Về với làng Ho anh hùng

Thứ Sáu, 08/05/2009, 08:26
Trong những năm xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, làng Ho chính là địa chỉ đỏ của Bộ đội Trường Sơn và Thanh niên xung phong (TNXP). Chính nơi này, Quân ủy Trung ương quyết định mở đường cơ giới Thạch Bàn, làng Ho, làng Ho-Khe Sanh để chuẩn bị cho chiến dịch Khe Sanh và Mậu Thân năm 1968. Đây cũng chính là điểm tập kết lực lượng, quân lương chuẩn bị cho chiến dịch đường 9 Nam Lào năm 1971…

Hơn 30 năm sau ngày đất nước ca khúc khải hoàn, đồng bào các dân tộc ở làng Ho đang nắm chặt tay nhau xây dựng bản làng giàu, đẹp bên đường Hồ Chí Minh đầy sức sống mới.

Đêm trên biên giới làng Ho

Trước khi chuẩn bị cho cuộc hành trình về với đường Trường Sơn huyền thoại nơi ấy có làng Ho, những địa danh phải đi qua như Xà Khía, Vít Thù Lù gợi sự xa xôi, hẻo lánh… đã phần nào làm chúng tôi ái ngại. Nhưng gần đến làng Ho, khi bắt gặp những nếp nhà sàn của bà con dân tộc Vân Kiều chạy dài tít tắp dọc 2 bên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đã đem lại cho chúng tôi cảm giác ấm cúng, yên bình.

Sau hơn 3 tiếng đồng hồ, từ thành phố Đồng Hới chúng tôi đã đến làng Ho anh hùng (xã Kim Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình). Từ làng Ho chỉ cần vượt chưa đầy 10km là chúng tôi có thể đặt chân tới nước bạn Lào. Nơi chúng tôi đứng là đường Trường Sơn với nhiều nhánh xẻ dọc, ngang nối liền với nước bạn anh em.

Chính trên những đoạn đường Trường Sơn này, bộ đội Việt Nam và Ba Thét Lào đã lập nên những kỳ tích trong thế kỷ XX. Khát vọng tự do, niềm tin yêu chân lý hòa bình đã thắp lửa trong trái tim của hàng vạn chàng trai, cô gái tuổi 20 bộ đội Trường Sơn và TNXP.

Chiều biên giới mặt trời đi ngủ sớm. Khi khói sương chiều bảng lảng trên nóc các nhà sàn của bà con Vân Kiều, tôi thả bộ về căn nhà sàn khang trang của ông Nguyễn Quyền. Ông Quyền nguyên là chiến sĩ Tiểu đoàn 301, Trung đoàn 70. Sau hàng chục năm cầm súng giáp mặt với quân thù, hòa bình ông về với bản làng Vân Kiều và trở thành người kể sử ở làng Ho.

Bộ đội Biên phòng Làng Ho nói chuyện với người dân về đổi mới sản xuất.

Đêm biên giới yên ắng đến kỳ lạ. Bên đống lửa to, ông Quyền đưa chúng tôi trở về với những câu chuyện chưa xa. Bước sang những năm 1965-1972, đó là những ngày tháng ác liệt nhất. Có giai đoạn máy bay Mỹ đánh 101 ngày đêm liên tục vào làng Ho để hòng đốt cháy kho chứa gạo, súng đạn và bộ đội của Binh trạm 27 của Đoàn 559. Làng Ho trở thành tọa độ lửa, và là tuyến hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam.

Khu vực này chủ yếu là nơi bộ đội và thanh niên xung phong đóng quân và một số hộ dân đồng bào dân tộc Vân Kiều sinh sống. Lúc đầu, bà con dân tộc cũng không biết bộ đội, TNXP là ai. Song ngày một ngày hai, bà con dân tộc nơi đây đã sát cánh chung sức với bộ đội để đánh lại thằng Mỹ, ông Quyền bảo vậy.

Dân bản phân công thanh niên khỏe mạnh ra giúp bộ đội làm đường, dựng lán, vận chuyển gạo, đạn dược… Bộ đội dạy cho bà con dân bản học chữ, tập hát những bài ca cách mạng. Dân bản, bộ đội, TNXP đã gắn bó keo sơn để rồi chính họ làm nên những nhánh đường Trường Sơn huyền thoại.

Giờ đây đi trên những đoạn đường Trường Sơn như Vít Thù Lù đi Hướng Lập, bên vực sâu bên đèo cao dựng đứng, chúng tôi thật khó tưởng tượng chỉ bằng cuốc, xẻng cầm tay họ đã làm được những con đường như vậy. Và từ làng Ho, hàng vạn tấn hàng đã được vận chuyển vào chiến trường Khu V, Nam Lào giữa mưa bom, bão đạn...

Người tiên phong xóa đói nghèo ở làng Ho

Câu chuyện về thời chiến ở làng Ho do ông Quyền kể bỗng "tắt nửa chừng" khi nhiều bà con Vân Kiều chen ngang: "Phải kể chuyện làng Ho bây giờ cho nhà báo biết chớ".

Ông Hồ Đậu, người Vân Kiều của làng Ho với 64 tuổi đời, 25 năm tuổi Đảng hồ hởi kể: Làng Ho chỉ có 2 bản Horum và bản Trung Đoàn. Trước đây bà con dân tộc chủ yếu là đói nghèo, nhưng từ khi nhà nước làm đường Hồ Chí Minh như dải lụa chạy qua làng, 100% bà con dân tộc Vân Kiều nơi đây đã thoát nghèo.

Cuộc sống dựa vào núi rừng, khe suối để đánh bắt con thú, con tôm trước đây của bà con đã được thay vào các phương thức canh tác mới. Giờ đây, người dân biết làm nương, làm rẫy, chăn nuôi gia súc, gia cầm và cuộc sống bao đời đói nghèo của họ đã bị đẩy ra xa, nhanh chóng đến kỳ lạ.

Từ chương trình 134, 135 đầy chất nhân văn của Chính phủ, đồng bào dân tộc Vân Kiều cũng như bao nơi khác trên đường Trường Sơn đã được tiếp cận với hệ thống cơ sở hạ tầng để thay đổi bản làng.

Hồ Đậu khoe: "Trước đây nhà mình nghèo lắm, nhưng được Bộ đội Biên phòng và cán bộ dưới lên cho các giống cây, lúa mới, lại bày cho cách trồng nên nhà mình hết nghèo".

Làng Ho chưa có điện, Hồ Đậu đã về xuôi mua máy phát điện để cho người dân làng Ho xem tivi, nghe đài. "Phải biết chuyện trong nước và thế giới chớ, nhiều khi họ bày cho mình cách làm ăn, bà con mình phải xem tivi, nghe đài mới biết, mình mua là để cho bà con làng Ho mình xem mà thay đổi cuộc sống đó chớ". Hồ Đậu bảo vậy.

Đêm đến, nhà Hồ Đậu trở thành điểm văn hóa của bà con Vân Kiều ở vùng biên giới này. Không chỉ làm giàu cho bản thân, Hồ Đậu còn tích cực vận động bà con trong bản chăm lo phát triển kinh tế, bảo vệ rừng và cột mốc biên giới. Nhiều bà con ở Làng Ho cho rằng, bà con nơi đây nhanh chóng thoát nghèo công trước hết là nhờ các anh Bộ đội Biên phòng. Chính sự giúp đỡ, cầm tay chỉ việc của Bộ đội Biên phòng giúp bà con thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, xóa bỏ hủ tục, cho con được đến trường học chữ...

Chia tay làng Ho, chúng tôi về xuôi mang theo tâm tư của bà con dân bản Vân Kiều: Mong mỏi lớn nhất của bà con chính là nguồn điện lưới làm bừng sáng vùng rừng núi biên giới nơi này. Làng Ho sẽ tiếp tục đổi mới, phát triển nhanh chóng khi đường điện chạy qua làng như đường Hồ Chí Minh hôm nay

Dương Sông Lam
.
.
.