Từ Điện Biên Phủ đến Vũng Chùa - Đảo Yến

Thứ Tư, 07/05/2014, 11:05
Trong những ngày tháng năm lịch sử, muôn triệu con tim chung nhịp đập trong niềm vui chung kỷ niệm khải hoàn ca chiến thắng. Việt Nam-Hồ Chí Minh, Điện Biên Phủ-Võ Nguyên Giáp, những cụm từ được người dân cất lên với lòng tự hào, kính trọng. Hàng vạn người về Điện Biên Phủ mừng chiến thắng, cũng từng ấy vạn người về Vũng Chùa-Đảo Yến tri ân Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong đoàn người về bên mộ Đại tướng, tôi bắt gặp những cựu chiến binh lấp lánh huân huy chương từ chiến trường Điện Biên 60 năm về trước. Câu chuyện về những ngày khói lửa “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt”; chuyện về những người lính tuổi mười tám, đôi mươi được Đại tướng cầm tay dặn dò chí tình, chí nghĩa cứ ảm ảnh tôi trong một chiều sâu nhân văn thăm thẳm.

Chuyện của 60 năm về trước

Kể về chiến thắng Điện Biên Phủ, bà Trần Thị Hoài, Thanh Chương, Nghệ An háo hức như ngược về tuổi hoa niên của mình. 60 năm trước, khi mới bước qua tuổi 17 bà đã có mặt trong đoàn quân gồng gánh, thồ hàng cho chiến dịch Điện Biên. “Đi chiến dịch biết bao khổ cực, vất vả nhưng vui như đi trẩy hội, vì ai cũng mong góp sức mình để đến ngày chiến thắng”. Chính tinh thần lạc quan “vui như trẩy hội” đó đã đem lại sức mạnh cho cả một thế hệ “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” như cố nhà thơ Quang Dũng đã viết. Thắp một nén nhang bên mộ Đại tướng, mắt bà Hoài cùng nhiều cựu binh khác nhòa đi trong bảng lảng trời chiều đất Quảng.

Hàng vạn người về Vũng Chùa-Đảo Yến thắp hương tưởng niệm bên mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những ngày tháng 5 lịch sử.

Bên cạnh bà Hoài, ông Nguyễn Đình Nam năm nay bước qua tuổi 72 xúc động “Khi chiến thắng Điện Biên Phủ, tui mới 12 tuổi ở quê, lúc bấy giờ chưa có loa, đài, ti vi, báo chí nhưng không hiểu sao cứ truyền miệng từ người này qua người khác, mà ngay trong đêm 7/5/1954, tin chiến thắng từ Điện Biên đã về tận quê tui, một làng quê nghèo ở tận Nghệ An. Điều đó mới biết chiến thắng Điện Biên vui biết chừng nào đối với mỗi người dân, ra đường gặp nhau câu đầu tiên ai cũng nói: quân ta chiến thắng ở Điện Biên rồi. Rồi cả làng, cả xã thức sáng đêm, đốt đuốc, hát mừng chiến thắng, niềm vui đó theo tui đã 60 năm rồi, nhớ lại vẫn như mới ngày hôm qua thôi”.

Trong đoàn cựu chiến binh Điện Biên của các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Bình… về Vũng Chùa thắp hương bên mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hầu hết các bác đã ngoài 80, 90 tuổi. Cầm chặt tay nhau họ cất lên bài ca chiến thắng Điện Biên, bài “Hò kéo pháo”, “Qua miền Tây Bắc”…như để tưởng niệm Đại tướng-Người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Cựu chiến binh Điện Biên Phủ, ông Lê Bá Hùng đang hồi tưởng lại những năm tháng tham gia chiến dịch và gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong số đoàn cựu chiến binh về Vũng Chùa hôm nay, tôi may mắn được gặp bác Lê Bá Hùng - Phó ban liên lạc chiến sỹ Điện Biên ở thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Cựu binh Lê Bá Hùng đã 3 lần vinh dự được Đại tướng Võ Nguyên Giáp cầm tay dặn dò, khi ở chiến trường Điện Biên, khi ở quê nhà Lệ Thủy của Đại tướng. Trong bộ quân phục đã sờn cũ, ông Lê Bá Hùng đưa tay nâng niu chiếc Huân chương chiến sỹ Điện Biên lấp lánh trên ngực áo rồi bảo đó là vật báu của đời ông. Cứ thế, câu chuyện cảm động của ông đưa tôi đến những cảm xúc trào dâng trong chiều buông.

“Cháu quê ở mô”

Sinh năm 1934 tại phường Hải Đình, thành phố Đồng Hới, Quảng Bình, ông Hùng bước vào chiến dịch Điên Biên khi vừa tròn 20 tuổi. “Từ khi Đại tướng mất, đây là lần đầu tiên tôi được ra thắp nén hương cho người, vì điều kiện sức khoẻ không cho phép”, mắt ông Hùng rưng rưng. Năm 12 tuổi, cậu bé Lê Bá Hùng đã gia nhập đội dân quân tự vệ tập trung của thị xã Đồng Hới. Nhờ trí thông minh, gan dạ, Hùng được tạo điều kiện đi học trường Thiếu sinh quân ở Thanh Hóa. Ra trường, Hùng được bổ sung vào Trung đoàn 18, Đại đoàn 325 tỉnh Bình Trị Thiên, tham dự nhiều trận đánh trong đó có trận Xuân Bồ nổi tiếng. Sau đó, ông gia nhập vào Trung đoàn 9, Đại đoàn 304 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong đơn vị, ông Hùng là người rất giỏi tiếng Pháp, vì vậy ông được thủ trưởng phân công nói cho địch hiểu để đỡ tốn xương máu cho cả ta và địch. Ông Hùng lập tức dạy cấp tốc cho một số anh em trong đơn vị những câu bằng tiếng Pháp như “Điện Biên Phủ đã thắng lợi, các anh phải đầu hàng để trở về quê hương”; hoặc “Tất cả binh lính Pháp hãy đầu hàng đi, để trở về quê hương”; “Các anh đầu hàng để được khoan hồng”…

Chính từ những lời kêu gọi như vậy, ở một số nơi đơn vị anh đã kêu gọi được địch đầu hàng sớm. Kể về những lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Hùng lại nghẹn ngào xúc động. Lần gặp Đại tướng đầu tiên vào lúc 6 giờ 30 phút sáng ngày 13/5/1954. Hôm đó, toàn mặt trận tổ chức Lễ duyệt binh mừng chiến thắng tại Mường Phăng gồm có các Đại đoàn: 308, 304, 312, 316, 351. Lê Bá Hùng thuộc Đại đoàn 304. Đến 7 giờ lễ duyệt binh mới bắt đầu nhưng trước đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tranh thủ đến các đơn vị hỏi thăm tình hình. Khi Đại tướng bước đến Đại đoàn 304 ngay vị trí ông Hùng đứng, Đại tướng cất giọng hỏi:

“Cháu quê ở mô?

Tôi trả lời: Dạ, cháu quê ở Quảng Bình.

Đại tướng mỉm cười nói: Ồ vậy chúng ta cùng quê rồi.

Sau đó Đại tướng hỏi tiếp: Thế cháu ở huyện nào của Quảng Bình?

Tôi đáp: Dạ thưa, cháu quê ở Đồng Hới ạ.

Đơn vị có nhiều người ở Quảng Bình không?

Dạ cũng không nhiều lắm bác ạ.

Đại tướng dặn dò: Là người Quảng Bình thì càng phải hăng hái chiến đấu, nỗ lực gấp nhiều lần nữa nhé!”.

Chỉ một câu động viên đó thôi của Đại tướng đã tiếp bao động lực cho Lê Bá Hùng trong chiến đấu. Những người lính như ông càng thấy rõ hơn sự giản dị, khiêm nhường, tâm lý mà Đại tướng dành cho những người lính. Ngày 17/5/1954, Lê Bá Hùng trở về đơn vị Bình Trị Thiên. Để rồi 2 năm sau đó, ông được gặp lại Đại tướng lần nữa. Đó là ngày 15/5/1956, Đại tướng về thăm lại Đại đoàn 325 ở Ba Dốc, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Lẫn trong đoàn người xếp hàng khi ấy, khi đến chỗ ông Hùng, Đại tướng hỏi:

Chú ở đâu hè? Đúng là có gặp chú ở đâu rồi?

Ông Hùng từ tốn nhắc lại: Dạ, cháu được Đại tướng bắt tay lần duyệt binh mừng chiến thắng Điện Biên Phủ ở Mường Phăng ạ.

Trong giây lát, Đại tướng nói: “Ồ! tôi nhớ ra rồi.”

Lần thứ hai gặp lại, cảm xúc của tôi về Đại tướng vẫn vẹn nguyên như lần đầu. Một con người bình dị hiếm thấy”, ông Hùng tâm sự.

Năm 1989, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm quê hương Quảng Bình. Cũng như nhiều người dân khác ở vùng cát, Lê Bá Hùng dậy rất sớm hòa vào dòng người đi đón Đại tướng. Cầm tay Lê Bá Hùng, Đại tướng lại hỏi; “Nhớ không nhầm thì đã gặp em 1, 2 lần rồi, đúng không? Bây giờ em làm chi rồi?. Đại tướng không còn gọi tôi là cháu mà Đại tướng gọi bằng em vì năm đó tôi đã 60 tuổi rồi. Tôi trả lời, dạ thưa tôi đã nghỉ hưu, bây giờ về tham gia các công tác xây dựng địa phương. Đại tướng bảo: Đúng rồi. Còn sức thì còn cống hiến, thời chiến em đã hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu, bây giờ em hãy cố gắng làm tốt công tác hậu phương nhé. Lời nhắn nhủ ấy của Đại tướng lại theo tôi đi hết chặng đường đời”

Dương Sông Lam
.
.
.