Viết tiếp câu chuyện cổ tích trên vồ Mồ Côi

Thứ Ba, 06/04/2010, 14:53
Hơn 3 năm trước, chúng tôi có dịp lên vồ Mồ Côi thuộc đỉnh Cấm Sơn (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang) để gặp anh Nguyễn Tấn Bông cùng mẹ già nuôi 12 đứa trẻ bị bỏ rơi. Một ngày đầu tháng 4/2010, chúng tôi trở lại thăm đại gia đình anh, những đứa trẻ mồ côi được sự cưu mang của người cha, người bà thắm tình nhân nghĩa trên vồ Mồ Côi ở Thiên Cấm Sơn ngày nào giờ đã xuống núi đến trường, đến lớp…

"Khi đã dứt bỏ tất cả để về với núi rừng, để sống cùng cây cỏ muôn hoa, tôi đâu nghĩ có ngày mình lại một lần nữa xuống núi xây nhà. Âu cũng là cái nghiệp. Mà hễ nói cái nghiệp ở đời ắt phải vướng lấy. Bây giờ mình đâu chỉ sống cho mình nữa, mà giờ đây là tương lai của 12 đứa nhỏ mình đã mang về cưu mang dưỡng dục. Đã nuôi được mà không cho nó học hành, sống tốt là cái tội, nghiệp lớn lắm. Vậy nên, quyết định xuống núi cũng vì lẽ ấy", mở đầu câu chuyện cùng chúng tôi, anh Bông phân trần lý lẽ.

Ngôi nhà cấp 4 mới xây khang trang trong khu dân cư xã An Hảo giờ đây là mái ấm tiếp theo câu chuyện cổ tích trên đỉnh Thiên Cấm Sơn ngày nào.

Dù hạ sơn, nhưng tấm lòng anh Bông, bà Võ Thị Ba (mẹ ruột anh) chưa thể vượt trên nỗi lo tiền bạc. "Biết rằng trước sau gì cũng phải cho tụi nhỏ xuống núi để học hành đến nơi đến chốn. Thế nhưng, hoa lợi từ rau màu, cây cối trên núi này cũng chỉ đắp đổi qua ngày cùng tiền sách vở cho tụi nhỏ, lấy đâu dư dả mà có tiền mua đất cất nhà", anh tâm sự.

Những đêm trằn trọc cùng với cái nắng, cái gió, cái khổ của đại ngàn và tương lai học vấn của 12 đứa trẻ bé nhỏ cứ ngày một lớn khiến anh Bông lòng thêm quặn thắt. Và rồi, câu chuyện đầy tình người có phần hậu.

Anh Bông và những đứa con nuôi của mình.

Một ngày đầu năm 2009, đại gia đình anh Bông được đón một vị khách vô cùng đặc biệt. "Anh có phải là anh Bông nuôi mấy cháu nhỏ mồ côi? Tui tên Lê Minh Triển (Việt kiều), đang sống bên Mỹ…", chỉ nói được thế rồi người đàn ông quàng tay ôm mấy đứa nhỏ vào lòng. "Tôi đọc báo thấy anh nuôi mấy cháu nhỏ mồ côi tội quá. Khi đọc xong bài báo, tôi như thấy tuổi thơ mình hiển hiện đâu đó ở mấy đứa nhỏ. Xin anh cho tui chia sẻ tình cảm của mình với mấy cháu".

Rồi người khách xin ở lại cùng tụi nhỏ cả ngày quấn quít. Lúc chia tay về Mỹ, người khách gửi lời nhắn nhủ: "Thôi, nói gì thì nói, anh với dì cho tụi nhỏ xuống núi cất nhà, ổn định thì tụi nhỏ mới có thể học hành đến nơi đến chốn được. Anh có bao nhiêu, thiếu bao nhiêu để tôi về bên vận động anh em giúp cho". Sau ngày chia tay về Mỹ, anh Triển vẫn liên tục gọi điện hối thúc anh Bông và mẹ anh chuyện xuống núi, cất nhà, cất cửa.

"Thiệt lòng mình cũng không tin, vậy mà anh Triển cứ hối thúc. Với lại thấy ba đứa lớn đi học cực quá, rồi năm học sau có thêm 4 đứa nữa vào lớp 1, còn 3 đứa nhỏ Sơn Minh, Sơn Tiền, Sơn Nhã cũng đến tuổi mẫu giáo. Tôi bàn với má liều lấy 5 triệu xuống núi dằn cọc 3 cái nền nhà này, nếu anh Triển không gửi tiền thì bán đất trên núi cất cái nhà nhỏ chứ biết làm sao. Ngay sau ngày mình đặt tiền cọc thì anh Triển gửi về hơn trăm triệu đồng trả tiền nền, anh ấy còn dặn: "Anh coi cất nhà chủ yếu là rộng rãi, chừng vài trăm triệu thôi, đừng có lên lầu em lo không nổi".

Hôm chúng tôi đến thăm nhà, mấy đứa trẻ đi học về gọi cha í ới. Con học có vui không? Chúng tôi hỏi Sơn Ngọc. Dạ vui, con học lớp 2A1 - Trường Tiểu học "A" An Hảo. Năm rồi lớp 1 con được hạng 6, trường phát thưởng nữa, học kỳ rồi con được loại giỏi luôn. Vậy con muốn sau này làm nghề gì? Chúng tôi hỏi tiếp. Con làm bác sĩ để trị bệnh cho bà, cho cha và mọi người, Sơn Ngọc trả lời rành rọt… Mấy đứa trẻ đồng trang lứa vui đùa bên khoảng sân trước nhà.

"Lúc mới xuống, mấy đứa nhỏ cũng nhớ nhà trên núi lắm, nhưng bây giờ xuống đây gần chợ, có thêm nhiều bạn dần cũng quen. Từ ngày mình xuống núi giao đất lại cho thằng cháu trông coi, lâu lâu lên thu hoạch hoa lợi. Xuống đây, mỗi ngày vừa lo ăn uống rồi lại dạy tụi nhỏ học hành. Được cái mấy đứa cũng sáng dạ, nên tụi nhỏ tự chỉ nhau cũng dễ", anh Bông phân trần.

Ngôi nhà không lúc nào vắng tiếng trẻ thơ của anh Bông, bà Ba giờ có thêm một thành viên mới Nguyễn Thị Cẩm Đào chưa tròn tuổi, một bé gái xinh xắn bị người mẹ bỏ ngay sau khi cất tiếng khóc chào đời. Từ ngày xuống núi cho các con tìm chữ, không đêm nào anh Bông, bà Ba không nhớ núi, nhớ rừng. Nhưng, khi nhìn những đứa trẻ ngây thơ hằng ngày tung tăng cắp sách đến trường, chạy đùa vui vẻ, những suy nghĩ vẩn vơ ấy dần tan biến.

"Nếu chẳng may má đi sớm thì tôi cũng ráng lo cho tụi nhỏ dựng vợ, gả chồng yên bề gia thất, nghề nghiệp ổn thỏa rồi cũng trở lại núi rừng thôi", giọng anh chùng xuống, đôi mắt bâng quơ hướng về vồ Mồ Côi trên đỉnh Thiên Cấm Sơn, nơi bắt đầu của câu chuyện cổ tích ấy…

N.Thơ - B.Trí
.
.
.