Hướng tới kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014)

Về một hội nghị lịch sử

Thứ Hai, 05/05/2014, 08:48
Thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ là đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953-1954 do Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Bác Hồ đã trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo trên tất cả các phương diện chính trị, quân sự và ngoại giao, trong nước và quốc tế. Ngay từ tháng 1/1953, Trung ương Đảng đã họp Hội nghị lần thứ tư (khoá II) từ ngày 25 đến ngày 30 để đưa ra các quyết sách quan trọng về cuộc tiến công chiến lược đó.

Trong Báo cáo khai mạc hội nghị lịch sử này, Bác Hồ đã phân tích rõ ràng tình hình thế giới và trong nước, đồng thời đề ra những nhiệm vụ cụ thể trong “Lãnh đạo kháng chiến và chính sách quân sự” thời gian tới. Người chỉ rõ “Để đánh thắng thực dân Pháp, bọn can thiệp Mỹ và lũ Việt gian bù nhìn chó săn của chúng, ta phải có một quân đội nhân dân thật mạnh và luôn luôn tiến bộ”. Bên cạnh khẳng định những mặt tiến bộ của quân đội ta sau những lớp chỉnh huấn, Bác Hồ cũng thẳng thắn phê bình: “Tuy vậy, một số đơn vị còn mắc những khuyết điểm như: ham đánh to, ăn to, chủ quan khinh địch, tự kiêu tự mãn, tổ chức quá kềnh càng, chế độ tài chính không chặt chẽ, ham chuộng hình thức, cán bộ chưa biết thương yêu chiến sĩ như anh em ruột thịt… Từ nay quân đội ta phải quyết tâm sửa đổi những khuyết điểm ấy”.

Trong “sự chỉ đạo kháng chiến và chính sách quân sự”, Người yêu cầu làm 10 việc cụ thể, trong đó “Phải tăng cường công tác chính trị, luôn nâng cao trình độ chính trị và giác ngộ giai cấp của bộ đội ta phải đảm bảo sự chấp hành chính sách của Đảng và Chính phủ; phải triệt để giữ gìn kỷ luật tự giác về mặt quân sự và về mặt chính trị. Vì vậy cần phải tăng cường sự lãnh đạo Đảng trong quân đội và thực hiện dân chủ trong bộ đội. Cần phải tăng cường và cải thiện dần việc trang bị cho bộ đội, nhất là xây dựng pháo binh”.

Cũng tại hội nghị lịch sử này, Tổng Bí thư Trường Chinh đã trình bày Báo cáo của Trung ương, trong đó xác định rõ quan điểm chỉ đạo và phương châm đánh chắc, tiến chắc cho toàn bộ cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 – 1954: “Ta không chủ quan, khinh địch, không nóng vội, không mạo hiểm. Đánh ăn chắc, tiến ăn chắc. Chắc thắng thì kiên quyết đánh cho kỳ thắng. Không chắc thắng thì kiên quyết không đánh. Nếu chủ quan, mạo hiểm mà một lần thua nặng thì sẽ tai hại lớn…”.

Cán bộ, chiến sĩ Công an làm nhiệm vụ bảo vệ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II chụp ảnh lưu niệm với Chủ tịch Hồ Chí Minh (tháng 2/1951). Ảnh: Bảo tàng CAND.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, sau đợt tấn công lần thứ nhất ngày 13/3/1954, tiếp theo ngày 30/3/1954, ta bắt đầu cuộc tiến công đợt hai vào các ngọn đồi phía Đông. Cuộc chiến giữa ta và địch diễn ra rất gay go và quyết liệt. Kết thúc đợt hai, ta mới chiếm được một nửa đồi A1 và C1. Tình hình tư tưởng ở các đơn vị có vấn đề hữu khuynh, dao động, thiếu quyết tâm. Bộ Chính trị và Bác Hồ đã chỉ đạo học tập, chỉnh huấn và uốn nắn kịp thời.

Ngày 19/4/1954, Bộ Chính trị đã ra nghị quyết “Về tiếp tục thấu triệt phương châm đánh chắc, tiến chắc, đề cao quyết tâm tích cực giành toàn thắng cho Chiến dịch Điện Biên Phủ”. Những thắng lợi đó chứng tỏ sự chỉ đạo đúng đắn của Trung ương và sự trưởng thành của quân đội. Trung ương rất vui mừng nhận thấy các cấp uỷ, các đảng viên, các cán bộ của chúng ta đã cố gắng và tiến bộ nhiều… Nhưng vì cán bộ ta mắc nhiều khuyết điểm: chủ quan khinh địch, chủ quan tự mãn, còn ngại thương vong, mệt mỏi, tinh thần trách nhiệm không đầy đủ, tác phong quan liêu đại khái còn phổ biến; nguyên nhân chủ yếu là vì tư tưởng hữu khuynh còn nghiêm trọng. Vì vậy cho nên đã gây nên ít nhiều tổn thất không cần thiết và hạn chế thắng lợi của ta một phần”.

Trong số các nhiệm vụ đề ra, Nghị quyết đã khẳng định: “…Ra sức khắc phục tư tưởng hữu khuynh, củng cố và đề cao quyết tâm, đề cao tinh thần trách nhiệm trước dân, quân đội và Đảng, kiên quyết sửa chữa khuyết điểm vừa qua, tiếp tục thấu triệt phương châm đánh chắc, tiến chắc, đồng thời tích cực tranh thủ thời gian, triệt để chấp hành mệnh lệnh, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hoàn thành nhiệm vụ, giành thắng lợi cho chiến dịch này”.

Hai ngày sau, ngày 21/4/1954, Ban Bí thư cũng đã có Thư gửi đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Bộ Chính trị đồng ý với nhận định của anh về kết quả hai đợt tấn công của quân ta vừa qua và kế hoạch chuẩn bị hiện nay. Bộ Chính trị nhắc anh chú ý mấy điểm: Vì địch cũng nhận rõ sự quan trọng của trận này, nhất là bọn can thiệp Mỹ ra sức thúc đẩy nên chúng tiếp tục cố gắng đối phó. Chúng có thể: Rút kinh nghiệm giữ đồi A mà tổ chức chống giữ ở khu trung tâm; tập trung hơn nữa máy bay và trọng pháo phá trận địa trọng điểm; ra sức phá hoại đường tiếp tế của ta một cách có trọng điểm. Và nếu chúng tập trung được đủ máy bay và quân nhẩy dù thì khi cần, chúng có thể nhẩy dù ở sau trận địa ta hoặc điểm nào đó có thể giữ trên tuyến đường cung cấp của ta hòng cứu nguy cho chúng. Nhiệm vụ trước mắt của ta là một mặt củng cố quyết tâm giành toàn thắng của quân đội, nhất là của các cấp, nắm vững phương châm “đánh chắc, tiến chắc”; mặt khác đảm bảo cung cấp cho tiền tuyến”.

Như vậy, liên tiếp trong cả hai tài liệu quan trọng này của Bộ Chính trị và Ban Bí thư đều có yêu cầu tiếp tục “thấu triệt” và “nắm vững” phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Ngày 1/5/1954, ta bắt đầu đợt tiến công thứ ba. Nhờ quán triệt sâu sắc và linh hoạt phương châm này, tới ngày 7/5/1954, ta đã giành thắng lợi hoàn toàn. Nhìn lại có thể thấy: ý kiến chỉ đạo của Bác Hồ và Tổng Bí thư Trường Chinh tại Hội nghị Trung ương 4 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội, phương châm “đánh ăn chắc, tiến ăn chắc” và xây dựng pháo binh có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhờ chỉ đạo tăng cường xây dựng lực lượng pháo binh của Bác Hồ từ tháng 1/1953 nên ta đã có lực lượng pháo binh khá mạnh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ gồm trung đoàn lựu pháo 45, trung đoàn sơn pháo 75, 3 tiểu đoàn pháo cao xạ và 4 đại đội súng cối.

Sau 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, giờ đây khi đọc lại thật cẩn trọng các trang biên niên sử của Đảng và Bác Hồ, càng thấy rõ hơn tầm vóc lịch sử của Hội nghị Trung ương 4 (khoá II) tháng 1/1953 và mới có thể phần nào hiểu được rằng tại sao vào thời điểm kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược – trong thư “Mừng ngày sinh nhật Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12/1954”, Bác Hồ đã viết: “Đảng giao cho Bác trực tiếp lãnh đạo. Các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Chu Văn Tấn v.v… thì phụ trách việc tổ chức, huấn luyện chỉ huy”. Trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam vào cuối năm nay (22/12/2014), có lẽ đây cũng là một chủ đề quan trọng cần được nghiên cứu tiếp tục để làm sáng tỏ thêm sự lãnh đạo quân đội trực tiếp tài tình của Bác cùng vai trò và trọng trách của riêng từng người mà trong thời kỳ lịch sử đó đã được Bác nhắc tên

L.T.N.
.
.
.