Từ tục trộm vợ đến tệ cướp vợ

Thứ Ba, 12/06/2007, 10:21

Vừa bước vào sân, Lô Thị Hương (người dân tộc Thái) mới gần 14 tuổi, trú tại bản Tèo, xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) đã bị cả gia đình Hùng bắt vào làm lễ nhập gia, thầy cúng thắp hương khấn vái tứ phương bảo phù hộ độ trì cho cô con dâu mới...

Các cụ người Thái ở phía Tây Nghệ An kể, không rõ tục có từ khi nào nhưng khi lớn lên đã nghe ông bà, bố mẹ kể và đến lượt họ cũng đều trải qua các kỳ thử thách ấy trước khi lấy vợ. Đến tuổi trưởng thành, họ hoàn toàn có quyền được tìm hiểu và để mắt tới những cô gái trong hay khác làng.

Từ tập tục trộm vợ của người Thái

Trải qua những tháng ngày thả lời đường mật, để chứng tỏ trái tim chàng đã thực sự rung động trước nàng và thực sự muốn cưới nàng về làm vợ thì bắt buộc chàng phải qua kỳ sát hạch. Sau khi cùng gia đình "thưa gửi" và được nhà cô gái đồng ý thì chàng bắt đầu thời gian khăn gói áo quần, chuyển đến gia đình cô sống thử trong 3 tháng.

Trong 3 tháng đó, chàng phải chứng tỏ bản lĩnh nam nhi của mình và chứng minh bằng công việc hoàn toàn có thể gánh vác trọng trách như bổ củi, mổ trâu, cày ruộng, dựng nhà... Chàng cũng phải biết xử thế cho phù hợp để được lòng gia đình mà mình sẽ cưới con gái sau này.

Trong thời gian ấy, đại diện gia đình người con trai phải thường xuyên mang quà cáp qua thăm hỏi nhà gái. Còn "chuyện ấy", dù ở trong nhà gái nhưng chưa biết có thể cưới hay không nên rất cấm kỵ, nếu bị phát hiện đương nhiên chàng sẽ bị tống cổ ra khỏi nhà và làng phạt 3 con trâu.

Do những đòi hỏi khắt khe của tục thử thách tuyển rể nên về sau, để những người nghèo có điều kiện lấy vợ, người Thái đã chuyển tập tục nói trên sang tục trộm vợ. Tục trộm vợ được hiểu như sau: Sau khi cặp nam nữ đã nhận lời yêu nhau nhưng phía nhà trai xét thấy không có đủ điều kiện đáp ứng những yêu cầu của nhà gái, nhất là giai đoạn thử thách 3 tháng đầy cam go, họ sẽ thỏa thuận riêng với nhau.

Theo đó, chàng trai rỉ vào tai nàng rằng anh không đủ khả năng để ở thử 3 tháng, nhất là nếu sau 3 tháng không lọt mắt nhà nàng thì chàng cũng chẳng còn mặt mũi nào tìm đường về. Và họ bàn kế đơn giản hơn, tiện lợi hơn, đó là tổ chức một cuộc bỏ trốn về nhà chồng thông qua vụ trộm.

Để tổ chức một cuộc trộm vợ đòi hỏi đáp ứng rất nhiều tiêu chí. Trước hết trai gái phải đến tuổi được phép dựng vợ gả chồng theo tục của làng. Thứ hai, nói là trộm nhưng thực ra chỉ che giấu đối với gia đình cô gái còn bản thân cô gái phải được sự đồng thuận. Phía gia đình nhà trai sau khi nghe chàng và nàng trao đổi, họ sẽ bàn bạc và thống nhất kế hoạch trộm. Và vụ trộm vợ bắt đầu...

Đúng đêm trăng sáng, lựa lúc ít người qua lại, chàng đến đợi sẵn đầu ngõ nhà nàng. Sau khi bắt tín hiệu, nàng ăn mặc chỉnh tề đi ra ngoài, theo chàng về nhà. Hôm sau, gia đình nhà chàng trai sẽ thông báo với phía nhà gái là họ đã trộm vợ để nhà gái yên tâm không phải đi tìm kiếm.

Sau khi bắt trộm được cô con gái, chàng rể phải để lại trên bàn thờ nhà gái các lễ vật gồm một chai rượu, một cơi trầu cau và một ít tiền mặt - coi đó là lễ vật để nhận biết việc con gái đã bị bắt trộm về làm dâu. Trong vụ trộm nhất thiết phải có người làm chứng, nhân vật này tương ứng như bà mối của người Kinh.

Tập tục trộm vợ lâu nay được cộng đồng người Thái thừa nhận như một nét văn hoá nhằm giảm bớt những phiền hà, rắc rối do tục sống thử 3 tháng như trước đây. Theo bà Kim Thị Kiều, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Châu Hồng, Quỳ Hợp (Nghệ An), có khoảng 50% cặp vợ chồng của người Thái hiện nay đều thông qua phong tục trộm vợ. Hiện vẫn còn vài chục phần trăm người Thái ở Tây xứ Nghệ vẫn theo tục cũ là trai ở nhà gái 3 tháng thử thách trước khi được chọn làm rể.

Bà Kiều cho biết, do những ưu điểm vượt trội của tục trộm vợ so tục cũ nên hiện đồng bào người Thái đang khuyến khích hình thức này, hạn chế dần lễ nghi và thử thách khi cô dâu, chú rể đến với nhau.

Và từ trộm sang... cướp!

Từ tục trộm vợ đang được đồng bào người Thái khuyến khích, thế nhưng gần đây một số người bắt đầu lợi dụng việc trộm vợ sang cướp vợ.

Theo tục truyền thống thì trộm vợ phải là sự tình nguyện tìm hiểu, đến với nhau, cả chàng trai và cô gái đều đồng thuận xe duyên kết chỉ và họ chỉ trộm khi đưa cô gái về mà không thông báo trước với gia đình nhà gái để tránh lễ vật phiền hà (nhưng ngay sau khi vụ trộm đã hoàn thành, nhà trai đều sang nhà gái thông báo và đặt một số lễ vật chứng nhận).

Như vậy, bản chất của trộm vợ là để tránh thủ tục tốn kém còn gốc vẫn là tình yêu và sự đồng thuận của cô gái, chàng trai. Thế nhưng việc biến tướng sang tệ cướp vợ lại khác hẳn: Chàng trai không cần tìm hiểu, thậm chí không hề quen biết nhau nhưng vẫn bắt cóc cô gái về làm vợ. Bất kỳ cô con gái xinh đẹp nào cũng có thể trở thành nạn nhân của tệ này nếu như người đó đã lọt mắt của những kẻ muốn ép cô phải làm vợ. Đáng nói, tệ này bắt đầu phát triển sang cả đối tượng là người vị thành niên.

Chúng tôi đã có cuộc tìm hiểu vấn đề này tại Trường THPT Nội trú huyện Quỳ Hợp, Nghệ An. Nhiều nữ sinh đã rơi vào tình cảnh trớ trêu, tiến thoái lưỡng nan khi bị cướp về làm vợ ngay lúc đang đi học và còn ở độ tuổi vị thành niên.

Khó thể tin một cô gái 14 tuổi trên đường từ trường về nhà đã bị bế lên xe và bắt về nhà ép làm vợ. Chị Lô Thị Hương, trú tại bản Tèo, xã Châu Cường, Quỳ Hợp (Nghệ An) đau đớn nhớ lại: Năm 1998 (lúc đó em mới gần 14 tuổi) Lương Quang Hùng ở bản Bùng, xã Châu Lý là một thợ mộc đến giúp bố cô đục gỗ làm nhà. Từ khi đến làm nhà, Hùng bắt đầu ngó nghiêng Hương và thể hiện sự quan tâm một cách đặc biệt.

Một lần, Hùng xin phép gia đình rồi nhờ Hương chở về giúp mẹ Hùng cấy lúạ. Hương làm theo, nào ngờ khi em vừa đặt chân đến nhà Hùng thì bị mọi người trong gia đình giữ lại, tổ chức cúng ma và bắt Hương ở lại nhà Hùng luôn. Như vậy là việc cướp vợ đã có kế hoạch từ trước của gia đình nhà trai, họ thuê cả thầy cúng đến trừ ma và nhập thêm người. Từ đó cô trở thành một người vợ bất đắc dĩ của anh chàng thợ mộc.

"Em về làm vợ nhà nớ rồi răng nựa"? - tôi dò hỏi. Giờ đã thêm 9 năm nữa trôi qua nhưng cảm giác những ngày đầu bị bắt về làm vợ vẫn còn đau đáu mãi. Hương run rẩy nói: "Đêm hôm đó, Hùng nốc rất nhiều rượu của trai làng đến chúc mừng, sau đó hắn bắt em làm chuyện ấy. Đau đớn, sợ hãi nhưng em như con thỏ đã trong chuồng, như cá vàng bỏ chậu, như chim yến nhốt lồng, biết làm sao được trong căn buồng kín. Đến 15 tuổi thì em đã có con đầu lòng...".

Đến nay, Hương đã 22 tuổi và có 3 đứa con. Đắng cay với cô chưa dừng lại ở đó, năm 2006, Hùng đi buôn gỗ được một thời gian thì bị nghiện ma tuý, bỏ lên biên giới sống lang bạt. Trong một đêm mưa gió mịt mùng, Hương đã cùng các con bỏ trốn về nhà bố mẹ đẻ để ở nhờ.

Anh Nguyễn Minh Đạt, Bí thư BCH Đoàn Trường THPT Dân tộc nội trú Quỳ Hợp cho biết, trong năm qua ở đây đã có một số học sinh bỏ học vì bị bắt về làm vợ. Nhà trường đã có nhiều văn bản gửi các cơ quan chức năng, đề nghị vào cuộc để ngăn chặn tình trạng cướp vợ ở trường học, nhưng gần đây tình trạng này vẫn tiếp tục xảy ra.

Ông Quang Văn Nghiệp, Trưởng Công an xã Châu Tiến, Quỳ Hợp phân trần với chúng tôi: "Tất cả những trường hợp này đều tảo hôn, trái quy định pháp luật. Nhưng theo tục ở đây, nếu đã cúng ma, nhập gia rồi thì họ phải đến với nhau, không thể khác được. Dù xã không cấp giấy đăng ký kết hôn thì thực tế họ cũng sống và đã là vợ chồng của nhau".

Chúng tôi mong chính quyền, đoàn thể và cơ quan Công an ở đây có biện pháp để vừa gìn giữ phong tục truyền thống, tránh bị lạm dụng, vi phạm pháp luật như đã và đang diễn ra

Đăng Trường
.
.
.