Vẫn còn những quy định gây khó đối với dân!

Thứ Ba, 19/10/2010, 10:42
Tổ công tác cải cách hành chính của Chính phủ đã kiến nghị sửa đổi một loạt quy định, thủ tục, từ đó dự kiến có thể tiết kiệm mỗi năm tới 30.000 tỉ đồng và giảm nhiều phiền hà cho người dân và DN. Trái ngược với kiến nghị đó thì không ít cơ quan đã ban hành những văn bản gây khó khăn đối với người dân.
>> Văn phòng các cấp phải đi đầu trong cải cách hành chính

Những sự tùy tiện, quan liêu…

Cuối tháng 9 vừa qua, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn đã ký công văn gửi đến 7 Bộ và 13 tỉnh, thành phố để đôn đốc thực hiện các thông báo mà Cục đã gửi trong khoảng hơn 1 năm qua về những văn bản có dấu hiệu trái pháp luật do các Bộ, tỉnh thành này ban hành.

Nhiều Bộ, ngành, địa phương đã nhanh chóng "tự xử" sau khi nhận ra những sai sót trong văn bản ban hành. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 7 Bộ (với 9 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật) gồm: Bộ Xây dựng, Tài chính, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Giáo dục và Đào tạo, LĐ-TB&XH và 13 tỉnh, thành phố vẫn chưa gửi thông báo xử lý về Cục.

Nhìn chung, các văn bản bị Cục Kiểm tra VBQPPL "thổi còi", hầu hết đều sai về nội dung hoặc hình thức, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Dù thế, nhiều cơ quan ban hành vẫn làm ngơ trước đề nghị của Cục Kiểm tra VBQPPL về việc cần xử lý những văn bản này.

Một trong những văn bản phi lý ở địa  phương, đó là Quyết định 07/2008/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An ban hành kèm theo quy định về quản lý hoạt động lái xe ôtô chở khách từ 10 chỗ ngồi trở lên trên địa bàn tỉnh. Theo văn bản này, tiêu chuẩn đối với người lái xe ôtô vận tải hành khách phải "có thâm niên lái xe (tính từ ngày được cấp giấy phép lái xe) từ ba năm trở lên".

Ngoài ra, còn yêu cầu người lái xe ôtô vận tải hành khách phải "xét nghiệm HIV khi cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe vận tải hành khách…". Cục Kiểm tra VBQPPL cho rằng, đây là các quy định không có trong Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 110/2006/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô.

Quy định xét nghiệm HIV cũng không phù hợp vì Luật Phòng chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) cấm bắt buộc xét nghiệm HIV trừ trường hợp cơ quan điều tra, VKSND hoặc TAND có trưng cầu giám định...

Khó xử phạt người đi bộ vi phạm như quy định.

Cần nâng cao trách nhiệm xây dựng, ban hành VBQPPL

Theo Luật Ban hành VBQPPL thì các VBQPPL trước khi được ban hành cần được thẩm định nghiêm túc và khách quan và phải lấy ý kiến đối tượng chịu tác động và thậm chí phải có đánh giá về tác động tích cực, lẫn tiêu cực đối với xã hội.

Luật gia Vũ Xuân Tiền (Hội Luật gia Việt Nam) cho rằng: Sẽ là vô nghĩa và gây ra những tốn kém không cần thiết cả về thời gian và tiền bạc khi một VBQPPL được dự thảo, hội thảo góp ý, nghiên cứu, ban hành nhưng xa rời thực tế hoặc tạo ra những tác động ngược và các đối tượng được điều chỉnh không thể thi hành.

Được biết, kinh phí được cấp để xây dựng mỗi VBQPPL là tiền triệu, nhưng khi quy định sai, trái, bất khả thi được ban hành thì còn gây tốn kém tiền của, thời gian của người dân khó đo đếm được, chịu thiệt luôn là xã hội và người dân. Vậy người đứng đầu ban hành văn bản sẽ bị xử lý trách nhiệm ra sao?

Theo Ts. Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL thì cơ quan ông cũng chỉ là nơi kiểm tra và ra thông báo để nơi ban hành văn bản sai, trái tự xử lý, còn nếu họ làm ngơ thì đành phải báo cáo lên Bộ trưởng Bộ Tư pháp để Bộ trưởng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý theo quy định. Theo Ts. Lê Hồng Sơn, trường hợp hậu quả của văn bản trái luật gây ra là quá lớn, cơ quan chức năng có thể xem xét xử lý hình sự. Tuy nhiên, điều dễ thấy là áp dụng chế tài hành chính hay kinh tế để xử lý người ban hành văn bản sai trái này đã khó, nói gì đến chế tài hình sự.

Không khó để hình dung sự sai lầm của một văn bản dưới luật gây ra thiệt hại to lớn, khôn lường cho xã hội và người dân, hoặc đem lại lợi ích riêng kếch sù cho một nhóm người biết cách "lobby" chính quyền. Đã đến lúc, cần có chế tài rõ ràng, cụ thể và mạnh tay hơn đối với vi phạm, thiếu trách nhiệm trong việc ban hành VBQPPL.

Một vụ "thổi còi" khá nổi tiếng là việc Bộ Y tế bắt người bị TNGT phải xin Giấy chứng nhận không vi phạm Luật Giao thông đường bộ để nộp vào viện mới được thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT). Quy định này của Bộ Y tế được ban hành từ giữa năm 2009, sau gần 1 năm thực hiện, "hành" biết bao người bị TNGT và chỉ bị dừng thực hiện sau khi Cục Kiểm tra VBQPPL Bộ Tư pháp phải "thổi còi" đến 2 lần. Sau "tiếng còi" lần thứ 2 của Cục Kiểm tra VBQPPL, ngày 10/6/2010 Bộ Y tế mới đưa ra quy định rằng: Người bị TNGT sẽ không phải đi xin Giấy chứng nhận nói trên, nộp vào viện để được thanh toán BHYT, mà từ nay cơ quan BHXH hoặc Công an sẽ chịu trách nhiệm.

Bá Tuấn
.
.
.