Về làng Đoài xem chơi diều sáo

Thứ Ba, 12/04/2011, 17:01
Chơi diều cũng có nỗi gian nan, ở làng Đoài cũng đã có người vì khoét sáo mà đứt gân tay, có khi lại toét da tay khi kéo diều về. Ấy thế mà, họ không thể dứt được cái thú chơi này ra được mỗi độ gió về.

"Con diều truyền thống nó như những hạt thóc, củ khoai tung tẩy vút lên trời xanh mang theo bao kỳ vọng về cuộc sống tốt tươi mà những người dân làng Đoài, xã Kim Nỗ, Đông Anh, Hà Nội vẫn tự hào khi nói đến con diều sáo truyền thống của vùng đồng bằng Bắc bộ. Thú chơi diều sáo này đã gắn bó với mỗi con người nơi đây từ tuổi ấu thơ chân đất miết mải chạy trên những cánh đồng.

Sức sống vượt thời gian

Chúng tôi tìm đến thôn Đoài (xã Kim Nỗ, Đông Anh) vào những ngày mới chớm nhập mùa chơi. Từ xa nhưng chúng tôi đã nhìn thấy những cánh diều mỏng như cánh chấu trên bầu trời làng Đoài.

Không mấy vất vả khi tìm đến nhà ông chủ nhiệm Câu lạc bộ diều Thăng Long - Nguyễn Bá Hạnh, một người chơi diều có thâm niên ở làng, vì đứa trẻ lên ba nào cũng biết đến ông. Vừa bước vào nhà của ông Hạnh, những chiếc diều đủ loại được treo khắp nơi không khỏi làm chúng tôi tò mò. Những cánh diều hình thuyền cánh cắt, cái lại cánh bầu, cái thì hình thùng xanh, đỏ. Hào hứng giới thiệu tên loại từng chiếc, ông Hạnh vui vẻ kể cho chúng tôi nghe những kỉ niệm với cánh diều từ thuở ấu thơ.

Từ hồi chăn trâu, cắt cỏ ông đã theo cha, theo chú tha thẩn từ cánh đồng nọ qua cánh đồng kia với những cánh diều sáo u u trên bầu trời. Theo các cao niên của làng Đoài thì thú chơi diều ở đây đã có hơn 500 năm nay, sức sống mãnh liệt của nó vẫn cứ cháy trong mỗi con người làng Đoài này từ đời này qua đời khác.Tại miền Bắc có khá nhiều câu lạc bộ chơi diều lớn nhưng Câu lạc bộ diều Thăng Long do ông làm Chủ nhiệm có số lượng đến gần 50 thành viên. Già có, trẻ có, và không chỉ có cánh đàn ông, mà ngay đến cả phụ nữ cũng đam mê với thú chơi này. Người lớn tuổi nhất cũng đến độ "bát tuần", người trẻ tuổi nhất là em Nguyễn Bá Sang, cháu nội ông Hạnh.

"Diều đã trở thành thú chơi tao nhã của làng Đoài. Không ai biết người đầu tiên chơi diều là ai, trước kia những con diều được làm từ những vật liệu dung dị chỉ là tre, nứa quanh làng, với giấy tàu. Giờ đây nó được làm bằng nhiều vật liệu cải tiến như sợi cacbon, khoác lên những vải "bảy sắc cầu vồng" trông đặc sắc hơn, và nhẹ hơn trước" - ông Hạnh thổ lộ với chúng tôi.

Mỗi một thành viên trong câu lạc bộ không tự tay làm ra thì cũng phải "săn" đến gần chục con diều sáo đủ các loại. Ngoài loại diều truyền thống gắn sáo, lớp thanh niên còn sáng chế ra loại diều có đèn chạy pin hay chạy động cơ gió, như cái bễ lò để "vi vu" vào những đêm trăng sáng. Nhưng không vì thế mà cánh diều sáo làng Đoài mất đi nét đẹp truyền thống vốn có của nó. Mỗi khi được thả lên không trung, khi no gió, con diều tạo nên một bản hợp xướng không lệch một nhịp, một phách nào. Ông Hạnh trầm ngâm nhớ lại những ngày hè nắng, làng Đoài như một vườn hoa, những con diều sáo trên bầu trời u u như tiếng của bầy ong mật, bay kín những khoảng không.

Ông Lệ và con diều thùng gắn đèn chuẩn bị cho chuyến bay đêm.

Thú chơi lắm gian nan

Cứ vào mùa chơi diều, trên bầu trời làng Đoài lại rực rỡ những cánh diều đủ màu sắc, âm thanh với sự góp mặt của các câu lạc bộ lớn nhỏ toàn miền Bắc. Đó là những ngày trời nắng, có gió mát Đông Nam thổi là đẹp nhất. Ông Nguyễn Bá Lệ, một tay thuộc hàng cao thủ của làng chia sẻ: "Mỗi vùng miền chơi những loại diều khác nhau, nói đến người miền Bắc thì chơi diều mang trên mình những bộ sáo. Đặc trưng của miền Trung lại là những con diều cung đình với hình chim phượng, công, rồng… Miền Nam thì tiếp cận với những con diều nghệ thuật đương đại và hiện đại. Không chỉ trong lũy tre làng, nhiều lần "thi đấu" toàn quốc, diều sáo miền Bắc cũng "ẵm" khá nhiều giải thưởng…".

Để sở hữu một con diều sáo "bách chiến, bách thắng" thì chiếc sáo phải được làm rất công phu. Ông Lệ chia sẻ: "Các ống sáo được cắt khoang, dọc bỏ cùi, lấy cái lòng của ống, cật ống cũng bỏ đi để giảm tối đa trọng lượng, nhưng phải dẻo dai, không được rạn vỡ. Miệng sáo đa phần được làm bằng gỗ dổi, gỗ vàng tâm vì đặc thù là nó có trọng lượng cực nhẹ, cái miệng sáo phải làm thật khéo, không quá mỏng không quá dầy…".

Chơi diều cũng có nỗi gian nan, ở làng cũng đã có người vì khoét sáo mà đứt gân tay, có khi lại toét da tay khi kéo diều về. Ấy thế mà, họ không thể dứt được cái thú chơi này ra được mỗi độ gió về. Trước khi chúng tôi rời khỏi làng, ông Hạnh còn nhắc đi nhắc lại: "Nếu có dịp, đến vào buổi tối, những đêm trăng sáng, mỗi con diều đèn như những ngôi sao nhỏ, các cháu sẽ được thưởng thức tiếng sáo độc đáo làng Đoài".

Hiện nay, Câu lạc bộ diều Thăng Long đang sở hữu hai con diều kỷ lục. Một con với sải cánh 12m tham gia Hội trợ triển lãm Nông nghiệp năm 2007 và được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tặng bằng công nhận là một trong sáu sản phẩm tinh hoa nhất Việt Nam. Và không hổ danh là làng chơi diều "khủng" nhất nhì miền Bắc, vào năm 2010, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, câu lạc bộ đã kỳ công làm nên con diều với sải cánh 18m, với bộ sáo, có những chiếc chiêng lớn nhất là 0.45m, dài 2m20.

Hai năm liền 2007 và 2008 tại hội thi diều Victoria Hội An, diều truyền thống làng Đoài được giải 3 toàn quốc và một giải khuyến khích diều nghệ thuật.

Tại Festival diều tại Bắc Ninh năm 2010, câu lạc bộ "ẵm" một giải vàng, và một giải bạc.

Thanh Hòa
.
.
.