Về Rừng Sác ngắm đồ tôn tử của Hầu Vương

Thứ Hai, 08/02/2016, 10:23
Tên gọi “đảo khỉ” Cần Giờ có lẽ ra đời từ khi Lâm viên Cần Giờ khai thác du lịch năm 1999. Hàng ngàn con khỉ đuôi dài đã trở thành một điểm nhấn với du khách đến tham quan, giải trí. 


Cần Giờ còn là một khu di tích lịch sử liên quan đến đặc công Đoàn 10 anh hùng đã lập nên những chiến công huyền thoại. Một vùng rừng ngập mặn với bao chuyện kỳ thú về loài cá sấu, về sự hủy diệt của bom napalm và sự sống bất diệt giữa khu rừng Sác…

Đảo khỉ Cần Giờ nằm cách trung tâm TP Hồ Chí Minh hơn 50km về phía Nam. Từ một vùng trắng hoang tàn bởi chiến tranh tàn phá ngày nào, giờ đây rừng ngập mặn Cần Giờ được coi là một trong những cánh rừng đẹp nhất Đông Nam Á và được UNESCO công nhận là “Khu dự trữ sinh quyển thế giới” từ năm 2000. Bình quân mỗi ngày có khoảng 500 đến 1.500 du khách đến “Đảo Khỉ” để vui chơi, giải trí với lũ hậu duệ Lão Tôn.

Qua phà Bình Khánh là đặt chân đến Cần Giờ. Sông rạch và màu xanh mát mắt của rừng cùng vị mằn mặn của biển theo gió phảng phất đón chào khách lạ. Rừng Sác (Cần Giờ) bây giờ đã xích lại gần hơn với thành phố với con đường nhựa phẳng lỳ, rất đẹp rộng trên 30m với 6 làn xe…

Về thăm di tích căn cứ địa của đặc công Rừng Sác, khách sẽ được nghe kể lại câu chuyện về một thời hoa lửa ác liệt. Những mô hình đặc công Rừng Sác sinh hoạt, chiến đấu, hoạt động khiến ai cũng kinh ngạc, nể phục. Người dân xã Tam Thôn Hiệp còn có câu cửa miệng “Sấu Rạch Lá, Hạm (cọp) ăn thịt”. Mỗi một mét bùn đất và mặt nước rừng ngập mặn, mỗi cây tràm, cây đước nơi đây đều ghi dấu, ẩn hiện những chiến công huyền thoại của Trung đoàn đặc công 10…

Tổng diện tích Khu du lịch Lâm Viên Cần Giờ rộng khoảng 2.214ha, độ che phủ rừng đạt 80% diện tích tự nhiên với hệ thống động thực vật phong phú và đa dạng trong đó có những loài thú quý hiếm ghi trong sách đỏ Việt Nam như: cá sấu hoa cà, rái cá lông mượt, giang sen, bồ nông xám, mèo cá… Ấn tượng thú vị nhất nơi đây vẫn là sự hiện diện tung hoành của họ hàng nhà khỉ. Trong năm Bính Thân 2016 này, chắc chắn sẽ có nhiều du khách vui Xuân, “hành hương” về Đảo Khỉ để vui đùa cùng đồ tôn, hậu duệ của Hầu Vương trong dịp xông đất đầu năm.

Ông Nguyễn Văn Tám, một cựu đặc công Rừng Sác kể lại, ngày trước khỉ và cá sấu ở đây nhiều vô số. Nhưng do chiến tranh ác liệt và con người tàn phá, chúng bỏ vào trong phía sâu sinh sống tản lạc một thời gian dài. Đến năm 1978, rừng tại Lâm Viên Cần Giờ được trồng lại thì chúng kéo về sinh sống và bắt đầu sinh sôi. Tháng 12-1994 các nhân viên bảo vệ đã phát hiện và dụ dẫn được 2 đàn khỉ về trung tâm của Lâm Viên, đàn thứ nhất có 60 con và đàn thứ hai có 90 con. Cho đến cuối năm 1996 số lượng 2 đàn khỉ ở Lâm Viên có gần 300 con và hiện nay đã có hàng ngàn con sống cố định tại một số khu vực và rải rác khắp rừng hợp thành khoảng trên 10 đàn, chủ yếu là giống khỉ đuôi dài. Đây là loài khỉ có tập quán sống bầy đàn do một con đực dũng mãnh nhất cầm đầu, quản xuyến cả đàn từ sinh hoạt, ăn uống, giao phối và xử lý mọi biến cố bất lợi.

Loài khỉ khá thông minh, linh lợi nhưng rất hiếu chiến thường xuyên đánh nhau do tranh giành thức ăn và lãnh thổ, bảo vệ cá thể khi bị đàn khác xâm lấn, tranh giành. Tuy nhiên, loài khỉ cũng rất thân thiện với con người. Mỗi sáng, dợm thấy bóng du khách vào cổng, đàn khỉ thành thói quen tràn ra hai bên lộ, đi loanh quanh và ngồi chờ xin thức ăn. Là khỉ, nên hành động bắt chước và tinh nghịch là chuyện thường xuyên du khách sẽ gặp khi tham quan các đảo khỉ. Chúng có thể cắn xé rách toạc yên xe đắt tiền, trộm mũ bảo hiểm, giật túi xách, kính mát của khách leo tót lên ngọn cây cao nhòm ngắm thỏa thích. Với du khách mặc áo màu sặc sỡ thường được khỉ “nồng nhiệt” quậy phá, nhất là phụ nữ. Anh Tiến - cán bộ lâu năm tại đây khuyến cáo du khách: tốt nhất đừng mang thức ăn cho khỉ, vì chúng sẽ thành thói quen và tranh giành nhau. Khi khách bị khỉ lấy mất đồ, bảo vệ Lâm Viên sẽ dùng thức ăn dụ chúng “đổi” lại trả cho khách rất nhẹ nhàng, hoặc dùng vật tương tự tung hứng, giỡn đùa, khỉ sẽ bắt chước làm theo… Khổ nỗi du khách bao giờ cũng thích cho thức ăn, trêu ghẹo đàn khỉ nên việc bị khỉ giật đồ xảy ra liên tục. Khách là trẻ em rất thích thú những chú khỉ con hiền lành, ngoan ngoãn, dễ thương. Khách người lớn không bao giờ quên việc tranh thủ quay phim, chụp ảnh những gia đình khỉ đang hạnh phúc bên nhau ngồi bắt rận, ăn quà, ngủ gật, đung đưa… Ban ngày, nhiều chai lọ, túi ni lông, hộp nhựa đựng thức ăn, nước uống khách vứt ra đầy đường. Nhưng quản lý đảo khỉ không dám đặt thùng rác công cộng. Lũ khỉ sẽ lục tung lên và thận chí chúng hè nhau khiêng lên ngọn cây để thả rác xuống đầy rừng. Đành để thế, chiều tối mới dọn dẹp…

Hàng ngày khi nghe tiếng gõ kẻng hoặc tiếng hú gọi đàn của nhân viên bảo vệ, báo hiệu giờ ăn thì hàng ngàn cô cậu khỉ từ trên ngọn cây tràn xuống, khỉ mẹ bồng bế con thoắt xuống đất để thưởng thức bữa trưa. Khi một con đã cầm thức ăn, thì con khác không giật trên tay. Chúng sẽ bị phạt nặng bởi những người quản lý, khỉ chúa, khỉ mẹ đang nhìn chăm chăm từng động tác, cử chỉ. Nhưng có những chú khỉ con từ đàn khác đến ăn ké, khỉ “sở tại” sẵn sàng bỏ qua, không coi là kẻ xa lạ. Thường không quá một năm, ngôi Vương sẽ thuộc về một kẻ mạnh trong đàn thống lĩnh hoặc từ đàn khác sang “chiến đấu” với con đầu đàn để giành ngôi vị.

Mùa xuân đã tràn về theo con gió biển lạnh buôn buốt trên chuyến phà Bình Khánh nối Cần Giờ với huyện Nhà Bè, dòng người lên phố rất vội vã, khẩn trương còn những người xuôi về Cần Giờ du lịch tham quan nghỉ mát cũng đang hối hả mang mùa xuân sớm về biển và rừng ngập mặn ngày cuối năm...

Là khỉ, nên hành động bắt chước và tinh nghịch là chuyện thường xuyên du khách sẽ gặp khi tham quan các đảo khỉ. Chúng có thể cắn xé rách toạc yên xe đắt tiền, trộm mũ bảo hiểm, giật túi xách, kính mát của khách leo tót lên ngọn cây cao nhòm ngắm thỏa thích. Với du khách mặc áo màu sặc sỡ thường được khỉ “nồng nhiệt” quậy phá, nhất là phụ nữ.
Nam Yên
.
.
.