Về nơi nóng nhất Đông Dương

Thứ Tư, 08/07/2009, 08:22

Tương Dương là huyện miền núi rẻo cao xứ Nghệ - nơi đây được coi là tâm điểm nóng nhất Đông Dương. Đồng bào Tương Dương rất sợ tiếng ve gọi hè, vì nó báo hiệu một mùa nắng nóng sẽ đến. Tất cả mọi sinh vật trên địa bàn đều phải đương đầu với nắng nóng kinh khủng và gió Lào khắc nghiệt…

Đến "lò sấy" Tương Dương

Những ngày cuối tháng 6, vào đúng dịp nắng nóng, chúng tôi từ thành phố Vinh lên Tương Dương công tác, vừa đi đến thị trấn Con Cuông thì xe nổ lốp trước, may đi chậm và đường vắng nên con Ma-gic chỉ lạng vào vệ đường rồi nằm đứ đừ dưới cái nắng nóng đến ngột ngạt.

Dắt xe vào hiệu sửa xe gần đó, bác thợ nhìn chúng tôi lắc đầu: "Các bác đi trời nắng như thế này thì khoảng 30km nên dừng lại cho xe nghỉ một chút rồi đi tiếp. Chứ đi từ Vinh đến đây 200km mà không nghỉ chỉ nổ và chảy nhựa lốp, chưa cháy xe là may lắm rồi".

Thay xăm lốp xong, chúng tôi tiếp tục lên đường. Càng đi cái nóng càng ập vào người như rang trên chảo lửa. Mồ hôi vã ra như tắm, thoáng chốc quần áo cong queo loang lổ trắng chỗ mồ hôi khô từ đường nhựa ập vào mặt bỏng rát. Tôi cảm thấy hoa mắt như có lửa đang chuẩn bị cháy trước mắt. Đến rừng Săng lẻ xã Thạch Giám, cửa ngõ của Tương Dương, được coi là chiếc máy điều hoà khí hậu tuyệt vời nhưng bây giờ nhiệt độ cũng chỉ hạ hơn bên ngoài chút ít.

Người và trâu đầm mình dưới nước tránh nắng.

Từ rừng Săng lẻ đến thị trấn Hoà Bình (Tương Dương), chúng tôi thấy rất ít người đi lại. Ông Vi Đình Triêm ở bản Ang, xã Xá Lượng nói: "Tầm 10h sáng đến 4 giờ chiều đi ra đường như đội cái chảo lửa trên đầu thì ai mà dám ra". Ông Triêm tâm sự: "Trước đây cũng nắng nóng, nhưng không nóng bằng 10 năm trở lại đây. Năm 2007, có 3 buổi trưa liền nhiệt độ lên đến hơn 42,2 độ C. Mọi vật nhìn như sắp bốc cháy đến nơi, nhà cửa đều biến dạng vì bị co rút cong vênh, hở hoác, cá chết trắng sông Lam. Ruộng nương đều bị cháy hết; trâu bò lợn gà chết nhiều lắm. Không ít người chết được xác định có liên quan đến nắng nóng. Bà con ở đây cứ nghe tiếng ve gọi hè là sợ nắng nóng hơn sợ cọp".

101 kiểu… trốn nắng

1.368 hộ dân thuộc các dân tộc: Kinh, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu, Tày, Hoa, Tạy Hạy của xã Xá Lượng trải rộng trên diện tích 1697,8ha nằm gọn trong địa phận Cửa Rào, như nằm giữa một cái chảo rang khổng lồ.

Chủ tịch  xã Xá Lượng Lương Xuân Thắng ngồi trong căn phòng Ủy ban mồ hôi nhễ nhại thở dài: "Nóng quá nhà báo ơi! Cứ đà này thì chết mất thôi! Trâu bò cũng lăn ra chết như thế thì người cũng khó sống. Xã này mới chết 2 con trâu ở Cửa Rào 2; Lúa trên nương cháy xác xơ như cỏ may".

Chúng tôi đến bản Cửa Rào 1 và Cửa Rào 2, hai bản này nằm hai bên bờ của thượng nguồn sông Cả, thấy người dân hầu như vườn không nhà trống, rất ít người ở nhà. Họ đi ra khe, suối  hoặc vào hang trú nóng. Dân bản thiếu nước trầm trọng, phải vào trong rừng sâu cõng nước về. Nóng cháy người như thế này người lớn còn đỡ chứ tội trẻ con lắm, đêm không ngủ được cứ khóc ngằn ngặt, phải bồng ra khe cho nó ngủ.

Sống trong "lò sấy Đông Dương" nên  người dân nơi đây chỉ còn cách rủ nhau vào khe trú nóng. Dọc cánh rừng Pà On, Cửa Rào, người dân của 12 bản thuộc xã Xá Lượng thường đến đây để trú nóng. 5 hang đá của dãy Pù Huông  là địa điểm tốt để bà con vào trú. Đi đến đâu chúng tôi cũng thấy trẻ em, trâu bò dầm mình dưới khe suối. Có nhiều người không chịu được nắng nóng đã lấy hang đá làm nhà. Học sinh được bố trí học vào buổi sáng… Mấy ngày qua nắng nóng đã làm cho các bệnh viện huyện và trạm xá các xã quá tải.

Bác sĩ Nguyễn Hùng, Bệnh viện Tương Dương cho biết: "Tại Bệnh viện huyện Tương Dương trẻ em đến điều trị tăng đột biến. Nguyên nhân được xác định là do nắng nóng. Các bệnh trẻ em thường gặp vì nắng nóng chủ yếu như lên sởi, sốt, rối loạn tiêu hóa, cảm nắng…”.

Anh Lữ Văn Chôm, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Tương Dương cho biết: "Chính vì thời tiết nắng nóng như vậy nên rất dễ xảy ra cháy rừng. Vụ cháy rừng trầm trọng nhất là tháng 4/2005, cháy rừng phòng hộ ở xã Lưu Kiền. Sau 4 ngày mới dập tắt được đám cháy. Hơn 200 ha rừng bị biến thành tro. Thời gian gần đây, nhất là chiều 11/6, tại bản Liên Hương, xã Tam Quang, do thời tiết khô nóng, người dân bất cẩn đã gây ra cháy lớn, làm thiêu hủy toàn bộ 11 ngôi nhà, trong đó 1 nhà công vụ của giáo viên làm 7 người bị thương…".

Anh Nguyễn Xuân Tiến, Trưởng phòng Dự báo đài khí tượng thuỷ văn Bắc Trung Bộ cho biết: "Ở vùng Cửa Rào, Tương Dương là trung tâm của foehn hay còn gọi là điểm gió Lào xâm nhập. Gió thường xuất hiện từ đầu tháng tư đến giữa tháng chín, thường bắt đầu thổi từ 8-9h sáng cho đến chiều tối, thổi mạnh nhất từ khoảng gần giữa trưa đến xế chiều. Gió khô và nóng, làm cho khí hậu các vùng nói trên trở nên khắc nghiệt. Độ ẩm có khi xuống 30% trong khi nhiệt độ có khi lên tới 43 độ C. Cửa Rào Tương Dương là nơi nóng nhất. Cao hơn ở những nơi khác 1-2 độ C".            

"Theo thống kê, thời gian làm việc của người nông dân ở nông thôn Bắc Trung Bộ ít hơn so với đồng bằng Bắc Bộ do môi trường làm việc nắng nóng hơn. Do đó, ước tính tổng số chênh lệch sản phẩm năm 2008 ở Nghệ An, Hà Tĩnh bị giảm so với môi trường làm việc ở đồng bằng Bắc Bộ là 211 tỉ đồng. Nếu tính chi phí chống nóng cho mỗi người trong một ngày có gió Lào khoảng 1.000 đồng thì cả mùa hè nắng nóng đã làm thiệt hại của Nghệ An, Hà Tĩnh 325 tỉ đồng". P.V

Tiến Dũng
.
.
.