Việt Nam có đầy đủ tư liệu lịch sử khoa học và chính xác khẳng định chủ quyền biển đảo
>> Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam – ASEAN ra Tuyên bố phản đối hành động sai trái của Trung Quốc
>> Trung Quốc phải rút giàn khoan, máy bay và các tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam
Liên tiếp các bài báo trên Báo CAND phản đối về việc Trung Quốc trắng trợn đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam đã cho thấy ý đồ ngang ngược, bất chấp pháp lý và đạo lý của Trung Quốc. Một hành động mà theo nhiều học giả Việt Nam là khó có thể tưởng tượng nổi lại xuất hiện ở một quốc gia có nền văn hóa, văn minh rực rỡ. Một hành động đi ngược lại chân lý và đạo lý. Các nhà sử học, các chuyên gia về lịch sử khi chia sẻ quan điểm với PV Báo CAND cũng khẳng định quyết liệt, chúng ta tự tin, vững tin vì có đầy đủ các tư liệu lịch sử khoa học và chính xác tuyệt đối, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
“Tôi là một người nghiên cứu về lịch sử, và là người nghiên cứu về lịch sử chủ quyền của Việt Nam từ năm 1993 cho đến nay. Tôi đã từng làm chủ nhiệm đề tài lịch sử chủ quyền Việt Nam về Hoàng Sa – Trường Sa. Tôi có nhiều cơ hội khai thác nguồn tư liệu trong nước và thế giới. Được giao nhiệm vụ này, đi đâu tôi cũng quan tâm khai thác, tập hợp tư liệu, trong đó có tư liệu về Trung Quốc, kể cả tư liệu người Trung Quốc cho là “lợi ích cốt lõi” của họ ở Biển Đông.
Năm 1909, chính quyền tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) giao cho ông Lý Chuẩn ra khu vực quần đảo Paracels (Hoàng Sa), thì lúc đó mới coi như là Trung Quốc có ý đồ, mục đích chiếm quần đảo Hoàng Sa. Mốc thời gian đó coi như là thời điểm họ phát hiện, khẳng định chủ quyền đối với quần đảo này.
Nhưng từ thế kỷ XVII, Việt Nam đã khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa rồi, được thể hiện qua các cứ liệu lịch sử và chính người Trung Quốc và nhiều nước phương Tây từ trước đó cũng đã thừa nhận chúng ta có chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa.
Đến thế kỷ XIX, hoạt động của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa đã được in dấu, thể hiện rất mạnh mẽ. Đó là vua Gia Long, đã khẳng định chủ quyền tuyệt đối, không ai có thể thay đổi, giành giật. Đến đời vua Minh Mạng, thì chủ quyền đó tiếp tục được khẳng định tuyệt đối, cao nhất bằng việc ông đã chỉ đạo cho quân lính ra quần đảo Hoàng Sa, thuyền bè ra vào quần đảo tấp nập, điều này được thể hiện rõ nhất trong Châu bản triều Nguyễn.
Và mới đây, việc chúng ta tìm thêm được bộ Atlas bản đồ thế giới của Philipe Vandemaelen xuất bản năm 1827, trong đó có tấm bản đồ Partie de la Cochinechine có giá trị quan trọng khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tấm bản đồ quý giá đầu tiên này được vẽ một cách tuyệt đối chính xác, đặc điểm địa lý, tên gọi phương Tây của các đảo lớn nhất và quan trọng nhất trong quần đảo Hoàng Sa. Bản đồ đặt trong khu vực Conchinchine là một bộ phận hữu cơ không thể tách rời của Đế chế An Nam, minh chứng một cách rõ ràng và chuẩn xác chủ quyền của Việt Nam ở Paracels đã được quốc tế ghi nhận. Bộ Atlas là tài liệu vô giá không chỉ giúp nâng cao giá trị khoa học chuẩn mực của công cuộc tuyên truyền giáo dục về chủ quyền biển đảo, mà còn là một bằng chứng hùng hồn, đích thực, hiệu quả và có giá trị pháp lý quốc tế cao cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.
Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc. |
Có một điểm trùng hợp là tấm bản đồ này được vẽ năm 1827 (bằng một công nghệ tiên tiến nhất thế giới lúc bấy giờ) – đúng vào thời kỳ vua Minh Mạng thực hiện chủ quyền mạnh mẽ nhất đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Và đây chính là sự thừa nhận của thế giới chủ quyền của nước ta đối với Hoàng Sa. Tất cả các bản đồ của Trung Quốc từ thập kỷ đầu thế kỷ XX trở về trước cũng hoàn toàn thống nhất với bản đồ phương Tây, không vẽ lãnh thổ cực Nam của Trung Quốc vượt xuống dưới vĩ độ 18. Điều này không chỉ phản ánh tính khách quan, chuẩn xác của bộ Atlas, mà còn góp phần làm tăng thêm giá trị làm minh chứng chủ quyền của Việt Nam ở Paracels đã thể hiện trong Partie de la Conchinchine.
Tấm bản đồ Atlas kết hợp với các nguồn tư liệu mà chúng ta có, thì có thể thấy việc Trung Quốc nói họ có “lợi ích cốt lõi” ở Biển Đông chỉ là bịa đặt. Trước đây, họ đã dùng vũ lực để chiếm Hoàng Sa, giờ thì họ dùng hành động phiêu lưu nhằm chiếm thêm lãnh hải Việt Nam. Họ dùng tàu lao thẳng vào tàu Việt Nam là một hành động không thể tưởng tượng vì sao lại có ở một đất nước có nền văn hóa, văn minh rực rỡ. Nó không giống hành động của nước lớn, mà là hành động ăn cướp, khiến cả thế giới phẫn nộ.
Tôi cho rằng, chúng ta phải có thái độ rõ ràng, dứt khoát. Mới đây bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 tại Myanmar đã thể hiện ý chí, quyết tâm, khí phách của dân tộc Việt Nam theo đúng tinh thần của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982. Chúng ta sẽ kiên trì bằng mọi cách, bằng mọi giá để đấu tranh ngoại giao, để nói cho họ biết chân lý thuộc về ai. Trung Quốc có cách hành xử ngạo mạn, bất chấp như vậy chỉ làm mất đi hình ảnh của một đất nước có nền văn minh rực rỡ. Thật phiêu lưu nực cười khi Trung Quốc tưởng tượng ra “đường lưỡi bò” rồi bất chấp đạo luật và đạo lý để hiện thực hóa sự tưởng tượng đó.
Nếu kiện ra Tòa án quốc tế, chúng ta sẽ chắc thắng bởi tư liệu lịch sử của chúng ta dầy dặn, chính xác tuyệt đối trong khi tư liệu của họ là ngụy tạo, giả dối. Thế giới ngày càng văn minh, sẽ hành xử đúng luật và Tòa án quốc tế sẽ là trọng tài để xác định chân lý thuộc về chúng ta. Tôi vẫn tin chúng ta “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn. Lấy chí nhân để thay cường bạo”. Việc kiên quyết bảo vệ chủ quyền của Đảng, Chính phủ và nhân dân ta là hành động chính nghĩa, đại nghĩa”.
PGS.TS Vũ Như Khôi, chuyên gia sử học, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng: Nhiều học giả và người dân Trung Quốc cũng phản đối “đường lưỡi bò” ảo tưởng “Vấn đề Biển Đông chứa đựng nhiều sự phức tạp, nhưng quá trình phát triển lịch sử của đất nước ta từ nhiều năm nay đều khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Trước đây, Trung Quốc cũng không đặt ra vấn đề xác định chủ quyền đối với Hoàng Sa, bản đồ của họ chỉ xác định đảo Hải Nam là biên giới cuối cùng của họ. Gần đây, Trung Quốc mới đặt ra vấn đề chủ quyền tại một số quần đảo ở Biển Đông, họ tự vẽ ra “đường lưỡi bò” một cách phi lý, ảo tưởng, khiến chính nhiều học giả và nhân dân Trung Quốc phản đối không chấp thuận. “Đường lưỡi bò” thiếu kinh độ, vĩ độ, thiếu cả căn cứ pháp lý. Rất dễ nhận ra ý đồ của Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông và dư luận thế giới cũng đã phản ứng về hành động này. Nhà nước, nhân dân Việt Nam trước sau vẫn muốn giữ quan hệ hòa bình, hữu nghị láng giềng với Trung Quốc. Trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, Trung Quốc đã giúp chúng ta rất nhiều, chúng ta luôn giữ gìn, trân trọng sự giúp đỡ đó. Nhưng hành động khiêu khích, trắng trợn đưa giàn khoan trái phép vào sâu trong thềm lục địa của Việt Nam của Trung Quốc lại là điều phi nghĩa, bất chấp đạo luật, đạo lý. Quan điểm của Đảng, Chính phủ, nhân dân ta rất đúng đắn, phù hợp với xu thế quốc tế và khu vực, chúng ta luôn giữ gìn quan hệ hai nước, yêu chuộng hòa bình và tuyệt đối tôn trọng luật pháp quốc tế. Và chúng ta hoàn toàn tự tin với các căn cứ khoa học và lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa”. |