếu nên còn không ít gia đình phải chống chọi với cuộc chiến khắc nghiệt của cơm áo, thuốc thang...

Huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế có tổng cộng 20 xã và thị trấn thì tất cả các địa phương đều có nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam. Đã qua hơn ba thập niên sau chiến tranh, nhưng nỗi đau vẫn còn dai dẳng hiện hữu trên hàng ngàn thân thể đã và đang sinh ra ở vùng đất này.

Chỉ tính riêng xã Hồng Trung đã có tới 350 trường hợp tàn tật, tội nghiệp nhất là những em bé ngây thơ, ngày qua ngày đang phải chịu đựng cuộc sống không bình thường...

Rẻo cao lắm người tật nguyền

Tiếp chúng tôi tại văn phòng, ông Hồ Xuân Tích - Chủ tịch UBND xã Hồng Trung lật giở danh sách những con số đau thương, trầm giọng: "Đây là xã nghèo nhất huyện A Lưới, nghèo không phải vì thiếu gạo, thiếu sắn. Điện, đường, trường, trạm cũng có đủ. Nhưng người dân vẫn cứ nghèo!".

"Không nghèo sao được khi mà người dân vẫn còn nhiều căn bệnh quái ác khác nhau" - ông Hồ Xuân Thân - Xã đội trưởng mở toang cửa sổ Ủy ban xã, chỉ tay về đồi cao ngay trước mặt trụ sở UBND, nói: "Đó là đồi TNgan, sau lưng là núi Ta Kông, bên phải là núi Cu Bung, xa hơn là A Loh35. Tất cả rụi hết, cháy hết, không biết cái thứ thuốc gì trắng xóa và cay xè mũi mà quân Mỹ phun xuống ở đây. Khiếp thật! Sau này mới biết là chất độc da cam (điôxin) của Mỹ rải xuống để giết đồng bào mình. Cây cối đa phần đều cháy trụi hết, người dân đành phải ăn toàn a ngưn, pon on thôi! (tiếng Pa Kô: a ngưn là rau tàu bay và pon on là loại môn tây ở vùng này). Cây pếh (chuối) cũng chết. Những năm 1967, 1968 ấy đói lắm, ăn không chừa cái chi hết".

Chúng tôi lẩm nhẩm thống kê riêng xã Hồng Trung gồm 313 hộ dân, song đã có trên 350 trường hợp bị dị tật, dị dạng, liệt chân, thần kinh, câm điếc, mù... Đó là nguyên nhân chính của tình trạng nghèo khó dai dẳng của vùng đất này.

Chính những ngày hôm nay, các loại chất độc hóa học cùng với bom mìn vẫn còn âm ỉ rình rập biết bao thân phận khó nghèo trong cuộc tìm kiếm mưu sinh. Nhiều người sinh ra lành lặn nhưng do bươn chải trên những sườn núi đầy bom đạn tìm phế liệu của chiến tranh nên cũng lắm người chết, nhẹ hơn thì thương tật nằm một chỗ, làm cho vùng khó khăn này trở thành vùng đất dữ.

Được Nhà nước ta đầu tư cơ sở hạ tầng, xây nhà tình thương... nên nhiều hộ đã có nhà kiên cố, xóa bỏ phần nào những túp lều tạm bợ. Nhẩm tính, trung bình một hộ ở Hồng Trung có trên một người tàn tật, đời sống bà con ở đây quanh năm chỉ biết trồng lúa, sắn là chủ yếu nên còn không ít gia đình có người tật nguyền phải chống chọi với cuộc chiến khắc nghiệt của cơm áo, thuốc thang...

Chưa có lời giải đáp thỏa đáng

Chị Kăn Vân (thôn Ta Ay) là một trong số trường hợp gặp phải đau thương như thế. Kăn Vân là một cô gái giao liên thời chống Mỹ, chị đi hết đồi này qua núi nọ. Hòa bình, chị gặp anh Quỳnh Vân cũng là bộ đội của huyện Quận Ba (A Lưới ngày nay).

Chị kể: "Hồi chiến tranh đã khổ, lấy chồng sinh con tưởng sướng. Nào ngờ Quỳnh Vân ngày càng bệnh, bắt đầu là đau lưng, tê người, sau đó là u chân. Sinh ra cháu Hồ Xuân Vững (16 tuổi) trắng trẻo, chị rất thích. Lớn lên càng ngày Vững càng đau ốm, chết ngất, không biết từ đâu mà thịt cứ lồi ra khắp người, nhiều nhất ở mặt. Chị sợ Vững chết nên khóc nhiều lắm, chị bế xuống Bệnh viện Trung ương Huế. Phẫu thuật cho con chưa xong chị lại chạy chữa bệnh cho chồng, phải bỏ nhà suốt để đi bệnh viện, một lần đi ít nhất 1-2 tuần, còn lâu thì 2-3 tháng. Nước mắt chị không còn để chảy nữa!".

Còn Võ Thị Nhung (13 tuổi), em bé có đôi mắt sáng, tóc đen mượt xinh xắn, nhưng muốn đi một bước nào đều phải quăng người một cái.

Chị Hồ Thị Tiếu (thôn A Niên), mẹ của Nhung nói: "Cháu mới sinh ra cả nhà không ai biết bệnh tật, nhưng sau hơn một năm cháu vẫn chưa biết đi. Kiểm tra đã thấy đốt chân trái của Nhung ngắn hơn chân phải!".

Thương con, chị Tiếu đã làm tất cả các việc mà bản làng bày vẽ, cho ăn những thức ăn ngon, sau buổi đi rẫy về chị xoa bóp, dìu dắt con đi từng bước. Cứ thế... ngày lại ngày chân bé Nhung cũng cứng, biết nói chuyện, rồi chập chững từng bước.

Chị càng khấp khởi mừng, hi vọng, rồi đưa con đến trường, đưa con về nhà. Nay Nhung đang học lớp 4 và rất ngoan. Song với dáng dấp khập khiễng của cháu đã làm cho chúng tôi không khỏi nao lòng về một con người đang từng ngày mỏi mòn vượt lên số phận để sống.

Trong căn lều tôn, vách cót lủng thủng ở thôn Ta Ay, Hồ Xuân Lin có hoàn cảnh thật sự nghiệt ngã. Lưng và ngực của Lin gù lên một cách kì lạ. Chúng tôi hỏi, Lin tâm sự: "Bố mẹ mất sớm khi mình còn nhỏ, nay đã có vợ, có con rồi nhưng buồn lắm".

Sao buồn? Tôi hỏi - Lin tiếp: "Mình đau ốm luôn, chỉ ở nhà nuôi con thôi, đã 30 mùa rẫy rồi (tức là 30 tuổi) để vợ đi làm một mình, tội vợ lắm". Tôi hỏi: "Lin có đói không?". Lin trả lời: "Không đói, nhưng thiếu nhiều lắm! Nhà này là của cộng đồng cho, một tháng cộng đồng cho thêm 10 lon gạo, vài gùi sắn nữa nên không đói".

Chúng tôi theo chân ông Hồ Xuân Thân tìm về chân núi Ta Kông, A Túc, nơi có khe Âm Pong, ở đây, dưới lớp cỏ tranh cùn mằn ấy là những thùng, những bịch tàn dư của chiến tranh mà dân cư làm rẫy nhiều lần chôn cất vẫn còn âm ỉ chất độc hóa học gieo rắc những tai họa đến bao người.

Là người sinh ra sau cuộc chiến, tôi không chứng kiến được thảm cảnh mà đồng bào ta phải gánh chịu. Nhưng đối diện trước mắt tôi là những mảnh đời không lối thoát bởi di chứng của chất độc da cam đang đè nặng từ đời này sang đời khác, mới cảm nhận được tội ác của chiến tranh do Mỹ gây ra trên quê hương tôi.

Rời Hồng Trung, A Lưới trên đường về xuôi, từ trên đỉnh cao Trường Sơn tôi dõi mắt về vùng đất A Lưới, nơi có những số phận cay đắng vẫn tiếp tục le lói sống trong một thung lũng oằn mình, ngoằn ngoèo như một dấu hỏi lớn: Bao giờ nỗi đau mang tên điôxin ở vùng đất này được dịu bớt?

L.Thanh
.
.
.