PGS Châu Bá Lộc:

Vui khi đồng bào thoát nghèo

Thứ Năm, 21/04/2005, 07:06
18 năm qua, bàn chân của PGS Châu Bá Lộc đã qua 136 xã nghèo của miền Tây, miền Đông và Tây Nguyên để trao từng đồng vốn, con giống cho hơn 8.000 hộ nghèo với hy vọng: "Họ sẽ vươn lên, rũ bỏ đói nghèo".

Năm nay ông 63 tuổi - nguyên Trưởng bộ môn Thú y, Khoa Nông nghiệp, Đại học Cần Thơ, nhưng người dân Khmer nghèo ở các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Kiên Giang, An Giang… vẫn nhớ như in một ngày từ cách đây hàng chục năm, có một ông giáo già, dong dỏng cao hỏi đường tìm đến các hộ nghèo trong xã để chỉ cho người này sửa lại cái chuồng bò, chỉ cho người kia làm lại hệ thống biogas... rồi quay về Cần Thơ, Vĩnh Long tìm tới các trang trại bò để mua giống tốt, lại ngồi cùng xe chở giống trở lại giao cho bà con, kèm theo bao lời dặn dò tỉ mỉ.

Chưa kịp nghỉ ngơi dùng bữa cơm đạm bạc với bà con nơi này, ông lại tất tả một mạch lên tận Lâm Đồng, Đắk Nông để đến với đồng bào Kren, S'tiêng, giúp họ chọn con giống, cây điều, ong mật. Xong rồi, ông lại chạy về đồng bằng, vào tận vùng Bảy Núi (An Giang), vùng trũng, phèn chua Giồng Riềng, Gò Quao (Kiên Giang) để kiểm tra số bà con Khmer đã nhận vốn, làm ăn hiệu quả đến đâu.

Heifer International (HPI) là một tổ chức nhân đạo phi lợi nhuận, phi chính phủ, do một người Mỹ có tên là Den West sáng lập và bắt đầu hoạt động năm 1944. Đến nay, HPI đã trực tiếp giúp đỡ cho hơn 6 triệu gia đình thuộc 125 quốc gia thoát khỏi đói nghèo. Việt Nam là một trong số 7 nước của vùng Á Châu - Thái Bình Dương có văn phòng.

Theo PGS Châu Bá Lộc - Giám đốc Chương trình Heifer Việt Nam, sau 18 năm có mặt tại Việt Nam, chương trình nhân đạo này đã giúp vốn, cây con giống cho 8.109 hộ gia đình và hầu hết số này đã thoát nghèo.

Theo PGS Lộc, bình quân mỗi năm, Chương trình Heifer quốc tế hỗ trợ người nghèo Việt Nam khoảng 300.000 USD.

Bà Néng Thị Hai từng là nông dân nghèo của xã Định Hòa, huyện Gò Quao (Kiên Giang) kể: "Cuối năm 2001, tui nhận từ Chương trình Heifer của thầy Lộc 1 con bò cái cùng với 300.000 đồng hỗ trợ tiền làm chuồng. Sau 8 tháng nuôi đúng theo kỹ thuật đã được tập huấn, con bò đã lên giống và đến tháng 7/2003, nó đẻ được một con bê cái. Nuôi được một năm, tui đã trả lại cho Heifer con bê để chuyển giao tiếp cho những hộ nghèo khác cùng xóm ấp.

"Mới đây, khi  được trao tặng danh hiệu Tài năng vàng Việt Nam - giải thưởng duy nhất mỗi năm bình chọn một lần của Chương trình Heifer Việt Nam, bà Hai đã khóc tại hội trường vì quá vui sướng" - PGS Lộc kể.

Ông nhớ hoài kỷ niệm trong lần tới nhà cụ già Châu Sa Vanh Na, ở xã Tân Lợi, huyện Tịnh Biên (An Giang) bày cách thụ tinh nhân tạo cho bò lai Sind. "Bà cụ người Khmer này không tin là bò có thể… chửa theo cách này mà cứ hoài nghi. Đến chừng con bò "sinh" được con bê, chúng tôi quay lại. Bà cụ ôm lấy con bê vào lòng khóc ngon lành như một đứa trẻ và cảm ơn "cán bộ thầy" rối rít.

Với quan điểm giúp bà con "cần câu", chứ không cho "con cá" - PGS Châu Bá Lộc cho biết: "Ngoài 1.084 con bò cái, 18 năm qua, Chương trình Heifer Việt Nam còn hỗ trợ cho đồng bào nghèo các tỉnh ĐBSCL, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Đắk Nông 2.516 con heo (để nái), 122 con dê, gần 36.000 gà, vịt, 500.000 con cá giống các loại, 6.000 cây con giống (cây điều và cây ăn trái), 32 thùng ong mật… Mới đây, chúng tôi đã sang Thái Lan mua về 50 con bò sữa (giá gần 20 triệu đồng/con) để giao cho bà con nghèo ở Cần Thơ, Vĩnh Long và Đồng Tháp”

Binh Huyền
.
.
.