Vì sao 2 "động lắc" Song Ngọc và Bin Bo tồn tại dai dẳng?

Thứ Hai, 04/04/2005, 13:46

Nếu như  Song Ngọc trá hình dưới bảng hiệu karaoke thì Bin Bo lại dùng chiêu bài khách sạn và điều giống nhau của các "liều mạng… gia" La Thanh Sơn, Bùi Sỹ Chu (Dũng "đinh") là đều đã bị đình chỉ kinh doanh từ năm 2004, nhưng vẫn cứ làm liều.

Theo hồ sơ vi phạm của karaoke Song Ngọc (161 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh), vào năm 2003, điểm kinh doanh này (mang bảng hiệu karaoke Tài Nguyên) đã có đến 3 lần vi phạm, bị Đoàn kiểm tra liên ngành 814 quận Bình Thạnh lập biên bản vào ngày 27/2, 17/3 và 27/3.

UBND quận Bình Thạnh còn có Quyết định số 1878 phạt chủ doanh nghiệp số tiền 8,2 triệu đồng về các lỗi vi phạm sử dụng lao động không hợp đồng, không khám sức khỏe khi tuyển dụng lao động, hoạt động karaoke sau 24 giờ, sử dụng đĩa nhạc chưa được phép lưu hành v.v… và quyết định "… đình chỉ các hành vi trái phép nêu trên". Thế nhưng, karaoke 161 Điện Biên Phủ vẫn tiếp tục hoạt động sau khi đổi bảng hiệu Tài Nguyên trở thành Song Ngọc, chỉ thêm một tờ giấy ủy quyền do chủ doanh nghiệp là bà Dương Thị Hồng ủy quyền cho ông La Thanh Sơn (37 tuổi).

Tai tiếng của tụ điểm Song Ngọc ngày càng nổi hơn về các kiểu lắc và ăn chơi thác loạn. Và gần 1 năm sau đó, ngày 9/1/2004, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy Công an quận Bình Thạnh lại bắt quả tang việc sử dụng ma tuý (thuốc lắc) tại điểm này. Từ kết quả điều tra vụ án, Công an quận Bình Thạnh đã đề nghị xử phạt hành chính 8 triệu đồng đối với La Thanh Sơn và đình chỉ kinh doanh karaoke Song Ngọc.

Ngày 14/4/2004, UBND quận Bình Thạnh đã ra Quyết định 1227 phạt 10 triệu đồng và đình chỉ kinh doanh tại địa chỉ trên. Dù quyết định đình chỉ đã rõ ràng như thế, nhưng karaoke Song Ngọc vẫn ngang nhiên hoạt động cho đến khi bị phanh phui là một "động lắc" trá hình với mọi trò thác loạn vào ngày 9/3 mới đây.

Để tìm câu trả lời cho sự tồn tại khó hiểu của “động lắc” trá hình này, chúng tôi đã lần lượt tiếp xúc với ông Nguyễn Thành Tấn, Phó Giám đốc Sở VHTT phụ trách công tác thanh tra và kiểm tra liên ngành 814. Ông Tấn cho biết, cái khó nhất của lực lượng 814 là không có cán bộ chuyên trách, mãi gần đây mới thành lập Phòng 814 với 7 cán bộ chuyên trách, nhưng phạm vi kiểm tra của Đoàn liên ngành thì quá lớn không thể quán xuyến hết nên chủ yếu là cấp cơ sở địa phương.  Sự kiện karaoke Song Ngọc là một thiếu sót nghiêm trọng sẽ được xem xét để làm rõ trách nhiệm.

Tương tự như thế, bà Lâm Thị Hoàng Oanh, Phó Trưởng phòng Văn hóa xã hội quận Bình Thạnh cũng nhìn nhận thực tế là công tác kiểm tra của Đoàn 814 cấp quận cũng chỉ mang tính nhắc nhở, răn đe chứ chưa thể hiện được trách nhiệm quản lý triệt để.

Với biên chế cán bộ kiêm nhiệm hiện nay thì khó mà kiểm tra sát sao được các cơ sở kinh doanh "ngành nghề nhạy cảm", chỉ có cấp phường mới nắm rõ được, còn việc khám phá phần lớn thì chỉ trông cậy vào lực lượng Công an. Ngay cả việc xử lý, các đối tượng không chấp hành thì cũng chưa thực hiện được việc cưỡng chế…

Nếu như  Song Ngọc trá hình dưới bảng hiệu karaoke thì Bin Bo lại dùng chiêu bài khách sạn và điều giống nhau của các "liều mạng… gia" La Thanh Sơn, Bùi Sỹ Chu (Dũng "đinh") là đều đã bị đình chỉ kinh doanh từ năm 2004, nhưng vẫn cứ làm liều. Với hơn 10 phòng cho thuê tính theo giờ với giá cắt cổ từ 100.000đ đến 200.000đ/giờ tuỳ theo thời điểm và lượng khách, bọn họ có thể bỏ túi đều đặn trên 10 triệu đồng/ngày chưa cộng vào các khoản lợi nhuận như nước giải khát và cả ma tuý. Điều cần lưu ý là họ không phải đóng đồng thuế nào (bởi không còn giấy phép kinh doanh).

Tại cơ quan điều tra, Dũng "đinh" khai, sau khi thấy Song Ngọc bị "đánh sụp" thì đã định bỏ nghề nhưng vì các "chiến hữu" yêu cầu quá nên nể nang đành mở cửa đón khách lại mới được ba ngày thì bị bắt.

Thực tế từ hai ổ tệ nạn trá hình bị Công an quận Bình Thạnh khám phá cho thấy, công tác quản lý của cơ quan chức năng thực sự còn quá lỏng lẻo, các biện pháp chế tài chưa đủ sức răn đe và thích đáng so với hành vi vi phạm. Thêm vào đó là mức lợi nhuận cao nên các đối tượng bất chấp các quy định pháp luật để hoạt động phạm pháp với mức độ ngày càng quy mô hơn.

Câu hỏi đặt ra là để làm được việc này, các đối tượng phải được sự tiếp tay hoặc ít nhất là làm ngơ của một số người có trách nhiệm tại địa phương?  Không thể giải thích bằng những lý do rất chung chung đã nêu trên mà cần phải làm rõ trách nhiệm của sự tồn tại khó hiểu này để có lời giải đáp thuyết phục hơn đối với dư luận xã hội

Nguyễn Đặng
.
.
.