Tự hào những người lính canh giữ biển đảo khơi xa
- Nghĩ về người lính canh giữ biển
- Sự hy sinh của những người lính đang canh giữ biển đảo
- “Tổ quốc nhìn từ biển”: Tri ân những người lính thầm lặng canh giữ biên cương, hải đảo
Đảo chìm Len Đao kiên cường
Không như các đảo nổi, các đảo chìm như Đá Thị, Len Đao được hình thành từ bãi san hô có dạng hình tròn, khuôn viên khá khiêm tốn, khí hậu khắc nghiệt. Cùng với đảo Cô Lin, Len Đao vẫn đang vững vàng trên sóng gió, hướng về Gạc Ma với tinh thần cảnh giác cao độ, nơi thế hệ cha anh đã ngã xuống trong trận hải chiến để bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Vì vị trí quan trọng của đảo nên cán bộ, chiến sỹ nơi đây càng thêm đoàn kết, đồng cam cộng khổ, vững vàng tay súng, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam thân yêu.
Sau khi tàu neo đậu an toàn, những chiếc ca nô được thả và đưa các thành viên trong Đoàn công tác vượt qua những cơn sóng, rạn san hô lấp lánh vào đảo Len Đao. Cũng như các đảo Song Tử Tây, Đá Thị, Sơn Ca, ngay tại bến, các cán bộ chiến sỹ đảo Len Đao có mặt, giúp ca nô cập bến và phấn khởi chào đón Đoàn đại biểu lên thăm đảo.
Theo Thượng úy Lê Văn Anh, Chính trị viên đảo Len Đao, cũng như các đảo khác của huyện Trường Sa, đảo Len Đao được xây dựng nhà ở kiên cố, có hệ thống năng lượng gió, năng lượng mặt trời, mạng viễn thông phát triển, đời sống sinh hoạt, huấn luyện thuận lợi.
Năm 2007, đảo hoàn thành xây dựng nhà văn hóa đa năng, đời sống tinh thần vật chất của cán bộ, chiến sỹ từng bước được cải thiện. Phát huy truyền thống “Chiến đấu anh dũng, đoàn kết, chủ động, khắc phục khó khăn, giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, cán bộ, chiến sỹ trên đảo thường xuyên tổ chức tuần tra, canh gác, cảnh giác trong thực hiện nhiệm vụ, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Phút thiêng liêng Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. |
Ngoài ra, cán bộ, chiến sỹ đảo Len Đao còn thường xuyên làm tốt việc hướng dẫn và giúp đỡ ngư dân khai thác, đánh bắt hải sản tại khu vực biển mà đảo phụ trách…
Có mặt tại đây, Đoàn công tác đi tìm hiểu nơi ăn, ở, sinh hoạt của các cán bộ, chiến sỹ trên đảo, ai cũng cảm phục trước tinh thần của những người lính đảo anh dũng kiên cường.
Không như những đảo nổi, các đảo chìm như Len Đao có khuôn viên khá khiêm tốn nhưng vẫn được các cán bộ, chiến sỹ quy hoạch rất ngay ngắn, tủ sách tư liệu được cất giữ cẩn thận, đất được vận chuyển từ đất liền ra, tận dụng từng chút không gian để trồng rau, trồng hoa và chăm sóc cây cảnh. Cũng trên chính những khu vực chật hẹp vẫn nuôi được hàng chục con gà, ngan, vịt, heo, chó…
Sau các tiết mục văn hóa, văn nghệ giao lưu ý nghĩa, thắm tình quân dân, cuộc gặp gỡ của chúng tôi với cán bộ, chiến sỹ đảo Len Đao kết thúc trong sự quyến luyến.
Hình ảnh các cán bộ, chiến sỹ đảo đứng trên bến thật lâu, vẫy tay chào Đoàn công tác khiến lòng ai cũng bịn rịn, tất cả thầm cầu mong các cán bộ, chiến sỹ luôn dồi dào sức khỏe, bình an, vững vàng tay súng nơi đầu sóng ngọn gió.
Những tượng đài bất tử ngoài khơi xa
Trên vùng biển Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma, tàu đã thả neo tận nơi các Anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh tại Quần đảo Trường Sa và tổ chức Lễ tưởng niệm. Biển trời Trường Sa mây như cao hơn và xanh hơn, biển cũng bỗng nhiên dịu dàng hơn trong nỗi nhớ các anh.
Chúng tôi thực sự xúc động và cảm phục khi được nghe kể về các tấm gương, đó là Trung tá Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; Anh hùng liệt sỹ Đại úy Vũ Phi Trừ, Thuyền trưởng Tàu HQ 604; Anh hùng liệt sỹ Thiếu úy Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, trước sự tấn công của kẻ thù đã quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình và động viên đồng đội “Không được lùi bước, phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng”.
Đó là gương Anh hùng thuyền trưởng, Thiếu tá Vũ Huy Lễ, đứng trước tình thế mất đảo chỉ trong gang tấc, đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy con Tàu HQ 505 vừa chiến đấu, vừa nhanh chóng đưa tàu mình lên bãi ngầm Cô Lin để con tàu trở thành pháo đài, cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm…
Cũng trong chuyến “Hành trình vì biển đảo quê hương”, Đoàn đã có mặt tại khu vực biển Tư Chính, thềm lục địa phía Nam Tổ quốc để tổ chức Lễ tưởng niệm tưởng nhớ các cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh, nằm lại với biển khơi vì sự bình yên và toàn vẹn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Hàng chục năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn DK1 – Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đã gác lại tình cảm riêng tư, gác lại bao hoài bão, khát vọng lớn lao của tuổi trẻ để có mặt, làm nhiệm vụ trên các nhà giàn thuộc thềm lục địa phía Nam muôn vàn khó khăn, gian khổ và khắc nghiệt.
Chiều 4-12-1990, cơn bão số 10 có sức gió giật trên cấp 12 đổ bộ vào khu vực Nam Biển Đông, cán bộ, chiến sỹ nhà giàn Phúc Tần dưới sự chỉ huy của Trung úy, Trạm trưởng Bùi Văn Bổng và Thượng úy, Chính trị viên Nguyễn Hữu Quảng đã ra sức chống chọi với cơn bão hung dữ.
Song, đêm đen ập xuống, bão mỗi lúc một mạnh, nhà giàn rung lắc mạnh, cơn sóng gió định mệnh đã quật đổ, nhấn chìm và cuốn trôi cả 8 cán bộ, chiến sỹ xuống biển, và 3 đồng chí đã anh dũng hy sinh.
Một trong những tấm gương hy sinh anh dũng, cao cả đó là Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng, Chính trị viên nhà giàn, nêu cao vai trò người Bí thư Chi bộ, trong thời khắc nguy nan nhất, anh bình tĩnh động viên đồng đội chống chọi với sóng dữ của đại dương.
Những đêm đen bão tố, anh biết không còn khả năng chống chọi với trận cuồng phong, đã nhường chiếc phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình, chấp nhận hy sinh cho người chiến sỹ trẻ được sống vào đêm 5-12-1990.
Với liệt sỹ Đại úy Vũ Quang Chương, Chỉ huy trưởng nhà giàn Phúc Nguyên, trước sự hung dữ và tàn khốc của cơn bão số 8 năm 1990, được lệnh của cấp trên, anh đã chỉ huy bộ đội rời Trạm xuống tàu theo phương án, anh và đồng đội Nguyễn Văn An tình nguyện ở lại thu tài liệu, cuốn lá cờ Tổ quốc vào người để rời nhà giàn sau cùng.
Nhưng ác thay, bão gió đã cướp đi tính mạng của các anh. Riêng đồng chí Nguyễn Văn An hy sinh để lại người vợ nơi quê nhà và đứa con mới sinh mà anh chưa biết mặt.
Còn liệt sỹ Lê Đức Hồng, khi bão tố ập đến anh đã cố gắng đến cùng để giữ vững thông tin liên lạc với sở chỉ huy Quân chủng. Và khi nhà giàn bị đổ, anh chỉ kịp nói “Vĩnh biệt đất liền”, lời nói cuối cùng của anh đồng đội ở đất liền nghe thấy mà vô phương cứu giúp, anh mãi mãi nằm lại với biển khơi…
“Đến nay, nhiều người vẫn nằm lại, hòa mình vào lòng biển, đảo quê hương. Sự ra đi của các anh thật thanh thản mà rất đỗi vinh quang, để lại phía sau là niềm tự hào của gia đình, đồng bào, đồng chí về những người con trung kiên đã hiến dâng sức trẻ và tuổi thanh xuân vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc…” – khi Thiếu tướng Ngô Văn Thuân chia sẻ tới đây, đôi mắt các thành viên trong Đoàn ngấn lệ, đỏ hoe, nhiều người không cầm được nước mắt.
Giữa biển trời thiêng liêng của Tổ quốc, các thành viên Đoàn công tác đã thả những bông hoa cúc vàng cùng hàng trăm con hạc trắng tự tay gấp, gửi gắm lòng biết ơn vô hạn, thả xuống biển khơi, tri ân các Anh hùng, liệt sỹ đã không tiếc máu xương, tính mạng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Gương hy sinh của các anh đã trở thành biểu tượng hết sức cao đẹp, sáng ngời phẩm chất anh hùng của người chiến sỹ Hải quân, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Hải quân nhân dân Việt Nam Anh hùng, trở thành giá trị tinh thần vô giá, động viên, thôi thúc, nâng bước các thế hệ hôm nay và mai sau.
Sự hy sinh, cống hiến của các anh là tượng đài bất tử của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam…