Xã Thuận, Quảng Trị: Làm tốt công tác tự quản đường biên

Thứ Năm, 21/09/2006, 13:29

Công an xã Thuận đã phối hợp với Đồn Biên phòng 613 triển khai xây dựng mô hình tự quản đường biên, qua đó tiến hành khảo sát, đo đạc đất đai và làm biên bản giao lại cho 220 hộ gia đình thuộc 6 thôn biên giới.

Tỉnh Quảng Trị hiện có 17 xã và 1 thị trấn thuộc hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đắk Rông có đường biên giới với nước bạn Lào dài 206km (giáp với các huyện Sêpôn, Mường Noòng, Tù Muồi thuộc hai tỉnh Savanakhẹt và Salavan).

Đặc điểm tình hình liên quan đến ANTT ở khu vực biên giới những năm gần đây có một số diễn biến phức tạp mà nổi lên là một số thế lực thù địch bằng nhiều cách cấu kết với bọn phản động lưu vong người Việt ở khu vực biên giới đẩy mạnh các hoạt động chống phá, xuyên tạc, kích động nói xấu chế độ cách mạng hai nước; hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, buôn lậu qua biên giới; săn bắt, khai thác lâm sản trái phép...

Xã Thuận là xã biên giới có diện tích khoảng 18km2 kéo dài từ cầu La La bắc qua con suối La La trong một bài hát nổi tiếng của nhạc sỹ Huy Thục, đến giáp xã Thanh với gần 1km đường biên giới với nước bạn Lào. Hiện nay, dân cư của xã gồm có 3 dân tộc chính là Vân Kiều, Pakoh và Kinh với 578 hộ/2.470 khẩu phân bố thành 15 thôn, bản. Toàn xã có 17 hộ/96 khẩu theo đạo Thiên Chúa, 9 hộ Tin Lành và 1 hộ Phật giáo.

Ba năm về trước, đời sống người dân ở đây còn gặp nhiều khó khăn, chỉ trông chờ vào cây sắn, cây khoai, chăn nuôi gia súc, gia cầm thả rong. Bên cạnh đó, tình trạng người dân uống rượu, bia say gây mâu thuẫn làng xóm, xâm canh xâm cư thường hay diễn ra nhưng đến nay nhờ sự quan tâm của Đảng, chính quyền các cấp trong việc hỗ trợ sản xuất chăn nuôi, xây dựng điện - đường - trường - trạm nên đời sống nhân dân đã nâng lên rõ rệt, tình hình an ninh trật tự ổn định.

Đến nay đã xóa được hộ đói, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 17,6%, quần chúng nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành mọi chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Anh Nguyễn Quang Tế, Trưởng Công an xã cho biết, trong 3 năm trở lại đây, trên địa bàn toàn xã không có một trường hợp nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng cuộc sống bình yên ở thôn, bản.

Đến nay 5/15 thôn, bản đã phát động xây dựng đơn vị văn hóa và đang tiến hành phát động ở các thôn, bản còn lại. Công an xã đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thành lập Ban chỉ đạo thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên.

Ban chỉ đạo đã chỉ đạo phát động phong trào toàn dân tham gia phong trào bảo vệ ANTQ, tổ chức cho nhân dân ký cam kết thực hiện các nội dung về phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, chống buôn lậu, phá rừng... ở 4 điểm: Bản 3, Bản 4, Bản Úp Ly 2 và Bản 7 (giáp với xã Thanh).

Đặc biệt Công an xã đã phối hợp với Đồn Biên phòng 613 triển khai xây dựng mô hình tự quản đường biên, qua đó tiến hành khảo sát, đo đạc đất đai và làm biên bản giao lại cho 220 hộ gia đình thuộc 6 thôn biên giới với nội dung cam kết các gia đình phải trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ phần đất đã được giao, không cho người lạ xâm nhập trái phép, xâm canh, xâm cư hoặc vận chuyển hàng lậu băng qua phần đất của mình, sau đó đã tổ chức tập huấn các nội dung, biện pháp công tác tự quản đường biên cho từng hộ gia đình.

Nhờ vậy đến nay, mỗi hộ gia đình đều nêu cao nhận thức và tinh thần cảnh giác cách mạng trong việc bảo vệ đất đai để tăng gia sản xuất, ngăn chặn kịp thời các hoạt động trái phép có nguy cơ gây mất ổn định về ANTT ở khu vực biên giới đi qua địa bàn xã.

Đây là một mô hình thiết thực, có hiệu quả đã và đang được các cấp, các ngành trên địa bàn huyện quan tâm triển khai thực hiện tích cực trên toàn tuyến biên giới Việt - Lào

H.Q.
.
.
.