Vượt qua bất hạnh giúp người khổ đau

Thứ Sáu, 07/09/2007, 10:30
Căn nhà của chị Sơn vừa là nơi ở, vừa là nơi khám chữa bệnh cho mọi người. Ngoài 4 đứa con ruột, vợ chồng chị còn cưu mang thêm 10 cháu nhỏ mồ côi, bất hạnh. Ngoài thời gian khám bệnh tại nhà, chị vẫn thường xuyên tranh thủ đi khám bệnh, tặng quà cho trẻ em nghèo, người khuyết tật.

Người dân phố núi Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) từ nhiều năm nay đã quen thuộc với hình ảnh người phụ nữ nhỏ nhắn luôn đi đầu trong hoạt động từ thiện, giúp đỡ người bất hạnh. Chị là lương y đa khoa Nguyễn Thị Sơn, chủ Phòng Chẩn trị y học cổ truyền Dương Thọ Đường.

Gặp chúng tôi sau một chuyến đi vào tận Ea Súp cứu trợ đồng bào bị lũ lụt trở về, chị nhỏ nhẹ tâm sự: "Mình chịu bất hạnh nhiều rồi, bây giờ giúp người bao nhiêu thấy cũng là chưa đủ…".

Năm 1959, khi chưa đầy 1 tuổi, cô bé quê ở Đồng Phú, Phú Yên đã mồ côi bố. Bố chị là bộ đội đi K bị địch bắt, tra tấn dã man cho đến chết. Lên 3 tuổi, mẹ chị tham gia công tác binh vận của tỉnh cũng bị địch bắt rồi bị thủ tiêu.

Chị sống trong vòng tay thương yêu của các cô chú thương binh, hậu tuyến. Năm tròn 10 tuổi, chị được gửi ra miền Bắc đi học phổ thông (tại Vĩnh Phú cũ). Chị là một trong những lưu học sinh miền Nam đầu tiên được vào học tại Trường Đại học Y khoa Hà Nội để trở về chăm sóc thương, bệnh binh…

Năm 1984, chị lập gia đình. Chồng chị cũng là một cựu binh từng tham gia chiến đấu tại Khe Lang, Lào, trở về bị mất sức.

Chị kể: Những năm đó, hoàn cảnh đất nước cũng như gia đình đều khó khăn, vợ chồng chị vào Tây Nguyên lập nghiệp. Có chút vốn hiểu biết về y thuật, chị kê đơn bốc thuốc giúp bà con trong vùng mỗi khi có người đau ốm.

Rồi tiếng lành đồn xa, người bệnh tìm đến chị nhờ chữa trị ngày càng nhiều. Nhận thấy đây là một tài năng cần bồi dưỡng, năm 1990, Trung tâm Y tế huyện Cư Jút (thuộc tỉnh Đắk Lắk cũ) cử chị vào TP Hồ Chí Minh học Khoa Y học cổ truyền, Trường Đại học Y dược thành phố để trở về phục vụ địa phương.

Năm 1996, sau khi có bằng đại học, chị chính thức mở Phòng Chẩn trị y học cổ truyền Dương Thọ Đường. Chị bảo: Dương là tên con gái nuôi của chị, vốn là con một chiến sỹ hi sinh tại chiến trường Campuchia, vợ chồng chị nhận làm con nuôi từ bé, nay đã tốt nghiệp khóa đào tạo Đông y ở Trung Quốc về, cùng chị làm tại nhà…

Căn nhà của chị vừa là nơi ở, vừa là nơi khám chữa bệnh cho mọi người. Ngoài 4 đứa con ruột, vợ chồng chị còn cưu mang thêm 10 cháu nhỏ mồ côi, bất hạnh về nuôi nấng. Trong vòng tay nhân ái của chị, 14 đứa con đều giỏi giang, trưởng thành, có đứa đang học phổ thông, có đứa đã tốt nghiệp đại học.

Ngoài thời gian khám bệnh tại nhà, chị vẫn thường xuyên tranh thủ đi khám bệnh, tặng quà cho trẻ em nghèo, người khuyết tật.

Các sư cô tại chùa Bửu Thắng (Krông Búk, Đắk Lắk), nơi cưu mang nhiều cảnh đời bất hạnh nói với tôi: May vẫn còn nhiều người tốt như chị Sơn, nếu không nhà chùa cũng khó lòng kham nổi!

Gặp chúng tôi, chị báo tin vui: UBND tỉnh Đắk Lắk đã đồng ý phê duyệt cho dự án phát triển vườn thuốc Nam của chị.

Sắp tới, chị sẽ dồn sức để thực hiện trồng 60 hecta thuốc Nam trên địa bàn huyện Ea Súp. Chị nói: "Nếu dự án thành công, mình lại có thêm điều kiện để giúp đỡ nhiều người hơn!"

Tuấn Thiện
.
.
.