Việt kiều ở Thụy Sỹ: Những tấm lòng hướng về đất nước

Thứ Năm, 08/02/2007, 09:30

Mùa xuân này, cộng đồng bà con Việt kiều ở Thụy Sỹ như được nhân thêm niềm vui mới. Trên mảnh đất mà họ chọn làm quê hương thứ hai này vừa diễn ra một sự kiện trọng đại - đó là lễ ký công nhận Việt Nam chính thức là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Muốn Việt Nam giàu hơn, mạnh hơn

Đó là ý kiến chung của tất cả những người đại diện bà con Việt kiều ở Thụy Sỹ phát biểu trong buổi gặp mặt Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm và các thành viên đoàn đàm phán nước ta với bà con ngay sau khi Đại hội đồng WTO công nhận Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức thương mại lớn nhất thế giới này. Phòng họp lớn của khách sạn Movenpik tại Geneva, nơi đoàn đàm phán Việt Nam nghỉ, cũng là nơi diễn ra cuộc gặp mặt trở nên ấm cúng hơn. Sau khi nghe Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm thông tin một số vấn đề về kinh tế, xã hội và đối ngoại của Việt Nam, nhiều người, mà hầu hết là những nhà khoa học, vui mừng nói lên những tâm tư, nguyện vọng của mình.

Ông Vũ Đức Sinh, tiến sĩ khoa học, từng làm Chủ tịch Hội Việt kiều ở Thụy Sỹ phấn khởi bộc bạch: “Chúng tôi vui mừng trước sự phát triển của nước nhà. Việc Việt Nam được kết nạp vào WTO thể hiện đường lối đối ngoại sáng tạo, sự nhất quán của Việt Nam trong chủ động hội nhập. Mong rằng Chính phủ có chính sách phù hợp, cụ thể hơn để chúng tôi có cơ hội đóng góp làm giàu cho quê hương đất nước”.

Tác giả (trái) và bà con Việt kiều Thụy Sỹ.

Ông Nguyễn Hữu Thanh thì mong rằng: “Bà con chúng tôi đang sống ở đất nước Thụy Sỹ là nơi có những ngân hàng nổi tiếng thế giới, có nguồn vốn dồi dào. Trong khi đó Việt Nam chúng ta đang rất cần vốn để phát triển kinh tế. Vậy thì tại sao Chính phủ không mở một diễn đàn để bàn về vấn đề tìm vốn cho phát triển kinh tế trong nước. Không nhất thiết chúng tôi phải về nước, mà có thể mở diễn đàn trên mạng điện tử để bà con Việt kiều đóng góp ý kiến”.

Tiến sĩ Vũ Giản trăn trở: “Vì sao trong nhiều lĩnh vực chưa thấy có vai trò của trí thức Việt kiều? Trong khi đó ngoại kiều của nhiều nước khác ở Thụy Sỹ họ có điều kiện đóng góp rất nhiều cho đất nước”.

Ông Hoàng Văn Khẩn nêu vấn đề: “Gần đây có một doanh nghiệp Việt kiều bị xâm hại quyền lợi ở nước ngoài, Nhà nước ta đã lên tiếng bảo vệ. Điều đó thật đáng quý, đã tạo uy tín và vị thế cho bà con Việt kiều ở nước ngoài làm ăn, mong Nhà nước thường xuyên quan tâm đến việc này”.

Các ông Nguyễn Văn Lạc và tiến sĩ vật lý Thanh Ba quan tâm tới một chuyện cụ thể, đó là việc Việt kiều có được về mua nhà và đất trong nước hay không. Theo các ông, việc Việt kiều được mua nhà và đất không chỉ đơn giản là các doanh nghiệp bán nhà hay Nhà nước thu được tiền mà lớn hơn họ sẽ có điều kiện đưa gia đình về thăm đất nước nhiều hơn, có điều kiện giáo dục con cháu hướng về quê hương đất nước, hướng về cội nguồn.

Ông Nguyễn Tấn Phước, đã ngoài 70 tuổi, Giám đốc Bảo tàng đồ cổ Á - Phi, sở hữu những món đồ cổ mà theo ông Nhà nước Thụy Sỹ cũng không có. Ông thật sự phấn khởi trước việc Việt Nam gia nhập WTO và có nguyện vọng sẽ hiến một phần những hiện vật trong bảo tàng của ông cho đất nước. Ở một khía cạnh khác, ông Minh Trí và ông Hoàng Văn Khẩn tỏ ra lo ngại, đề xuất với Nhà nước ta, mà cụ thể là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem xét, để việc dạy tiếng Việt cho con em của Việt kiều tốt hơn. --PageBreak--

Truyền thống và bản sắc quê hương

Tôi được nghe khá nhiều cụm từ này khi tiếp xúc với bà con Việt kiều ở Thụy Sỹ. Ông Lưu Trí Diễn, 49 tuổi, quê ở Tiền Giang, đã 23 năm sống ở Thụy Sỹ. Hiện ông là Giám đốc một doanh nghiệp chuyên sản xuất dụng cụ y tế, cách thành phố Geneva hơn 40 km. Trong bữa tiệc do phái đoàn Việt Nam chiêu đãi, ông cứ bám riết tôi hỏi đủ chuyện trong nước.

Theo ông, không phải bà con Việt kiều ở đây thiếu thông tin mà do quá bận với công việc làm ăn, nhiều người không có thời gian để vào mạng Internet hay xem truyền hình. Bản thân ông cũng vậy, mỗi ngày chỉ dành ít thời gian vào mạng nhưng phải lo tìm kiếm thông tin kinh tế, tiêu thụ sản phẩm, thành thử ít đọc tin tức thời sự trong nước. Nhưng ông biết gần đây kinh tế Việt Nam rất phát triển, đất nước ổn định, đời sống nhân dân nâng lên là mừng lắm. Tuy nhiên, ông cũng trăn trở rằng, bản thân ông từng dạy cho nhiều người học tiếng Việt, vậy mà con gái duy nhất của ông lại không viết được tiếng Việt, đọc thì rất ít.

Ông nói với tôi: “Mỗi khi tôi nhận được thư của người thân là phải đọc cho con nghe. Đưa cho con xem, nó ấp úng được mấy chữ rồi chịu. Những lúc ấy tôi chỉ muốn rớt nước mắt”. Nhưng theo ông vì công việc quá nhiều, con gái lại phải đi học, nên ít có thời gian để dạy nó đọc và viết tiếng Việt. Điều đó ít nhiều làm ông khó khăn hướng cho con hiểu về văn hóa Việt Nam, cũng như gốc rễ quê hương.

Trong những ngày ở Thụy Sỹ, tôi may mắn được đến thăm và dự bữa cơm thân mật với gia đình một Việt kiều ở đây. Anh Nguyễn Văn Đẩu, quê ở Biên Hòa, Đồng Nai và vợ là chị Nguyễn Thị Kim Anh, ở Giao Thủy, Nam Định. Nhà anh Đẩu ở số 3 Ruc Cramer, trên đường 1202 gần trung tâm Geneva. Tôi gặp ở đây anh Nguyễn Văn Bình, quê Bắc Giang, chị Đào Anh Khương, quê ở Đồng Nai và vợ chồng anh Nguyễn Anh Tuấn quê ở Bến Tre. Tất cả họ sinh sống ở thành phố Lausant, cách Geneva hơn 60 km vừa tụ họp về. Thật bất ngờ, trên mâm cơm do Kim Anh bày ra hầu hết là những món ăn Việt Nam.

Anh Đẩu tâm sự: “Bọn em ở đây, mỗi tháng gặp nhau một lần, tổ chức ăn uống và thông tin cho nhau về gia đình, con cái để có thể hỗ trợ giúp nhau khi cần thiết”. Theo anh Đẩu, tuy không ở tập trung nhưng bà con người Việt ở đây thường đến thăm nhau vào những ngày nghỉ và đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán vẫn tổ chức đến thăm, chúc Tết nhau như ở Việt Nam. Tết đến nhà nào cũng cố làm những món ăn Việt Nam như gói bánh chưng, nấu thịt đông, muối dưa hành. Nhiều người có điều kiện còn kiếm được cành đào hoặc cành mai vàng để chơi Tết.

Kim Anh, vợ anh Đẩu và chị Khương mang cho chúng tôi mỗi người một tô phở gà với rau húng. Thấy tôi ngạc nhiên, Kim Anh bảo: “Cứ ngày nghỉ là em làm phở hoặc bún cho cả gia đình ăn. Phần cho các cháu được ăn món Việt Nam, phần khác em mong các cháu nhớ về quê hương đất nước mỗi khi chúng ăn bát phở do em làm. Thật mừng là các cháu rất thích và thường lên mạng đọc những thông tin về Việt Nam”. Vợ chồng Nguyễn Anh Tuấn, có 4 cháu gái. Hai đứa đầu đã hơn 20 tuổi thì lại có tâm tư khác. Tuấn bảo tôi rằng, con cái lớn đi học, rồi đi làm, nó vuột khỏi tay quản lý của bố mẹ rồi. Đã đến lúc các con anh phải xây dựng gia đình. Theo Tuấn con gái lấy chồng là người quốc tịch nào cũng được, nhưng anh vẫn mong nó tìm được bạn đời là người Việt Nam...

Thời gian ở Thụy Sỹ không nhiều, nhưng tôi đã tiếp xúc với khá nhiều bà con Việt kiều ở đây. Mỗi người một cách, nhưng tất thảy họ đều mong muốn, sau khi vào WTO, kinh tế Việt Nam phát triển tốt hơn, đời sống nhân dân được cải thiện hơn. Và về phần mình bà con cố gắng giáo dục con cháu giữ gìn truyền thống quê hương đất nước.

Tôi được biết với hơn 7.000 người Việt Nam ở Thụy Sỹ có đời sống khá ổn định. Nhiều người là những nhà khoa học, những doanh nghiệp giỏi... Bà con ở đây luôn đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau và hướng về đất nước bằng những việc làm cụ thể như đầu tư, tư vấn và đóng góp xã hội từ thiện. Những việc làm và tình cảm của bà con thật đáng trân trọng. Tết Đinh Hợi sắp đến, qua bài viết này, tôi xin gửi tới bà con Việt kiều đang sinh sống ở đây lời chúc tốt lành nhất

.
.
.