Vua bãi mìn vùng đất nóng

Thứ Ba, 19/04/2005, 07:36

Ông là người đã tháo gỡ hàng ngàn quả mìn của địch rồi chế lại để tiêu diệt chúng. Mỹ - ngụy đã treo giải thưởng 1.000 USD cho mạng sống của ông. Sau ngày thống nhất, panô in ảnh ông, ngực đeo đầy huy chương, được treo ở các trục đường chính của thị xã Đông Hà. 30 năm trôi qua, giờ đây ông đã ngoài 80 tuổi, chân yếu, tai nặng.

Phải mất gần 30 phút, chúng tôi mới tìm được nhà của “vua mìn” Nguyễn Quang Trung. Đó là một ngôi nhà cấp 4 được xây dựng dở dang, nằm sâu trong một con hẻm nhỏ ở khu phố 3, phường Đông Lương, ngoại vi thị xã Đông Hà (Quảng Trị).

Trong căn nhà tuềnh toàng ấy, duy chỉ có một thứ quý giá là những tấm huân, huy chương và bằng công nhận dũng sĩ diệt Mỹ được treo kín trên tường nhà. Riêng bằng công nhận dũng sĩ diệt Mỹ gần 50 tấm xếp chồng chéo lên nhau trong một khung kính. Chị Lan, con dâu của ông Trung nói với tôi: “Trước đây những tấm bằng này được ông dán kín trên tường, nhưng do tường chưa tô trát nên nhiều cái đã bị hư hỏng rồi bong ra, cái thì thất lạc. Thấy vậy, các em học sinh khối 9, trường THCS Nguyễn Du, Đông Hà, mới làm cái khung kính này để tặng ông”.

Câu chuyện giữa chúng tôi và cô con dâu ông bị ngắt quãng bởi ông về. Khoảng cách từ ngoài ngõ vào nhà chưa đầy chục bước, mà  ông vừa phải chống gậy vừa có bà dìu. Chị Lan tiếp lời: “Được như rứa là may lắm rồi. Cách đây một năm, do tuổi cao, vết thương tái phát nên ông nằm liệt một chỗ, nhờ gia đình chạy chữa thuốc men nên ông mới tự bước đi chập chững  như thế. Những hôm trở trời, ông phải ngồi xe lăn rồi người nhà đẩy đi”.

Trước khi bắt đầu câu chuyện, ông yêu cầu chúng tôi phải nói to bởi tai ông đã nặng. Nhưng ngoài việc phải nói to, dõng dạc, tôi còn phải viết lên giấy đưa cho ông xem các câu hỏi.

Ông kể: “Gia đình tui vốn sống bằng nghề sông nước. Tui chỉ học chữ đến lớp ba thì nghỉ. Năm 13-14, tuổi tui đã là du kích của địa phương. Thấy tui  nhanh nhẹn, nên các anh bộ đội đóng quân gần nhà đã bày cho tui cách gỡ mìn. Được cái, tui ưa sáng tạo nên sau mỗi lần gỡ, tui lại lấy số thuốc súng trong các quả mìn, pháo rồi đặt vào những lon đồ hộp của Mỹ - ngụy ăn xong vứt ra, đã được tui cắt hai đầu, sau đó nhét kíp vào và đậy 2 nắp lại.  Thế là có một quả mìn”.

Mỗi lần đi tháo gỡ mìn, ông Trung liền thu gom các quả mìn đẹt (mìn chưa nổ) mang về nhà. Sau đó, ông lại hì hục dùng một cây rựa cùn, một cái khoan và một cái đục để tách vỏ mìn ra, lấy thuốc súng bỏ ra ngoài. Rồi lại dùng mảnh chai, đinh nhét số thuốc súng đó vào quả mìn, đặt lại kíp. Qua những công đoạn như thế, ông đã biến quả mìn không nổ thành một quả mìn tự tạo. Rồi mang đi đánh lại bọn Mỹ - ngụy. Với cách làm này, ông Trung đã chế tạo ra nhiều loại mìn khác nhau như: mìn dây, mìn đạp, mìn đập, mìn tăng, mìn đánh máy bay... Không chỉ “sáng chế” mìn, ông còn có cách  đánh rất hiệu quả. Để tránh bị địch phát hiện, ông  làm nhiều cách khác nhau nhưng thường ngụy trang bằng cách dùng phân trâu bò đặt lên trên. Với cách làm này, trận đánh tại đồi Bà Gà (Tân Vĩnh) ông đã diệt  75 tên địch, và nhiều xe cơ giới của chúng.

Vào năm 1968, trong khi đang đào hầm trú ẩn cạnh sông Vĩnh Định thì nghe tiếng máy bay thả quân đổ bộ cách đó không xa, ông Trung liền nhảy ngay vào hầm, nhưng trước đó không quên cài sẵn mìn để nhử địch. Nghe tiếng nổ, ngay lập tức, số lính Mỹ đi càn liền xông đến. Mìn tiếp tục nổ, 5 tên lính chết ngay tại chỗ. Thấy thế, máy bay ập đến, vừa nhặt xác đồng bọn, vừa bắn liên thanh loạn xạ. Và chúng mang luôn cái gùi ông cố tình “bỏ quên” ở cửa hầm. Song chiếc máy bay chưa kịp cất cánh, một tiếng nổ chát chúa vang lên, khiến nó bị xé thành nhiều mảnh.

Nhiều trận đánh của Nguyễn Quang Trung trên đường Bảo Đại (thuộc địa phận xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong), trên khu căn cứ cách mạng Tân Vân Vĩnh (Đông Lương, Đông Hà), đã làm cho kẻ thù tiêu hao về số lượng, hoảng loạn về tinh thần. Từ đó, tên tuổi của ông trở thành nỗi khiếp đảm của chúng. Và biệt danh “vua mìn” cũng được mọi người nhắc đến từ đó.

Dùng bom đạn của địch tái tạo thành vũ khí để tiêu diệt chúng, cách làm này của ông đã  bổ sung thêm nguồn vũ khí cho đội biệt động thị đội Quảng Hà, góp phần tiêu diệt một số lượng lớn quân địch cùng với xe tăng, xe quân sự, máy bay. Nhắc đến tên tuổi “vua mìn” Nguyễn Quang Trung, từ Trị Thiên khói lửa đến Tây Nguyên đều phải thán phục trước tài nghệ của ông.

Đến bây giờ, ông Trung khó mà nhớ hết các trận đánh mà ông đã tham gia cũng như bao nhiêu tên địch đã bị ông tiêu diệt. Trong bản thành tích đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của ông trong thập niên 70 của thế kỷ trước, viết: Riêng trong thời gian hoạt động tại Thị đội Quảng Hà, ông đã cùng đồng đội tham gia 79 trận đánh, diệt hơn 400 tên địch, làm bị thương hơn 200 tên khác, diệt 52 xe các loại, đánh cháy 3 máy bay (một chiếc ở đồi Bòn Hòn, 1 ở Khe Đá, 1 ở đồi Mụ Lan), đánh sập 3 chiếc cầu (trong đó có một chiếc ở Động Xoa - chiến khu Ba Lòng, 1 chiếc ở cây số 3 tuyến đường 9 Nam Lào)…

Nói về công việc “sáng chế” mìn, ông Trung cho biết: Đã chế  khoảng gần 5.000 quả mìn, nhặt và tháo gỡ gần chục nghìn quả mìn các loại. Chỉ cần nhìn vào 9 tấm huân  chương, huy chương các loại, và gần 50 tấm bằng công nhận dũng sỹ diệt Mỹ cũng đủ để minh chứng những lời ông nói, những việc ông đã làm và sự cống hiến của ông trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông Trung ở lại đồi Ba Càng, thượng nguồn sông Vĩnh Định, nơi chiến trường xưa một thời máu lửa, nơi những  người bạn chiến đấu của ông đã nằm xuống vừa để mưu sinh, vừa tìm đồng đội. Hai mươi năm sau chiến tranh, ông đã tự mình phủ xanh gần 10 ha rừng, và tìm được hàng chục hài cốt đồng đội đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ.

Cách đây mấy năm, ông cùng gia đình chuyển về phường Đông Lương, thị xã Đông Hà sinh sống. Giữa chốn thị thành đô hội, ông vẫn đau đáu nỗi niềm về mảnh đất đã gắn liền những tháng năm tuổi trẻ - chiến tranh - nơi mà ông đã để lại một phần máu thịt. Ruộng vườn không có, vợ chồng người con trai không có việc làm ổn định, ông bà lại thường xuyên đau ốm nên cuộc sống hết sức chật vật. Căn nhà vẫn tuềnh toàng không có gì đáng giá, nhưng ông Trung vẫn lạc quan bảo: “Được hưởng hòa bình là hạnh phúc lắm rồi”

Lê Hồng Nhung
.
.
.