Từ chuyện cân vải Hải Dương

Thứ Năm, 01/06/2006, 14:15

Dọc QL5, gần TP Hải Dương, đã xuất hiện những dãy bán vải quả khá bắt mắt. Ở mỗi điểm, những chùm vải đỏ tươi căng tròn được xếp rất khéo trên giá gỗ nhiều tầng. Mỗi lần có ôtô hoặc xe máy sắp dừng lại là các bà chủ bán vải nhào ra mời chào rất đon đả. Vải đầu mùa tươi ngon thế kia, mua về Hà Nội làm quà thì tuyệt. Thế điều lạ là rất ít người mua.

Xe dừng lại, mọi người trên xe ùa xuống tíu tít quanh các điểm bán vải. Song chỉ một lát lại thấy họ trở lại xe, rất ít người cầm túm vải trên tay. Giá cả cao quá chăng? Có lẽ không phải vì có nhiều chiếc xe rất xịn, chắc chủ của nó không nghèo mà phải đắn đo giá thấp giá cao. Tò mò, tôi bảo cậu lái xe dừng lại ở một dãy bán vải và cùng cậu vào một quầy vải "khảo sát" tìm nguyên nhân. Giá có 10.000 đồng/kg (ấy là người bán bảo vậy). Rẻ quá! Tôi bảo cậu lái xe mua lấy 10 túm về làm quà cho mọi người. "Sếp cứ bình tĩnh" - nói rồi cậu chọn 1 túm vải, mặc cả rồi bảo cân. Người bán hỏi: "Cân đủ hay cân thiếu?". "Đủ chứ!". Cân đủ thì giá cao hơn đấy!". "Thì cứ cân đi!". Người bán liền lục trong sọt, lôi ra 1 cái cân ở trong bao tải. "3 cân 2! Xin anh 45.000 đồng!". Cậu lái xe cầm túi vải, nhắc nhắc mấy cái, nói: "Thế này mà hơn 3 cân à?". Người bán nói liên hồi, nào là bảo đảm cân đủ, nếu thiếu đền gấp 10… Cậu lái xe nói với người bán hàng: "Tôi nhất trí với chị. Mà tôi chỉ cần túm vải này được 2 cân mốt trở lên tôi sẽ mua 10 túm, nếu chỉ từ 2 cân trở xuống, tôi cũng lấy 10 túm nhưng không trả tiền!". Nói rồi cậu ta đưa túm vải cho tôi: "Sếp cầm giúp em, em ra xe lấy cân!". Cậu lái xe mới đi được mấy bước thì người bán hàng giật lấy túm vải từ tay tôi: "Đưa trả đây, không bán nữa! Ai biết cân của các ông thế nào?"…

Thế rồi suốt chặng đường về Hà Nội, trong xe chúng tôi trò chuyện quanh chủ đề "cân điêu" của người bán hàng dọc đường, mà điển hình là bán vải Hải Dương. “Thời buổi bây giờ mà làm ăn thế thì chết” - một chị nói vậy. Mà quả thật, hàng trăm người bán vải ngồi vêu vao thế kia chính là hậu quả của việc làm ăn gian dối. Uy tín, chất lượng, giá cả là tiêu chí làm ăn kinh tế hiện nay và chắc chắn là cả mai sau. Làm ăn kiểu chụp giật, chợ búa thì không bao giờ lớn được.

Hải Dương trước kia đã từng bị mang tiếng xấu là "bánh chưng đất". Chả là hồi đó, người bán hàng ở một số ga tàu của Hải Dương thường mang bánh chưng ra bán cho hành khách. Khi tàu vừa dừng là họ xô đến bán. Lúc đầu là bánh chưng thật. Lúc tàu sắp chạy, họ dúi vào tay khách những chiếc bánh chưng đất! Lâu dần, tình trạng ấy vẫn tái diễn nên cái tiếng "bánh chưng đất" đã bị gán cho địa danh của tỉnh Hải Dương. Đấy là "con sâu làm rầu nồi canh", một số người làm ăn gian dối đã gây tiếng xấu cho cả tỉnh.

Bây giờ thì chuyện bán bánh chưng đất không còn ở ga tàu qua tỉnh Hải Dương nữa. Nhưng mấy năm gần đây lại nổi lên tình trạng vải cân như hiện diễn ra trong mùa vải này. Chẳng lẽ cơ quan QLTT tỉnh Hải Dương không biết việc này, để một số người gian dối tiếp tục  tạo tiếng xấu cho tỉnh mình

Người đi đường
.
.
.