Tự hào những anh hùng trên con tàu không số

Thứ Bảy, 01/10/2011, 13:59
Ông Phạm Xuân Hương là thợ máy trên một con tàu không số đường Hồ Chí Minh trên biển, đã góp phần cùng đồng đội vận chuyển vũ khí vượt qua mọi thử thách, đến bến an toàn. Hiện nay, dù đã bước sang tuổi 70, nhưng nhắc đến những chuyến đi của những con tàu không số, ông vẫn luôn tự hào bởi với ông đó là một bản anh hùng ca về những chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam Anh hùng.

Chuyến đi đầu tiên

Năm 1962, thi đỗ vào Trường Hàng hải, ông Phạm Xuân Hương rời quê Đô Lương, Nghệ An ra Hải Phòng học tập. Thời gian học là 3 năm, nhưng đến năm thứ 2, ông tình nguyện tham gia quân đội và được về Trung đoàn 32, Quân khu 3. Từ tháng 4 đến tháng 6/1964, ông Phạm Xuân Hương huấn luyện tại Xuân Mai (Hòa Bình cũ). Sau đó, ông được đưa xuống Hải Phòng cùng 30 đồng đội rồi được thử sức chịu đựng sóng gió và biên chế vào Đoàn 125. Lúc này, ông mới biết mình tham gia vào Đoàn tàu vận tải không số.

Tháng 10/1964, ông Hương xuống tàu 154 đi chuyến đầu tiên, chuyến tàu chở 70 tấn vũ khí chỉ mất gần 1 tuần từ Hải Phòng vào đến bến Rạch Gốc, Cà Mau một cách an toàn. Chuyến tàu đầu tiên mà ông Hương đi cũng là chuyến tàu khó quên của ông, bởi trên tàu lúc đó có đồng chí Lê Đức Anh cùng 2 cán bộ cao cấp khác. Đây là những đồng chí đi nhờ Đoàn tàu không số để vào miền Nam. Về sau này, khi đồng chí Lê Đức Anh giữ cương vị cao trong quân đội và Nhà nước, ông mới nhận ra đó chính là người đã đi cùng chuyến tàu không số với mình năm xưa.

Ông Phạm Xuân Hương nhớ lại từ năm 1966 đến khoảng giữa năm 1969 là thời gian các Đoàn tàu không số đi lại gặp nhiều khó khăn, thử thách. Nguyên nhân do địch đã phát hiện ra con đường vận chuyển vũ khí của ta trên biển từ Bắc vào Nam, nên đã bao vây trên biển. Trước tình hình đó, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Hải quân đã chỉ đạo cần khảo sát thăm dò để mở ngay một cung đường mới trên biển.

Sau một khoảng thời gian các tàu đi tiền trạm, vào ngày 4/9/1969, tàu 154 tiên phong vượt biển trên con đường mới. Chuyến tàu chở gần 75 tấn vũ khí vào đến miền Nam thành công. Chuyến tàu vũ khí này là một niềm vui, niềm hạnh phúc lớn không chỉ của quân và dân miền Nam, mà còn của các chiến sĩ đoàn tàu không số. ông nhớ mãi giây phút tàu cập bến, anh em chiến sĩ cùng đồng bào ôm nhau trong nước mắt vui mừng.

Ông Phạm Xuân Hương hào hứng kể lại những chuyến đi trên tàu không số.

Ông Hương nói: "Cung đường cũ trên biển cách bờ biển chưa đến 100 hải lý, còn cung đường mới này cách gần 500 hải lý, phải đi qua nhiều vùng biển quốc tế để tránh phát hiện của địch. Thời gian đi mất nhiều hơn, vất vả hơn, thế nhưng các chiến sĩ trên tàu vẫn quyết tâm cao, nhất định phải chuyển được vũ khí đến cho đồng bào miền Nam đánh giặc". Đây là chuyến đi mà với ông Hương là chuyến vượt biển nhiều ý nghĩa nhất, mang nặng tình đồng bào, đồng chí.

Chuyến đi vượt qua tàu địch

Một chuyến đi khác với tàu 154 cũng để lại nhiều kỷ niệm với ông Phạm Xuân Hương là chuyến đi vào tháng 10/1970, đích đến là bến Vàm Lũng, Cà Mau. Chuyến tàu đi vào thời điểm mưa gió, sóng biển lớn. Bình thường, các tàu cập bến vào thời gian từ 12h đêm đến 2h sáng. Thế nhưng, chuyến đi lần này, đến 3h sáng, tàu vẫn chưa định hình được bến đỗ. Lúc này, thuyền trưởng phát hiện ra tàu đã bị lạc hướng, không xác định được đang ở vùng biển nào.

Một phương án được đề ra là cho tàu tiếp cận bờ (dù không xác định được địa điểm cập bến) để thả vũ khí xuống sát bờ biển, các chiến sĩ trên tàu sơ tán lên bờ, còn tàu thì đưa ra xa khoảng 1km để cho nổ phá hủy. Nhưng, phương án này cuối cùng không thực hiện, bởi gần 4 giờ sáng, lúc tiến gần vào bờ biển, các thành viên trên tàu thấy hai ngọn đèn trên biển rất sáng.

Thuyền trưởng La Minh Tốt quyết định cho tàu đi qua hai ngọn đèn đó, thì tàu vào một con sông, không một ai trên tàu biết đây là con sông nào. Khoảng 30 phút sau, khi đã có thể nhìn được cảnh vật một cách mờ mờ, các chiến sĩ mới thấy hai bên bờ sông, cây cối chết hết vì chất độc da cam.

Ông Hương nói: "Tình hình trên tàu lúc bấy giờ rất khó để quyết định nên đi tiếp hay quay lại. Nhưng, đúng thời điểm đó, chúng tôi thấy hai người đang đánh cá, liền mời một người lên tàu để hỏi. Như một sự may mắn, sau một vài phút ngỡ ngàng, người đánh cá này nói anh ta là dân quân du kích và nếu tàu đi thêm khoảng 1km nữa sẽ gặp chốt của địch. Người du kích này nói phải quay lại phía cửa biển để tránh địch. Trên đường quay ra, các chiến sĩ trên tàu mới thấy rõ 2 ngọn đèn sáng ở cửa sông lúc đi vào, chính là 2 ngọn đèn trên 2 tàu địch. Ra được đến biển, người du kích dẫn tàu đi vào một con rạch, đến một ngôi làng. Ngôi làng này mới được giải phóng 3 ngày, người dân trong làng thấy bộ đội miền Bắc thì rất mừng, dân làng tập trung lại chặt cây ngụy trang an toàn cho tàu. Ngay buổi chiều tối hôm đó, người liên lạc, dẫn đường của Quân khu 9 đến được ngôi làng mà tàu 154 đang trú ẩn, sau khi nhận được tin báo. Đến tối, tàu ra khỏi làng để quay về bến Vàm Lũng là đích đến của chuyến đi, 4h  sáng hôm sau thì tàu chở toàn bộ số vũ khí đến bến an toàn”.

Ông Hương nói: "Dù bị lạc hướng, mất thêm thời gian chuyển vũ khí, nhưng chuyến tàu này vẫn đến được bến an toàn, là một điều may mắn. May mắn vì đi qua 2 tàu địch những 2 lần mà không bị phát hiện, may mắn vì gặp đúng được người dân quân du kích và may mắn vì vào đúng một ngôi làng đã giải phóng, được bà con giúp đỡ".

Có chuyến đi, tàu địch bám theo mấy ngày trời, bắc loa chiêu hồi, đưa ra nhiều đề nghị hấp dẫn với các chiến sĩ trên tàu, như: cho đi Mỹ, cho nhà lầu, xe hơi… nhưng không một chiến sĩ nào lung lay ý chí. Mỗi một chuyến đi trên tàu không số là một câu chuyện về tình cảm đồng chí, đồng đội, về ý chí quyết tâm, về lòng dũng cảm, tình đồng bào máu mủ… Những chuyến đi đó không chỉ tạo nên ý chí quyết chiến, quyết thắng của đường mòn Hồ Chí Minh trên biển chỉ có ở nước ta, mà còn tạo nên một lịch sử oai hùng về tinh thần dũng cảm của những người con đất Việt

Huyền Sim

.
.
.