Vợ đi Đài Loan, chồng ở nhà lập hội

Chủ Nhật, 20/08/2006, 14:16

Ở xã Vũ Hội (Vũ Thư, Thái Bình), đàn bà phụ nữ kéo nhau sang Đài Loan làm osin cả. Các ông chồng ở nhà lập hội để tụ tập cờ bạc, rượu chè, hút chích. Thỉnh thoảng các ông lại góp quỹ đi nhà nghỉ, khách sạn để... giải quyết nỗi nhớ vợ.

Người ta gọi xã Vũ Hội (Vũ Thư, Thái Bình) là "làng Đài Loan" bởi nơi đây có tới 700 phụ nữ (chiếm 1/3 số lao động nữ trong xã) xuất khẩu lao động sang Đài Loan. Từ ngày chị em phụ nữ trong xã ào ào sang Đài Loan làm "Ôsin", diện mạo làng quê đã thay đổi đột biến nhờ nguồn ngoại tệ lớn gửi về.

Hoạt động ngầm của... “Hội Đài Loan”

Đàn bà trong xã Vũ Hội đi cả rồi, mấy ông chồng rỗi rãi, chẳng biết làm gì ngoài việc sáng, trưa, tối dẫn con đi ăn quán, đêm vò võ ôm gối ngủ một mình. Để bớt buồn, mấy ông hợp nhau nghĩ ra việc thành lập các “Hội Đài Loan”. Thành viên của hội gồm những ông có vợ đi Đài Loan.

Hội nào ít thì có 5-7 người, hội nhiều thì có 10-20 người. Mục đích của các hội đều mang ý nghĩa khá... nhân văn: giúp nhau xây nhà, mừng khánh thành toalét xịn, tổ chức sinh nhật cho con, liên hoan khi vợ của hội viên về, thuê ôtô mang hoa lên sân bay Nội Bài để đón “phu nhân”...

Các tiêu chí hoạt động đều mang ý nghĩa tốt đẹp, song hoạt động ngầm của những hội này mới thực sự tai hại. Hội Đài Loan do Nguyễn Trung Nông làm hội trưởng, gồm 11 ông có vợ đi Đài, trụ sở đặt tại nhà Nông ở thôn Năng An không hiểu có những công to việc lớn gì mà ngày nào cũng tụ họp.

Thấy khả nghi, công an xã liền đột nhập và tóm một mẻ, gồm đủ 11 ông, với 2 chiếu bạc đang sát phạt nhau. Lúc công an xã lấy lời khai mới biết, hai chiếu bạc của hội này hoạt động không kể ngày đêm, giờ giấc. Tiền bạc vợ gửi về bao nhiêu các ông nướng sạch vào sới bạc.

Theo Phó chủ tịch xã Nguyễn Ngọc Nhãn, xã Vũ Hội có mười mấy hội Đài Loan kiểu như trên và hoạt động ngầm của các hội này đều bất minh, trái đạo đức. Mấy hội cờ bạc, chích hít ma túy thì phát hiện là tóm và xử lý theo pháp luật, nhưng những hội nhậu nhẹt, cà phê cà pháo, gái gú thì không biết xử lý thế nào.

Anh Nhãn đã cùng các đồng chí công an theo dõi hoạt động ngầm của các hội này và phát hiện ra rằng, rất nhiều hội thường xuyên góp quỹ rồi kéo vào các nhà nghỉ, khách sạn để... giải quyết nỗi nhớ vợ. Khổ thân cho những người vợ phải quần quật làm lụng xứ người để kiếm tiền gửi về cho những ông chồng mất nết này phung phí, hư thân. Mải chơi bời, hội hè kiểu này, không biết còn phút rảnh rang nào để các ông ấy nhớ vợ, thương vợ hay không, có khi lại còn mong vợ đi càng lâu càng tốt.

Hậu quả từ những hoạt động ngầm bất minh của các hội Đài Loan là không ít thành viên đã lâm vào vòng tù tội, tan nát gia đình, lụn bại kinh tế. Điển hình là trường hợp Vũ Văn Giáp. Xưa kia nhà nghèo thì hiền lành, chịu khó. Khi vợ đi Đài, gửi tiền về, không biết làm gì, lại tham gia Hội Đài Loan chích hít thế là nghiện. Tiền vợ gửi về không đủ cho cơn nghiện mỗi ngày một nặng, Giáp sinh ra trộm cắp. Làng xóm hở ra cái gì, Giáp chôm cái đó. Bốn năm đi Đài của vợ không những không làm cho gia đình khá lên, ngược lại, vợ Giáp lại thêm gánh nặng tinh thần. Để cứu gia đình, người đàn bà tảo tần đành về nước hẳn để chăm sóc, động viên và giúp chồng cai nghiện.

Trường hợp của Nguyễn Văn Dưỡng ở thôn Bích An cũng tồi tệ không kém. Chị Tuyết, vợ Dưỡng là người chịu khó, chịu khổ, nên làm được bao nhiêu tiền là gửi hết về cho chồng con. Hồi đầu, anh chồng còn ngoan nên biết dùng tiền xây ngôi nhà to đùng, với mong muốn vợ về được sống trong căn biệt thự, bõ cho những ngày vất vả xứ người. Nhưng rồi, một mình sống giữa ngôi nhà to quá, tiền lại nhiều, không biết làm gì, thế là cũng tham gia hội hút hít rồi “đốt” hết tiền bạc của vợ. Chị Tuyết không nhanh chân về nước thì anh chồng bán nốt cả ngôi nhà để hít. Theo công an xã, Dưỡng vừa từ trại cai nghiện về được gần tháng nay, song nghe ra vẫn có nhiều hành vi bất minh lắm. Chị Tuyết thì lắc đầu ngán ngẩm: “Chưa cai được!”.

Bi kịch nhất là trường hợp của Ngô Thế Tiệp, ở thôn Năng Tĩnh. Tay này nghiện be nghiện bét. Hồi năm 2004, Phó chủ tịch Nhãn chỉ thẳng vào mặt gã bảo: “Tao đã đưa mày đi cai nghiện rồi, mày còn nghiện lại tao không tha nữa đâu!”. Gã không chối bai bải như phần lớn những tên nghiện khác mà thành thật: “Em cố lắm nhưng không bỏ được anh ạ!”.

Bực mình anh Nhãn chỉ đạo công an theo dõi suốt ngày đêm. Không có cách nào thoát khỏi tai mắt công an để lùng mua ma túy, gã liền bỏ xứ vào tận Đắk Lắk. Tuy nhiên, vừa vào đó gã đã bị Công an Đắk Lắk bắt vì tội buôn bán ma túy, phải ngồi trại 8 năm. Chị Hoa nghe tin chồng nghiện ngập, lại buôn ma túy đến nỗi bị tù tội liền bỏ xứ Đài về nước rồi khăn gói vào Tây Nguyên lập nghiệp, chờ chồng ra trại. Không biết tấm lòng của người vợ này có khiến gã chồng mở được mắt ra không.

Hiện tại, xã quản lý 28 đối tượng nghiện trong hồ sơ. Điều đau lòng là phần lớn những đối tượng này đều có vợ đi Đài Loan và đều là thành viên của các hội Đài Loan. Đã 7 đối tượng có HIV và 3 đã chết vì AIDS. Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch Nhãn thì con số nghiện và có HIV chưa phát hiện được còn lớn hơn nhiều. --PageBreak--

Tan vỡ gia đình

Mẹ đi làm ăn xa, bố mải mê cờ bạc, hút hít, nhậu nhẹt, gái gú thành thử con cái không ai quản lý nên học hành lơ là, sinh hư rất nhiều. Điển hình là thằng bé Nguyễn Thành Long, con chị Ngô Thị Thủy. Chị Thủy đi Đài Loan làm ăn cũng có tiền, nhưng gửi về được bao nhiêu thì ông chồng là Nguyễn Văn Châu nhậu nhẹt, cờ bạc sạch. Anh ta uống rượu, say xỉn đến nỗi mắc bệnh xơ gan cổ trướng rồi chết năm 2004.

Không có ai nuôi dưỡng, hai anh em Long tháng này sống với bác đằng ngoại, tháng sau sống với bác đằng nội. Hàng tháng, Thủy gửi về cho Long 500 ngàn ăn sáng, đóng học, tuy nhiên, có bao nhiêu tiền Long nướng hết vào đề đóm, chát chít. Không đủ tiền ăn chơi thì sinh trộm cắp. Mới 14 tuổi, Long đã 3 lần bị Công an xã Vũ Hội bắt vì tội trộm cắp. Có tháng, Long ăn trộm tới 3 chiếc xe đạp của các em học sinh trong trường. Long còn liều lĩnh trèo cả vào lan can trụ sở UBND xã bẻ sắt đem bán cho đồng nát.

Hồi chị Thủy hết hạn hợp đồng lao động về nước, thấy cảnh gia đình tan nát như vậy, chán đời chị lại đi tiếp. Không biết rồi tương lai hai đứa con sẽ ra sao khi không có bàn tay chăm sóc, dạy dỗ của người mẹ?

Một tên trộm nhí cũng rất "nổi tiếng" là Mai Ngọc Dư. Mẹ nó đi lao động ở Đài Loan, bố mải đi xây ở xa, mặc con cái ở nhà làm gì thì làm. Thằng Dư không có sự kiểm soát của bố mẹ nên bị bạn xấu rủ rê thế rồi trở thành “siêu” trộm gà vịt. Nhà nào thả gà, vịt là nó chôm đem lên thành phố bán. Hai năm học cuối THCS là hai năm liền nó đạt “thành tích trộm cắp” vì bị công an xã bắt quả tang.

Theo thống kê của Công an xã Vũ Hội thì mỗi năm đều có 20 đến 30 vụ phạm pháp hình sự xảy ra trong xã, nổi bật nhất là năm 2004 với 33 vụ. Hầu hết đều liên quan đến cờ bạc, trộm cắp, ma túy và đa số có yếu tố liên quan đến chuyện vợ đi xuất khẩu lao động.

Tuy nhiên, vấn đề bức xúc nhất hiện nay ở xã Vũ Hội là số vụ ly hôn tăng đột biến trong những gia đình có vợ đi Đài Loan. Từ năm 2003 trở về trước, thời hạn mà chị em đi lao động Đài Loan chưa về, tình trạng ly hôn xảy ra rất hãn hữu, có khi cả năm không có vụ ly hôn nào. Từ khi chị em về nước nhiều do hết hạn hợp đồng lao động thì các ban ngành trong xã rất vất vả với công tác hòa giải. Kỷ lục là năm 2004, cả xã có tới 15 vụ ly hôn. Đến nay, số vụ ly hôn trong xã ở những gia đình có chị em đi Đài Loan đã là 29 vụ.

Như chuyện chị H, hồi về phép 40 ngày, sống với gia đình cái gì chị cũng chê. Chị chê toalét cáu bẩn, nhà cửa nóng bức, không có điều hòa, giường nằm không có đệm đau lưng không ngủ được... Những cái đó tuy khó chịu thật đấy nhưng nói ra được thì cũng đỡ bực, còn chuyện móng chân, móng tay chồng thối đen, người lúc nào cũng hôi rình thì quả là... không thể ngửi được. Thế là chị H. chong đèn soạn đơn ly dị trình xã. Anh chồng đọc đơn ức tận cổ ký ngay lập tức, các cán bộ xã có hòa giải thế nào cũng không lay chuyển được ý chí của cả hai người.

Hầu hết các vụ ly hôn là do chồng cờ bạc, rượu chè, gái gú, song cũng có không ít vụ ly hôn mà nguyên nhân của nó chẳng đâu vào đâu. Vụ ly hôn giữa Vũ Văn Tuyến và Nguyễn Thị Nụ là một ví dụ. Nụ đi Đài Loan 3 năm trời mà chỉ gửi cho chồng được 100 triệu xây cái nhà và mua con xe Dream Việt. Nghi vợ gửi tiền chỗ khác, Tuyến bực mình chì chiết vợ, thế là sinh ra cãi vã.

Nụ viết đơn, Tuyến ký liền, tài sản chia đôi. Hôm cán bộ xã vào chia tài sản được chứng kiến một cảnh bi hài. Chiếc gương kỷ niệm ngày cưới không thể bẻ làm đôi nên Tuyến đòi đập, các cán bộ khuyên mỏi mồm Tuyến mới đồng ý để lại cho cô con gái. Còn cái giếng cũ ở giữa vườn không biết chia thế nào, Tuyến mang búa đập vỡ luôn miệng giếng.

Đã có những ông chồng chán cảnh sống xa vợ nên có những hành động khá kỳ quặc. Điển hình là ông “gà trống” Nguyễn Ngọc Dũng, đã hai lần cạo trọc đầu đòi... đi tu vì nỗi nhớ vợ giày vò. Dù chị vợ đã gửi về cho mấy trăm triệu bạc xây nhà to tướng, nhưng sống cảnh “gà trống nuôi con”, lại không có gan gia nhập mấy cái hội Đài Loan để tìm cách giải sầu nên lâm vào tình trạng... khủng hoảng tâm sinh lý!

Cao trào của nỗi nhớ thương đến đau khổ rụng rời là sau một lần uống rượu say, anh trèo lên mái nhà ngửa cổ lên trời hướng đông bắc mà chửi: “Tao không cần tiền, tao chỉ cần vợ!”, rồi lao xuống. Cũng may mấy thanh niên nhanh chân bò lên mái nhà kéo lại kịp. Mấy lão xa vợ cảm phục chí khí anh hùng của Nguyễn Ngọc Dũng liền mò đến đề nghị thành lập Hội Đài Loan nhớ vợ và bầu anh Dũng làm hội trưởng!

Phạm Ngọc Dương
.
.
.