Ký ức

Ký ức Tướng Nguyễn Huy Hiệu với mùa thu vàng

Thứ Năm, 12/11/2015, 17:00
Sau nhiều năm cống hiến tuổi trẻ cho Tổ quốc, giờ đây trở lại với thời bình, Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu vẫn luôn mang trong mình tình yêu sâu thẳm đối với nước Nga vĩ đại. Với ông, nước Nga như là một quê hương thứ hai – nơi đã bồi đắp thêm cho ông trí tuệ, mài rũa thêm cho ông về ý chí và lòng yêu nước…

Khi được tiếp kiến Thượng tướng, Viện Sỹ Nguyễn Huy Hiệu tôi thật sự bất ngờ và bị cuốn hút bởi tính cách rất thân thiện, gần gũi và phong cách giản dị của ông. Sau nhiều năm cống hiến tuổi trẻ cho Tổ quốc, giờ đây trở lại với thời bình, Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu vẫn luôn mang trong mình tình yêu sâu thẳm đối với quê hương đất nước và đối với nước Nga vĩ đại. Với ông, nước Nga như là một quê hương thứ hai – nơi đã bồi đắp thêm cho ông trí tuệ, mài rũa thêm cho ông về ý chí và lòng yêu nước…

Thưa Thượng tướng,  được biết mọi người luôn biết đến ông không chỉ là một vị tướng tài ba mà còn là một “ông” tướng luôn mang trong mình một tình yêu sâu thẳm đối với nước Nga. Ông có thể chia sẻ đôi chút về tình cảm của mình với nước Nga?

Mỗi người đều có những ký ức về một miền quê hương, có thể đó là nơi chôn rau cắt rốn, nhưng cũng có thể đó là nơi ẩn sâu trong tiềm thức của mỗi người. Tôi luôn đặt nước Nga trong trái tim của mình, đó như một quê hương thứ hai, một nơi đã bồi đắp thêm cho tôi trí tuệ,  ý chí và lòng yêu nước. Có thể nói, nước Nga đã khắc sâu vào tâm hồn tôi những cảm xúc mạnh mẽ. Chiêm ngưỡng những vẻ đẹp thơ mộng về thiên nhiên, con người, tính cách Nga, trong đó cái đẹp lung linh về “Mùa thu vàng” đã làm tôi ngây ngất đến choáng ngợp.

Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu và phu nhân trong một lần trở lại Nga.

Thượng tướng có thể chia sẻ tại sao ông lại có tình cảm với con người, đất nước và văn hóa Nga sâu sắc như vậy, thưa ông ?

Không phải đến khi tôi đặt chân đến nước Nga, tôi mới yêu nơi này, tôi đã yêu nước Nga qua những trang sách ăn hằn vào bao thế hệ cùng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc như tôi. Những dòng chữ thân thương từ cuốn “Thép đã tôi thế đấy” đã đi cùng tôi khắp các mặt trận, cùng tôi trải qua các trận đánh, ý chí ấy cùng tôi ra trận, cùng tôi đồng hành suốt chặng đường binh nghiệp, thời chiến, thời bình. Bởi vậy, sau này, khi trưởng thành từ tiểu đội trưởng, trung đội trưởng, đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng, trung đoàn trưởng, sư đoàn trưởng, tư lệnh Quân đoàn 1, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Ủy viên trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng thì  tôi vẫn giữ trong trái tim mình ký ức đặc biệt với mùa thu, với đất nước Nga xinh đẹp.

Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu. Ảnh: vtc.

Thưa Thượng tướng, ông có thể chia sẻ những ký ức về phong cảnh đất nước Nga, đặc biệt là tác phẩm “Mùa thu vàng”?

Tác phẩm “Mùa thu vàng”  là biểu tượng, danh tiếng và đỉnh cao nghệ thuật tạo hình của danh họa nổi tiếng Lê – vi – tan (Nga). Mỗi khi tôi dừng lại trước bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp của nước Nga vào cuối thế kỉ XIX “Mùa thu vàng” (Sơn dầu - 1985), lần nào cũng thấy rung động vì bao kỉ niệm về nước Nga như diễn ra trước mắt. Những công viên, rừng bạch dương, hồ nước, dòng sông Von – ga, thảm cỏ xanh, những làn gió nhẹ xào xạc của mùa thu vàng để cho ta ngẩn ngơ trước vẻ đẹp diệu kì “Mùa thu đã đi qua còn gửi lại/ Một ít vàng trong nắng trong cây…” (Tế Hanh). Và nước Nga như những bản anh hùng ca Sê-vátxtô – pôn, bản Xô –nát với âm hưởng trữ tình dào dạt làm cho tôi xao xuyến, nước Nga đối với tôi mãi mãi là những kí ức tuyệt vời. Trong đó, nhân dân Nga luôn tồn tại trong tim tôi với tình cảm yêu mến và cho tôi sức mạnh của tâm hồn, chẳng khác gì nhân dân Việt Nam, họ là những anh hùng của mọi thời đại.

Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu và phu nhân ở Matxcơva tháng 11/2000.

Vậy còn những ký ức của ông với nước Nga thông qua những cuốn sách, thưa thượng tướng ?

Có thể nói, cuốn sách gối đầu giường những ngày tháng chiến tranh của chúng tôi đó là “ Thép đã tôi thế đấy”. Chính quyển sách này đã giúp cho chúng tôi một ý chí và nghị lực phi thường, mà trong cuộc đời binh nghiệp đã vượt qua được những khó khăn tưởng chừng không làm được. Ý chí đó đã giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ trong sự nghiệp binh nghiệp của mình. Cái đọng lại trong chúng tôi khi bước vào đời binh nghiệp còn là cuốn “Nhớ lại và suy nghĩ” của Ziu Cốp, cuốn này giúp cho chúng tôi những kinh nghiệm và những nghệ thuật chiến tranh, nền nghệ thuật quân sự Nga đã giải phóng được cả Châu Âu, đặc biệt là đánh bại phát xít Đức, góp phần thắng lợi vào chiến tranh thế giới thứ 2.

Thượng tướng có thể chia sẻ về những công nghệ phối hợp giữa Việt Nam và Nga được không ạ?

Các tướng lĩnh và sỹ quan của Việt Nam hầu như được đào tạo ở bên Nga, sau này tôi được về Bộ Quốc phòng làm Phó Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhiều năm, tôi đã có ý tưởng cùng với các đồng chí lãnh đạo là phải tiếp tục đưa các sỹ quan, các nhà khoa học của mình sang Nga học. Bởi vì, nước Nga đào tạo rất cơ bản, điều này gúp cho chúng ta về Việt Nam trở nên sáng tạo và cải tiến công nghệ được nhiều hơn.

Những chiếc máy bay huấn luyện đầu tiên phối hợp giữa hai nước Việt – Nga, những ra-đa, những tên lửa, công nghệ đóng tàu và tác chiến điện tử…. mà chính người Việt Nam chúng ta dựa trên kiến thức, dựa trên những điều học hỏi được từ nước bạn Nga, biến thành chí khí người Việt Nam, công nghệ người Việt Nam. Những công nghệ hiện đại này sẽ luôn đồng hành trong những phương án tác chiến, trong những lưu trữ, phát triển của nền công nghiệp quốc phòng.

Những đóng góp của Thượng tướng trong suốt thời gian qua đến nay cho nước nhà thực sự xứng tầm là những dự án cuộc đời, mang tầm vóc của những suy nghĩ lớn lao. Những điều đó đã góp phần xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa hai nước Việt  - Nga và khoa học công nghệ Quân sự Việt Nam?

Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu trong chuyến công tác tại Nga.

Những ký ức về Nga vẫn đang và luôn là ngọn lửa cháy sáng trong tâm trí của những người Việt Nam dành tình yêu mãnh liệt cho nước Nga vĩ đại, để những cống hiến của họ cho đất mẹ Việt Nam luôn có bóng hình nước Nga như một miền ký ức xa thẳm, thật xa mà lại thật gần, gần gũi trong những công trình, gần gũi trong những hợp tác để vẫn bước mãi những bước chân anh hùng trong bài ca vang mãi tới thế hệ hôm nay và mai sau.

Thượng tướng có thể chia sẻ những dự định của mình trong việc đóng góp cho nền công nghiệp quốc phòng, thưa ông ?

Tôi vẫn đang ấp ủ những dự định, cho những nghiên cứu của mình về khoa học quân sự, sẽ không dừng lại ở các cuốn sách tôi đã làm, đã nghiên cứu về nghệ thuật quân sự. Đến nay, tôi vẫn luôn hướng tới những ý tưởng, những công trình để mong muốn làm dày hơn nữa kho tàng khoa học quân sự, làm đầy hơn những công việc, dự án hướng tới môi trường, hướng tới con người để được đóng góp nhiều hơn nữa cho quốc phòng toàn dân, cho một nền công nghiệp quốc phòng bền vững.

Ước mơ ấy giản dị thôi, nhưng sẽ như những gì hàng triệu người dân đang gửi gắm ở ông, một vị tướng đầy ắp các công trình vì dân, chiến đấu vì dân và luôn là vị tướng của lòng dân. “Anh là chiến sỹ của lòng dân/ Gánh non sông, nặng tình đất nước/Giặc tan rồi, mong một lần ngơi nghỉ/ Nào được đâu, Tổ quốc đang cần”.

Tổ quốc cần các nhà khoa học và Thượng tướng, viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu đã đáp lại tiếng gọi Tổ quốc bằng những đóng góp của mình cả trong thời chiến, cả trong thời bình, cuộc đời ông là những tháng ngày chiến đấu không ngừng nghỉ, không mệt mỏi. Ông vẫn sẽ bước tiếp trong những dự định, trong những trăn trở, ấp ủ của mình, vì những công trình đó là của Tổ quốc, của toàn dân, ông chỉ là người đồng hành và ghi chép lại, như sứ mệnh của cầu nối trong mối quan hệ Việt Nam và Liên bang Nga bao năm qua.

Lan Phương
.
.
.