Truy tặng Trung tướng Phạm Kiệt, nguyên Tư lệnh Công an vũ trang, nguyên thứ trưởng bộ công an danh hiệu Anh hùng LLVTND:

Vị tướng tài ba và một nhân cách lớn

Thứ Tư, 25/07/2012, 14:10
Có lẽ, trong lực lượng vũ trang, ít có vị tướng nào đặc biệt như Trung tướng Phạm Kiệt. Nói là đặc biệt bởi ông đã cống hiến đến tận cùng khả năng cho cách mạng, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và cho lực lượng vũ trang. Trong đó, một nửa đời đầu là tận trung cho Quân đội, nửa đời còn lại tận tụy, hết lòng với lực lượng Công an.
>> Bàn giao nhà lưu niệm Trung tướng Phạm Kiệt

Ngày 25/7/2012, tỉnh Quảng Ngãi và gia đình tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân mà Đảng, Nhà nước truy tặng cho Trung tướng Phạm Kiệt, người con ưu tú của núi Ấn, sông Tra. Niềm vinh dự lớn lao này chứng tỏ cuộc đời, tên tuổi và những đóng góp to lớn của ông đã và sẽ sống mãi trong lòng quê hương, đất nước.

Trưởng thành từ đội du kích Ba Tơ

Trung tướng Phạm Kiệt tên thật là Phạm Quang Khanh, sinh ngày 10/1/1910 tại làng An Phú, nay là thôn Minh Thành, xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Ông là con thứ 10 trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Cụ thân sinh ra ông là Phạm Quang Đình, một nông dân yêu nước và tham gia phong trào đấu tranh chống Pháp từ rất sớm.

Đặc biệt mẹ ông - bà Võ Thị Vàng là một người phụ nữ trung hậu, đảm đang, gánh vác hết mọi việc nhà để tạo điều kiện cho chồng, con tham gia cách mạng. Bản thân bà cũng từng là thành viên của phong trào văn thân. Khi đã ngoài 70 tuổi, sức yếu nhưng bà vẫn lặn lội vượt gần 100km để lên tận căn cứ Ba Tơ thăm, nuôi những đứa con của mình.

Các anh trai và em gái của ông như ông Phạm Ngọc Trân, bà Phạm Thị Trinh cũng đều tham gia cách mạng từ rất sớm và sau này giữ nhiều trọng trách quan trọng như Trưởng ty Công an đầu tiên của Quảng Ngãi và phụ trách Hội Phụ nữ cứu quốc tỉnh Quảng Ngãi.

Sơn Tịnh không chỉ nức tiếng với vẻ đẹp hữu tình của núi Ấn - sông Trà mà còn nổi tiếng là một trong những miền quê nghèo nhất nước. Dường như chính sự nghèo khó cùng cực và với truyền thống gia đình đã tạo nên tính cách gai góc, kiên cường, thẳng thắn, chính trực của những người con ưu tú như Phạm Kiệt. 15 tuổi, người trai Phạm Kiệt đã tham gia phong trào văn thân chống Pháp và hoạt động yêu nước.

Năm 1929, ông đã cùng các đồng chí thành lập tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí hội tại huyện nhà và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương phụ trách công hội đỏ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tướng Phạm Kiệt kiểm tra cao xạ pháo Điện Biên Phủ năm 1954.

Tháng 6/1931, ông bị mật thám Pháp bắt giam tại nhà lao Quảng Ngãi rồi đưa lên nhà lao Lao Bảo. Do xác định ông là nhà cách mạng đầu sỏ, nguy hiểm nên chỉ vài ngày sau, lập tức chúng chuyển ông về nhà tù ở Buôn Ma Thuột, nơi giam giữ những nhà cách mạng “cứng đầu” như Nguyễn Chí Thanh, Trương Quang Giao. Trong những ngày bị giam cầm tại đây, ông đã cùng các nhà hoạt động cách mạng khác tổ chức chi bộ nhà tù tập huấn bí mật về lý luận và phương pháp vận động quần chúng cho các đảng viên mới. Đặc biệt, ông là một trong những người quyết tâm và tích cực tổ chức vượt ngục cho một số nhà cách mạng, trong đó có Nguyễn Chí Thanh.

Cuối năm 1943, ông và một số tù chính trị khác được đưa về quản thúc tại Căn An Trí Ba Tơ.

Năm 1944, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi được tái thành lập và Phạm Kiệt giữ chức vụ Tỉnh ủy viên.

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, lúc này chỉ thị từ Trung ương “Nhật đảo chính Pháp-hành động của chúng ta” tuy chưa vào đến nơi nhưng bằng sự nhạy bén của mình, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi đã quyết định cướp đồn Ba Tơ, giành chính quyền về tay nhân dân Ba Tơ. Nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy khởi nghĩa Ba Tơ đã được Tỉnh ủy lâm thời giao cho Phạm Kiệt.

Cuộc giằng co, đấu trí giữa lực lượng cách mạng và quân lính đồn Ba Tơ diễn ra căng thẳng từ chập tối ngày 10/3/1945 cho đến rạng sáng ngày 11/3, quần chúng cách mạng đã chiếm đồn Ba Tơ, bắt tất cả sỹ quan và quân lính trong đồn, giải tán chính quyền phản động, giành thắng lợi hoàn toàn mà không hề đổ máu, hy sinh một ai.

Ngày 13/3/1945 đội du kích Ba Tơ chính thức thành lập và Phạm Kiệt được Tỉnh ủy giao làm chỉ huy trưởng. Sau Cách mạng Tháng 8, quân du kích Ba Tơ lan tỏa đi khắp liên khu V và Nam Bộ. Những người du kích Ba Tơ năm xưa sau đó đã trở thành lực lượng nòng cốt và tiền thân của QĐND Việt Nam.

Người góp công xây dựng lực lượng QĐND và CAND

Trong vòng 30 năm (từ 1945 đến 1975) là quãng thời gian Phạm Kiệt phải “chia đều” để phục vụ cả trong Quân đội lẫn Công an. Dù ở cương vị nào, ông cũng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Chỉ tính riêng 15 năm công tác trong Quân đội, đồng chí Phạm Kiệt được giao đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng: Chỉ huy trưởng Ủy ban quân chính Nam phần Trung Bộ (1945); Tổng đội trưởng quân sự trường Lục quân Quảng Ngãi; Phó hiệu trưởng trường Lục quân Trần Quốc Tuấn (1952); đặc phái viên của Tổng Tư lệnh và phụ trách công tác bảo vệ mặt trận tại chiến dịch Điện Biên Phủ (1954); Cục trưởng Cục Bảo vệ (1957), Bí thư Đảng ủy Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam (1957-1960).

Trong đó, có nhiều chiến dịch đã lưu lại đậm nét dấu ấn cá nhân của ông. Đó là chiến dịch Mađrắc, 101 ngày đêm bảo vệ Nha Trang thắng lợi làm cho quân Pháp ở phần Nam Trung Bộ nao núng, khiếp đảm. Sau này, tại chiến dịch Điện Biên Phủ, Phạm Kiệt cũng chính là người duy nhất mạnh dạn đề xuất với Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp thay đổi cách đánh “nhanh” sang đánh “chắc”.

Năm 1960, đồng chí Phạm Kiệt được Đảng và Bác Hồ điều sang làm Thứ trưởng Bộ Công an: “Quân đội cũng rất cần chú. Nhưng nay Bác và các đồng chí lãnh đạo muốn điều chú sang Bộ Công an vì bên đó đang thiếu cán bộ rành về chỉ huy quân sự”.

Đầu năm 1961, Đảng và Bác Hồ lại giao thêm cho ông một nhiệm vụ vừa làm Thứ trưởng Bộ Công an, vừa làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Công an nhân dân vũ trang (CANDVT).

Dẫu thời gian ông gắn bó với lực lượng Công an cũng kéo dài 15 năm (từ 1960-1975) như thời gian ông phục vụ trực tiếp trong Quân đội song đây lại là khoảng thời gian ông đảm nhận nhiều trọng trách lớn, vinh dự và tự hào nhất trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Bởi lẽ, CANDVT hay còn gọi là “Bộ đội quân hàm xanh” thời ấy được giao cùng một lúc nhiều nhiệm vụ nặng nề khác nhau, từ bảo vệ biên cương - biển đảo của Tổ quốc; chống phá kế hoạch nhảy dù, xâm nhập biên giới biển đảo của bọn biệt kích Mỹ -ngụy cho đến bảo vệ Bác và lãnh đạo Nhà nước; bảo vệ các cơ quan Trung ương trọng yếu…

Với một khối lượng công việc “khổng lồ” như vậy nhưng với bản chất thẳng thắn, trung thực, luôn hết lòng yêu thương cán bộ chiến sỹ; đặt lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc lên trên hết, Trung tướng Phạm Kiệt đã hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, trở thành vị thủ lĩnh, người anh cả khả kính của lực lượng CANDVT ngày đó.

Đầu năm 1973, Trung tướng Phạm Kiệt được vinh dự tháp tùng lãnh tụ Phidel Castro và Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào thăm vùng giải phóng Quảng Trị. Sau chuyến đi dài ngày này, những bệnh tật do gần 15 năm bị tù đày trước cách mạng bắt đầu quay lại quấy phá khiến sức khỏe của ông ngày càng giảm sút. Đảng và Nhà nước đã đưa ông sang CHDC Đức để chữa trị.

Về nước, ông tiếp tục được Giáo sư Tôn Thất Tùng và các bác sỹ nổi tiếng khác trực tiếp điều trị nhưng do tuổi cao, sức khỏe có hạn nên ông đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 23/1/1975. Ghi nhận những đóng góp đặc biệt của Phạm Kiệt, vào ngày ông ra đi, Đảng và Nhà nước đã truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh - Huân chương cao quý tặng cho cá nhân đầu tiên trên cả nước.

Vị tướng được Bác Hồ tặng ba “báu vật”

Một trong những niềm vinh dự, tự hào lớn nhất trong đời của Trung tướng Phạm Kiệt là luôn được Bác Hồ dành cho một cảm tình và niềm tin đặc biệt.

Lần đầu tiên Phạm Kiệt được gặp Bác Hồ, đó là vào năm 1950, khi ông được điều ra Việt Bắc để chuẩn bị đi Trung Quốc bồi dưỡng thêm kiến thức về quân sự. Khi vừa bước vào lán nơi Bác làm việc, Bác đứng dậy và vỗ tay: Chú Đê-Tơ (bí danh của Phạm Kiệt tại Quân khu V) vào đây! Sau khi hỏi thăm sức khỏe, gia đình, Bác nói: “Nghe các đồng chí nói chú xin ở lại chiến đấu rồi đi học sau. Bác cũng nghĩ nên như thế”. Sau đó Bác trìu mến và dí dỏm: “Chú mà đi học về thì còn giặc đâu mà đánh!”.

Một vinh dự khác đến với Phạm Kiệt là sau chiến dịch Biên Giới, một đồng chí chỉ huy tặng Bác khẩu Cacbin chiến lợi phẩm, Bác đã gọi ông lên và trao lại khẩu Cacbin 585440 này rồi nói: “Chú là người xông pha trận mạc, cần thứ này hơn Bác, Bác tặng chú đấy…”. Khi gia đình, vợ và hai con đồng chí Phạm Kiệt ra Việt Bắc năm 1954, Bác Hồ lại tặng bà Trần Thị Ngộ, vợ ông một khẩu súng lục hiệu Mode 6,35 ly số 707271 và dặn: “Cô dùng nó để bảo vệ các cháu cho chú yên tâm nơi chiến trường nhé”.

Rồi vào tháng 5/1954, Bác Hồ gọi tướng Phạm Kiệt lên và tặng ông một chiếc radio. Bác vui vẻ nói: “Đây là chiếc đài Tướng De Castries dùng suốt chiến dịch Điện Biên Phủ. Chú Vương Thừa Vũ tặng Bác, nay Bác tặng lại cho chú vì đã có công đặc biệt xuất sắc góp phần thắng lợi Điện Biên Phủ”.

Cả ba hiện vật quý này đều được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Đặc biệt, trong thời gian Phạm Kiệt phục vụ ở Quân đội hay khi đã chuyển sang Công an, đi công tác ở đâu Bác cũng gọi Phạm Kiệt theo cùng.

Nhớ về vị thủ trưởng của mình, Thiếu tướng Nguyễn Tấn, nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, người từng được Trung tướng Phạm Kiệt tin cậy, giữ làm Bí thư riêng từ năm 1964 đến năm 1975 tâm sự: Khi anh chuyển bệnh nặng, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đến thăm anh. Trên giường bệnh, anh hay nói đến điều day dứt nhất của lòng mình là “Tôi được Đảng, Bác giao phụ trách lực lượng CANDVT nhưng gần 15 năm nay tôi chưa lo được gì. Mong các anh giúp đỡ để lo cho lực lượng vũ trang về tổ chức, đỡ khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ…”.

Tấm lòng và nhân cách ấy sẽ còn sống mãi với quê hương Quảng Ngãi, với lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân

Thái Huyền
.
.
.