Vượt biên sang Trung Quốc lao động 'chui' - Phạm pháp và những hệ lụy

Thứ Tư, 11/03/2015, 08:32
Những năm trở lại đây, tình trạng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động đang trở thành vấn nạn của nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc. Tính đến thời điểm này, Việt Nam và Trung Quốc chưa có thỏa thuận về việc hợp tác lao động nên số lao động thời vụ Việt Nam sang Trung Quốc là hoàn toàn trái pháp luật. Cũng chính vì thế, dẫn đến nhiều rủi ro đối với người lao động…

Bài 1: Ra đi tìm "miền đất hứa"

Sau Tết Nguyên đán và vào thời điểm nông nhàn, nhiều người dân không có việc làm, trong khi phía Trung Quốc nhu cầu tuyển người làm cho các gia đình và doanh nghiệp tư nhân với giá nhân công tăng cao nên nhiều người ra đi tìm miền đất hứa. Nhu cầu tìm việc làm là chính đáng nhưng cũng vì thiếu hiểu biết thông tin, không ít người đã tự chuốc họa vào thân.

Theo kết quả khảo sát tại 10 địa phương giáp biên giới phía Bắc, từ năm 2011 đến nay đã có khoảng 20 vạn người đi lao động thời vụ tại Trung Quốc.

Các tỉnh có số người đi lao động nhiều gồm Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Giang… trung bình mỗi ngày có vài nghìn người sang Trung Quốc lao động làm thuê.

Những người này đều ký hợp đồng miệng với chủ sử dụng lao động về mức lương và điều kiện làm việc. Thời gian làm việc của họ hầu hết nhiều hơn 12 giờ trong một ngày và thường bị quản lý chặt chẽ, hạn chế đi lại, bạo lực và đe dọa bạo lực, giữ lại lương hoặc giấy tờ tùy thân…

Nguy cơ phổ biến nhất là họ bị trả mức lương thấp, không đúng thỏa thuận hoặc bằng 50% mức lương mà lẽ ra người lao động được hưởng.

Tình trạng người lao động bị bán vào làm việc tại các trang trại, hầm mỏ và các đồn điền của Trung Quốc bị cưỡng bức lao động có xu hướng tăng.

Trong khi đó, nhận thức của người lao động về nguy cơ và rủi ro dẫn đến buôn bán người thông qua cưỡng bức lao động rất thấp (chiếm khoảng 12%), thậm chí họ không quan tâm, chấp nhận rủi ro (chiếm 58%) và khi gặp rủi ro, trên 61% họ nhờ bạn bè người thân giúp đỡ.

Qua rà soát của Công an tỉnh Điện Biên, tính đến ngày 23/7/2014, đơn vị này đã phát hiện số vắng mặt tại địa bàn do xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc là 1.528 nhân khẩu.

Theo đại diện Công an tỉnh Điện Biên thì đây là nguyên nhân tạo ra điều kiện cho các tội phạm như mua bán người thông qua các hình thức môi giới, lừa đảo đưa người đi lao động thời vụ hoạt động phạm tội… nếu không được kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn.

Từ đầu năm 2011 đến hết tháng 6/2014, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh này đã phát hiện 38 vụ, 52 đối tượng phạm tội mua bán người với 89 nạn nhân bị mua bán.

Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Yên Bái hỏi cung đối tượng Hứa Văn Lành.

Qua công tác điều tra, xử lý các vụ án cho thấy, phương thức, thủ đoạn các đối tượng phạm tội sử dụng phổ biến là lợi dụng trình độ dân trí thấp, hoàn cảnh kinh tế khó khăn để lừa gạt chị em phụ nữ dưới danh nghĩa giúp họ tìm việc làm, rủ đi làm ăn buôn bán, thăm thân qua biên giới hoặc dùng thủ đoạn là tạo mối quan hệ thân thiện, giả vờ yêu đương, lừa gạt nạn nhân đi du lịch, ra mắt bố mẹ và sau đó đưa nạn nhân đến biên giới Việt Nam - Trung Quốc... bán cho những đối tượng cò mồi để đưa nạn nhân vào sâu trong nội địa Trung Quốc.

Trong các tỉnh nội địa, tình trạng xuất cảnh trái phép cũng có chiều hướng gia tăng. Riêng tỉnh Phú Thọ, theo thống kê của Công an tỉnh, hiện toàn tỉnh có gần 2.000 lao động đang làm việc bất hợp pháp tại Trung Quốc.

Đến nay, đã có gần 900 người trở về địa phương, trong đó có 236 trường hợp bị Công an Trung Quốc bắt giữ và trục xuất về nước. Hiện nay, người lao động xuất cảnh sang Trung Quốc theo hai con đường.

Con đường hợp pháp bằng giấy thông hành hoặc chứng minh thư biên giới sang Trung Quốc làm việc ngắn hạn trong ngày hoặc từ 2-3 ngày, đăng ký kinh doanh tại các chợ ở vùng biên giới hoặc các thành phố, thị trấn giáp biên giới.

Hình thức này tập trung chủ yếu tại các tỉnh có cửa khẩu quốc tế như Móng Cái (Quảng Ninh), TP Lào Cai (Lào Cai) và TP Lạng Sơn (Lạng Sơn) và một số cửa khẩu chính ngạch khác.

Hình thức này giúp người lao động có thu nhập cao hơn, tận dụng được thời gian nông nhàn, có giấy tờ xuất nhập cảnh hợp lệ. Tuy nhiên lại không giúp người lao động làm việc lâu dài và không được công nhận là lao động hợp pháp.

Thứ hai là việc xuất nhập cảnh trái phép sang Trung Quốc làm việc bất hợp pháp (đi qua các lối mòn, cửa khẩu tiểu ngạch hoặc thậm chí vượt sông suối sang Trung Quốc, không có giấy tờ xuất nhập cảnh).

Lao động Việt Nam sang Trung Quốc theo hình thức này đa số là lao động phổ thông làm các công việc như: bốc vác, vận chuyển hàng hóa, làm thuê tại các trang trại lớn trồng cây lương thực, cây ăn quả,...

Hiện nay đã có các tổ chức đưa lao động Việt Nam sang Trung Quốc lao động bất hợp pháp. Phần biên giới thuộc lãnh thổ Trung Quốc đã xuất hiện những công ty được thành lập chỉ để môi giới, tuyển chọn và cung cấp lao động là người Việt Nam cho các công ty và cá nhân người Trung Quốc có nhu cầu sử dụng lao động.

Mới đây, Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Yên Bái đã khởi tố đối tượng Hứa Văn Lành (SN 1972, tạm trú tại thôn Tân Tiến, xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) về tội "tổ chức người khác trốn đi nước ngoài".

Khoảng cuối năm 2013, Lành từ Trung Quốc trở về. Khi một số người hỏi thăm, Lành nói rằng mức lương trung bình gần 10 triệu đồng, công việc lại nhàn nhã, tới đây sẽ đứng ra nhận người đi làm thuê bên đó và sẽ lo hết thủ tục xuất cảnh.

Khi thấy có nhiều người đến đăng ký, Lành đã gọi cho một đối tượng tên Dung ở tỉnh Lạng Sơn nhờ lo liệu, Dung nhận lời và nói mỗi người chuẩn bị 4 triệu đồng cùng giấy tờ để làm thủ tục.

Tối 14/3/2014, có 9 người ở xã Tân Nguyên và xã An Phú, huyện Lục Yên đến tập trung tại nhà Lành. Lành thu của mỗi người 4 triệu đồng và gọi điện cho Dung.

Qua 19 lần đổi phương tiện di chuyển, nhóm người trên mới đến nơi làm việc tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Sau đó họ bị Công an Trung Quốc trao trả về Việt Nam. Công an tỉnh Yên Bái đã khởi tố vụ án vào tháng 1/2015,

Sáng 2/3, Công an tỉnh Hà Tĩnh bắt giữ 4 đối tượng cầm đầu có hành vi tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài trái phép.

Vào thời điểm kiểm tra, 4 đối tượng gồm Lê Văn Giang,  Nguyễn Tiến Tùng, Nguyễn Xuân Bắc và Hoàng Trọng Lĩnh (đều trú tại Hà Tĩnh) đang chuẩn bị đưa, dẫn 58 người sang Trung Quốc làm thuê.

Để được sang Trung Quốc, mỗi người lao động phải đóng cho các đối tượng trên từ 6 đến 8 triệu đồng. Sau khi đã gom đủ người, chúng đã phối hợp với nhau thuê xe khách chở ra Móng Cái, Quảng Ninh, chờ thời cơ vượt biên trái phép sang Trung Quốc.

Cùng ngày vào khoảng 4h45', tại khu vực vành đai biên giới thuộc khu 4, phường Hải Hòa, Móng Cái, Quảng Ninh, Đồn Biên phòng Hải Hòa phối hợp với Đội Cơ động, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ninh bắt giữ 16 đối tượng đi vào khu vực biên giới có ý định xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc.

Xuân Mai
.
.
.