Về nơi hoàn táng vua Lê Dụ Tông
>> Hoàn táng di hài vua Lê Dụ Tông
Tháng 2/1958, tại khu "rừng cấm" um tùm cây cối của làng Bái Trạch, xã Xuân Giang hiện nay, người nông dân tên là Đỗ Văn Lương tình cờ phát hiện một ngôi mộ cổ lớn. Trước đó, đây là khu vực khá hoang vắng, thâm nghiêm với ba hàng bia đá dựng phía trước lăng, và dân làng chỉ gọi là "lăng vua" thôi, còn thì không biết lăng của vị vua nào và xây từ bao giờ. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, lăng bị tàn phá nhiều, mất dần dấu tích. Sau đó, một số hộ dân đến đây khai hoang, dựng nhà để ở và ngôi mộ dần phát lộ.
Khi vừa phát hiện ngôi mộ cổ vào năm 1958, nhiều người đã đoán đó là mộ vua Lê Dụ Tông (1679- 1731), tên thật là Lê Duy Đường, đời vua thứ 23 (vua thứ 22) của nhà Hậu Lê...
Sau khi đã cân nhắc rất cẩn thận mọi chuyện xung quanh việc khai quật mộ, Chính phủ cho phép đưa thi hài vua Lê Dụ Tông lên vì mục đích khoa học. Ngày 2/4/1964, Đội Khảo cổ tiến hành khai quật và quan tài đã được mang về Hà Nội nghiên cứu, thi hài Lê Dụ Tông được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Sau một thời gian trưng bày khoảng 4 năm, Bảo tàng Lịch sử đã đưa thi hài vua vào nhà bảo quản trong điều kiện đặc biệt.
Các nhà khoa học vào cuộc, nhanh chóng xác định người nằm trong mộ là vua Lê Dụ Tông.
Tháng 4/1964, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã công bố báo cáo đầy đủ quá trình phát hiện, khai quật và nghiên cứu mộ cổ, như kết cấu, chất liệu và kích thước quan, quách mộ, cách thức khâm liệm, số lượng, loại hình, tên gọi và tình trạng hiện vật tuỳ táng, tình trạng di hài, những giá trị khoa học và lịch sử quan trọng của ngôi mộ này. Sau đó, tháng 8/1987, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cùng các chuyên gia của Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Viện Pháp y và Viện Khảo cổ học họp bàn về các phương pháp nghiên cứu và bảo quản thi hài nhà vua, kéo dài tuổi thọ cho những hiện vật tùy táng, cùng với việc nghiên cứu, tìm hiểu, khai thác những giá trị khoa học, lịch sử, văn hóa, phong tục… xung quanh ngôi mộ cổ này.
Khu vực lăng mộ vua Lê Dụ Tông đang được xây dựng. |
Theo đánh giá của các sử gia, triều đại vua Lê Dụ Tông trị vì khá thịnh trị và là triều Lê duy nhất không có nạn binh đao (nội chiến Lê - Mạc hơn 100 năm vừa chấm dứt, và cuộc chiến Trịnh - Nguyễn thì chưa xảy ra). Khi lên ngôi vào tháng 4/1705, vua Lê Dụ Tông đã miễn hai phần mười thuế vụ hạ cho dân, ân xá những thuế khóa còn thiếu từ năm Quý Mùi (1703) trở về trước, những dân lang bạt ở Thanh, Nghệ và tứ trấn được phép đến cửa khuyết tâu bày tình trạng, sẽ liệu lượng cho giảm phu thuế, lao dịch. Trong suốt thời gian ở ngôi, mặc dù vua Lê Dụ Tông không nắm nhiều quyền bính vì lúc này thực lực quốc gia đã nằm trong tay các chúa Trịnh.
Song hành với vua Lê Dụ Tông là chúa Trịnh Cương (1716-1729), một nhân vật vào hàng lỗi lạc của dòng họ chúa Trịnh, người duy nhất trong lịch sử cổ trung đại Việt Nam tổ chức một cuộc cải cách tài chính, đẩy mạnh quá trình tư hữu hóa ruộng đất, tăng cường kinh tế hàng hóa, tiền tệ, phát triển công (chủ yếu là thủ công nghiệp), thương (kể cả nội ngoại thương) đưa đất nước tiến lên.
Thanh minh, chúng tôi trở lại thăm Thọ Xuân, vùng đất khởi phát vương triều nhà Lê, và cũng để thắp hương tại mộ hoàng đế Lê Dụ Tông. Khu vực lăng mộ vua Lê Dụ Tông đang được thi công, nhưng suốt hơn 60 ngày qua, luôn nghi ngút khói hương của con cháu họ Lê, nhân dân địa phương và du khách đến thăm viếng. Vùng đất Bái Trạch nơi vua yên nghỉ cũng đang từng ngày đổi thay, trên gương mặt người hân hoan phấn khởi. Mộ vua nằm trên một doi đất tương đối bằng phẳng, thoáng đãng ven con sông
Theo nhà nghiên cứu Phan Bảo, lăng mộ các vua nhà Hậu Lê dù phát lộ hay chưa, đều được an táng dọc con sông Chu huyền thoại là một trong số rất ít con sông của nước ta có nguồn nước ngọt nhất, sạch nhất và mềm nhất này.
Khi chọn địa điểm hoàn táng cho vua Lê Dụ Tông tại trang Bàn Thạch cổ này, nhiều người ở địa phương đã tính đến việc khu lăng mộ này sẽ hợp với phần mộ hai vị vua thời Lê Trung Hưng nữa, thành khu di tích lăng tẩm Bàn Thạch, cùng với Lam Kinh, đền vua Lê Hoàn thời tiền Lê; tạo thành thế chân vạc thuận lợi cho phát triển du lịch tâm linh trên địa bàn huyện Thọ Xuân.
Năm 1729, vua Lê Dụ Tông nhường ngôi cho con thứ là Lê Duy Phường (cháu ngoại chúa Trịnh Cương). Cùng năm, chúa Trịnh Cương mất, thế tử là Trịnh Giang lên nối ngôi, hận vì cha từng có ý định phế bỏ mình, nên mang ý định đổi ngôi vua do cha đặt để ra oai với thần tử. Năm 1732, vua Lê Duy Phường bị phế, lần lượt anh cả là Lê Duy Tường (Lê Thuần Tông) và em thứ 11 là Lê Duy Thận (Lê Ý Tông) lên ngôi. Chúa Trịnh Giang bạo ngược, vì thế, tháng 12/1738, các tôn thất nhà Lê như Lê Duy Mật, Lê Duy Quý (con vua Lê Dụ Tông), Lê Duy Chúc (con Lê Hy Tông) nổi lên chiếm cứ miền thượng du Tây Nam Thanh Hóa chống lại chúa Trịnh ròng rã 30 năm. Như vậy, vua Lê Dụ Tông có tới 3 người con thay nhau nối ngôi vua, hai người con lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống lại chúa Trịnh. Năm 1740, chúa Trịnh Giang bị phế, chúa Trịnh Doanh lên thay, lại thay vua Lê Ý Tông bằng con trai vua Lê Thuần Tông. Những bất ổn chính trị liên tiếp trong thời gian sau đó, được một số sử gia cho là nguyên nhân chính khiến việc nơi chôn cất vua Lê Dụ Tông phải di dời nhiều lần, trước khi phát lộ tại làng Bái Trạch hiện nay. Bởi theo Ngọc phả của họ Lê thì sau khi băng hà, vua Lê Dụ Tông được táng tại khu vực Bố Vệ, Đông Sơn (TP Thanh Hóa ngày nay). Còn theo sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì vua Lê Dụ Tông được táng ở lăng Cổ Đô, xã Cổ Đô, huyện Đông Sơn (nay thuộc huyện Thiệu Hóa,Thanh Hóa), sau lại được dời đi táng ở Lăng Kim Thạch, huyện Lôi Dương (nay là Thọ Xuân, Thanh Hóa). |