Vài nét về quan hệ bang giao với nước ngoài của Thăng Long - Hà Nội

Thứ Bảy, 25/09/2010, 15:16
Thăng Long - Hà Nội đã từng là đất Kẻ Chợ, vùng đất này là nơi hội tụ giao thương văn hóa và kinh tế của cả nước. Khi trở thành lỵ sở của chính quyền đô hộ phương Bắc từ thế kỷ thứ V mang tên Tống Bình, Đại La trở thành nơi phát triển mối quan hệ bang giao chính trị với Trung Hoa và các quốc gia Đông Nam Á, Ấn Độ, Ba Tư - Ảrập về văn hoá và kinh tế…

Đến thế kỷ XI, Thăng Long trở thành trung tâm bang giao của các triều đại và khi đã trở thành Thủ đô của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thì Hà Nội vẫn là trung tâm đối ngoại của Nhà nước với bạn bè khắp năm châu.

Vào thời Lý, từ năm 1010 đến 1186, lịch sử ghi nhận 19 lần sứ giả Trung Quốc sang nước ta. Trong đó,  từ năm 1010 tới năm 1038, 8 lần sứ giả Tống mang thư sang kinh đô Đại Việt. Trong thời kỳ này, thuyền buôn các nước đã tới nước ta và theo sông Hồng vào kinh đô buôn bán.

Vào thời Trần, kinh đô Thăng Long trở nên sầm uất bởi chính sách đối ngoại thân thiện của nhà Trần. Khách buôn từ khắp nơi theo sông Hồng, qua cửa Hà Khẩu vào sông Tô để đưa hàng hóa vào kinh thành. Vào cuối thời Trần, Thăng Long đã có dáng dấp của một thành phố quốc tế, một thành phố giao lưu và hội tụ của nhiều yếu tố kinh tế, văn hóa và con người, một thành phố với nhiều làng nghề thủ công và buôn bán nhỏ của người Việt, xen kẽ với các cửa hàng buôn bán lớn của người Hoa, Hồi Hột và Chà Và… một kinh đô nghênh tiếp các sứ giả Tống, Nguyên, Lào, Chiêm Thành, Gia va; các tăng sư bậc thầy ở Trung Á, Ấn Độ; một Thăng Long vừa diễn chèo, diễn tuồng và múa điệu người Hồ. Vào thời Trần, có tổng cộng 59 lần đoàn sứ giả Trung Quốc sang bang giao với ta và đều tới Thăng Long.

Thời Lê, Lê Thái Tổ đóng đô ở Thăng Long, lúc này có tên là Đông Kinh. Với chính sách ngoại giao hòa hiếu, các vua Lê luôn thể hiện tinh thần hữu hảo thân thiện với Trung Quốc, mặt khác luôn đề cao tinh thần dân tộc "sánh ngang Nam Bắc".

Dưới các triều đại phong kiến thế kỉ XVI đến giữa thế kỷ XX, Thăng Long dù là Kinh đô hay tạm thời chỉ là tỉnh Hà Nội thì việc giao thương buôn bán diễn ra vẫn luôn tấp nập trên bến dưới thuyền, các thuyền buôn của người Hoa, người Nhật Bản và các nước Đông Nam Á, một số các quốc gia ở châu Âu cũng đã có mặt tại đây. Kẻ Chợ là nơi giao thương hàng hóa không những của người Hà Nội, người Việt mà của nhiều thương gia nước ngoài đến làm ăn, sinh sống. Các nhà nước phong kiến ở Thăng Long đã tiếp kiến hoặc trao đổi thư từ với nhiều phái bộ ngoại giao nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Lào, Campuchia, Ấn Độ và các nước phương Tây. Và đây cũng chính là nơi các nhà truyền đạo Gia Tô, đạo Tin lành lui tới.

Cùng với sự truyền đạo, một số yếu tố văn hoá phương Tây như kiến trúc, các phương tiện kỹ thuật cho thiên văn, địa lý, toán học đã du nhập vào Thăng Long. Đặc biệt là A.de Rhodes người đã dùng mẫu tự Latinh tới để sau đó sáng tạo ra chữ quốc ngữ của người Việt Nam.

Du khách tham quan phố cổ. Ảnh: Duy Tường.

Thời thuộc Pháp, chính quyền thuộc địa Pháp độc quyền nắm giữ quan hệ đối ngoại của Đông Dương qua Phủ toàn quyền ở Hà Nội, dựa theo các chỉ thị của  Bộ thuộc địa chính quốc Pháp.

Với bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2/9/1945 trước Quảng trường Ba Đình trên mảnh đất Hoàng thành Thăng Long, bức thông điệp của Nhà nước độc lập dân chủ đầu tiên của Đông Nam Á phát đi từ Hà Nội đã được nhân dân yêu chuộng hoà bình, tự do và dân chủ dân tộc trên toàn thế giới đặc biệt quan tâm, từng bước công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao.

Từ 1986, Việt Nam khởi đầu công cuộc đổi mới toàn diện, hội nhập vào cộng đồng quốc tế, hoạt động ngoại giao trên cơ sở "giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế", chúng ta đã mở rộng, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, với đường lối đối ngoại "độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển", Việt Nam đã trở thành bạn, đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực. Chính vì lẽ đó mà Hà Nội đã trở thành nơi thu hút các nguồn vốn ngoại viện đầu tư, thương mại, dịch vụ, du lịch… với số vốn đầu tư lên hàng chục tỉ USD; Hà Nội cũng là nơi tiếp nhận các kỹ thuật công nghệ sản xuất hiện đại của nhiều tập đoàn công ty trên thế giới…

Cho đến nay, đặc biệt sau khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 7/11/2006, chúng ta đã có quan hệ ngoại giao đầy đủ với hơn 170 quốc gia, có quan hệ, thương mại với trên 180 nước và vùng lãnh thổ, Hà Nội được vinh dự thay mặt cả nước là nơi đặt đại sứ quán các nước, văn phòng đại diện của các tổ chức quốc tế. Hà Nội đã và đang là điểm đến hấp dẫn và an toàn nhất cho bạn bè quốc tế năm châu, xứng đáng với danh hiệu Thành phố vì hòa bình - với Thăng Long  ngàn năm văn hiến

Nguyễn Minh
.
.
.