'Tuyên chiến' với loài cây độc đầy ma lực

Thứ Ba, 02/02/2016, 08:54
Từng là vựa cây thuốc phiện lớn nhất nhì miền Bắc, sau khi Nhà nước chủ trương xóa sổ loài cây độc đầy ma lực này, được một thời gian thì Lai Châu lại xuất hiện tình trạng tái trồng. Đó đây trên những nương bãi heo hút trên các sườn núi, vẫn xuất hiện những luống cây anh túc với màu hoa đẹp ma mị và loại quả chứa đầy nhựa thuốc phiện… 

Với vai trò nòng cốt, lực lượng Công an Lai Châu đã có nhiều giải pháp quyết liệt để không còn loài cây anh túc trên các vùng rẻo cao Tây Bắc.

Đường lên Tà Tổng mờ mịt bởi khói bụi vội vã cuốn theo sau chiếc U oát dã chiến của Công an huyện Mường Tè. Trung tá Phan Văn Sơn, Trưởng Công an huyện Mường Tè dẫn chúng tôi lên Tà Tổng. Con đường dài chừng 20 cây số từ thị trấn vào đến xã tuy đã được rải cấp phối nhưng vẫn đang "sở hữu" những cú xóc kinh hoàng bởi ổ trâu, ổ gà. Ôtô vào đến Tà Tổng thực sự là một kỳ tích với một địa phương  nghèo khó, gian nan như Mường Tè. Trung tá Sơn chia sẻ: Tà Tổng nằm trên độ cao khoảng 1.500m so với mặt nước biển, thổ nhưỡng, khí hậu rất hợp với loại cây này.

Theo Trung tá Sơn, đáng lo ngại nhất là số người nghiện ma túy ở Tà Tổng. Cách đây 2 năm, toàn xã vẫn còn gần 200 người nghiện hút. Từ khi lực lượng Công an tổ chức nhiều cuộc ra quân quyết liệt với nhiều giải pháp đồng bộ, nhiều đường dây bán lẻ ma túy trên địa bàn bị triệt phá thì số con nghiện địa phương lại quay sang trồng cây thuốc phiện - một loại cây có cái tên mĩ miều là "anh túc" để thỏa mãn cơn nghiện. 

Lợi nhuận từ việc trồng cây thuốc phiện cũng làm nhiều người lóa mắt. Chính vì vậy, lúc cao điểm (niên vụ 2010 - 2011), toàn xã Tà Tổng phát hiện gần 20ha trồng cây thuốc phiện. Diện tích tái trồng cây thuốc phiện xuất hiện nhiều ở địa bàn các bản Cô Lô Hồ, với số người nghiện lên đến hai con số...

Người dân tham gia phá nhổ diện tích trồng cây thuốc phiện. Ảnh: PV.

Để ngăn chặn loài cây độc, Công an huyện Mường Tè đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiều biện pháp quyết liệt. Công an huyện Mường Tè đã tham mưu cho UBND huyện tổ chức các đợt ra quân xuống địa bàn triển khai các biện pháp tuyên truyền, vận động nhân dân. 

Bên cạnh đó, cùng với lực lượng Biên phòng, Công an huyện Mường Tè liên tục tổ chức các đợt ra quân tấn công trấn áp tội phạm ma túy; đấu tranh triệt phá các ổ nhóm thuốc phiện; thu gom các đối tượng nghiện đưa vào cai nghiện bắt buộc. "Khi đã triệt tiêu được nguồn cầu thì chắc chắn nguồn cung sẽ tự khắc phải mất đi" - Trung tá Sơn chia sẻ.

Sau nhiều nỗ lực, niên vụ 2014, lực lượng Công an - Bộ đội biên phòng đã vận động nhân dân xã Tà Tổng phá nhổ hơn 55.000m² cây thuốc phiện. Đáng chú ý, hầu hết diện tích loài cây độc này là do nhân dân tự giác phá nhổ.

Ông Sùng A Chứ, Bí thư kiêm Chủ tịch xã Tà Tổng cho biết: "Cái hay ở Tà Tổng chính là cán bộ làm tốt công tác tuyên truyền. Khi bà con ưng cái bụng, tự họ phá nhổ cây thuốc phiện. Chứ với một lực lượng mỏng như thế, làm sao cán bộ đi khắp núi ngàn thung để tìm nương thuốc phiện để phá nhổ".

Đại tá Bùi Gia Lượt, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu đúc kết: "Ở vùng cao, địa bàn dân tộc, biên giới nếu không làm tốt công tác dân vận thì chắc chắn không thể thành công". Và cũng có lẽ đây là một trong những bí quyết để Công an tỉnh Lai Châu nhiều năm liên tục giành Cờ thi đua của Chính phủ và Bộ Công an trong công tác đảm bảo an ninh trật tự.

Đại tá Lượt chia sẻ, từ cách đây hơn 5 năm, bên cạnh những phức tạp về tình trạng tuyên truyền gây mất đoàn kết dân tộc, buôn bán ma túy thì nạn tái trồng cây thuốc phiện là một "bài toán" gây đau đầu cấp ủy, chính quyền và lực lượng Công an Lai Châu. Diện tích trồng cây thuốc phiện xuất hiện nhiều ở xã Tả Phìn, huyện Sìn Hồ; xã Hố Mít, huyện Tân Uyên; Tà Tổng, Pa Ủ, huyện Mường Tè... Để giải quyết tình trạng này, Công an Lai Châu đã có nhiều giải pháp khá sáng tạo, với phương châm “chặn cầu bền vững và chặn cung quyết liệt”.

Một trong những giải pháp được coi là đột phá, thu được nhiều thắng lợi đó là 5 năm trở lại đây, Đảng ủy, Ban giám đốc Công an tỉnh Lai Châu đã liên tục triển khai đợt ra quân, tăng cường cán bộ xuống cơ sở, tham gia củng cố hệ thống chính trị, giữ gìn an ninh trật tự địa bàn, vận động nhân dân phá nhổ cây thuốc phiện...

Đại tá Lượt cho biết, hàng chục tổ công tác với hàng trăm lượi cán bộ chiến sĩ đã được tăng cường xuống xã Tà Tổng, Pa Ủ, Pa Vệ Sủ (huyện Mường Tè), xã Vàng Ma Chải, Mồ Sì San, Huổi Luông, Tung Qua Lìn, Dào San, Mù Sang, Mồ Sì San, Nậm Xe, Sin Súi Hồ (huyện Phong Thổ)... để triển khai công tác tuyên truyền, vận động. Chính sự xuất hiện của cán bộ Công an, với những việc làm 4 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) của cán bộ Công an và các ngành chức năng, người dân đã dần hiểu ra và tự giác phá nhổ hàng trăm m2 cây thuốc phiện.

Mùa hoa anh túc bắt đầu từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau, đây cũng là thời điểm hoa ban báo hiệu mùa Xuân đang về. Năm nay ở khắp các cánh rừng Lai Châu không còn cây anh túc và điều đó cũng không còn cái cảnh loài hoa độc khoe sắc tỏa hương quyến rũ và âm thầm sát hại bao người. Xuân về nhưng không còn hoa anh túc nở, điều đó đã và đang mang lại niềm vui và sự ấm áp nơi rẻo cao này...

Từ năm 2012 - 2015, tỉnh Lai Châu đã vận động nhân dân phá nhổ gần 50ha cây thuốc phiện trong niên vụ 2013 - 2014, lực lượng phòng chống ma túy Công an tỉnh Lai Châu đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức phá nhổ 113.600m²diện tích trồng cây thuốc phiện. Trong đó huyện Mường Tè có diện tích nhiều nhất, với trên 75.000m² và chủ yếu tập trung ở những cánh rừng già thuộc khu vực xã vùng sâu, vùng xa Tà Tổng. Riêng trong năm 2015, Công an tỉnh Lai Châu đã vận động nhân dân phá nhổ 94.759m² cây thuốc phiện.
Ngọc Oanh
.
.
.