Trưởng thành từ mái trường mang tên liệt sĩ
Tôi gặp thầy giáo dạy toán Nguyễn Anh Tuấn trong trường nuôi dạy con em liệt sĩ và đối tượng xã hội mang tên Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân ở Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội.
Thầy giáo Tuấn là người con duy nhất của liệt sĩ Nguyễn Văn Hướng, chiến sĩ Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 ngã xuống trong trận đánh ác liệt nhất tại Buôn Mê Thuột khi Nguyễn Anh Tuấn một tuổi.
Kể từ ngày đó đến nay, trải qua bao vất vả, nhọc nhằn, bà Nguyễn Thị Cử, mẹ anh Tuấn cứ ở vậy nuôi con trưởng thành. Nguyễn Anh Tuấn được gửi vào trường dạy con em liệt sỹ Nguyễn Viết Xuân từ đấy.
Thời phổ thông Tuấn học rất giỏi, nhất là môn toán. Ngoài giờ học, anh trở về căn nhà nhỏ của mình phụ mẹ trồng rau, nuôi gà tăng thu nhập. Mẹ anh là giáo viên môn văn ở trường cấp 2 Văn Khê cũ. Những tưởng cuộc sống âm thầm êm ả trôi đi, nhưng đến khi anh Tuấn 18 tuổi thì mẹ anh qua đời vì tai nạn giao thông.
Đơn độc, một thân một mình, anh báo hiếu mẹ cha bằng cách chú trọng vào việc học hành. Tốt nghiệp hệ PTTH tại trường, anh Tuấn thi đỗ một lúc 3 trường Đại học: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Tài chính kế toán Hà Nội và tốt nghiệp loại ưu.
Ra trường, anh tình nguyện trở về trường Nguyễn Viết Xuân dạy dỗ những người là con liệt sĩ và đối tượng xã hội. 6 năm đứng trên bục giảng, bằng những kiến thức của mình cộng với nghiệp vụ sư phạm học hỏi ở bậc đàn anh lớp trước, anh Tuấn kiên nhẫn giảng dạy, truyền tải kiến thức cho các em học sinh thiệt thòi trưởng thành lên từ mái trường này.
Vì thành tích đó, anh được đề bạt làm Trưởng phòng Giáo dục đào tạo; Phó hiệu trưởng rồi Hiệu trưởng trường nội trú Nguyễn Viết Xuân khi anh 35 tuổi. Anh Tuấn đã có vợ và một cô con gái, họ sống hạnh phúc trong ngôi nhà tình nghĩa nằm sau trường Nguyễn Viết Xuân do Nhà nước xây.
Chiến tranh lùi xa 30 năm, thế hệ con liệt sĩ thời kháng chiến học trong trường Nguyễn Viết Xuân như anh thủa nào nay đã trưởng thành. Đa phần học sinh là con em thuộc diện chính sách và đối tượng xã hội thời hậu chiến.
Theo lời anh nói, đa phần học sinh đều tổn thương về mặt tâm lý, mặc cảm, tự ti quá khứ... Hiểu điều đó, anh Tuấn soạn giáo án riêng giao cho giáo viên có tính nhẫn nại giảng dạy. Lâu rồi dạy mãi các em học sinh chậm tiến cũng hiểu.
Ngoài dạy văn hoá, anh còn quan tâm hướng nghiệp dạy nghề cho các em để mai này chúng tồn tại trên đường đời bằng sức lao động chính mình. Nhiều em học sinh đã nhanh chóng trưởng thành.
Em Đỗ Huy Tích là trường hợp điển hình. Thầy giáo Tuấn thấy Tích có năng khiếu hội hoạ, vẽ tranh rất đẹp, những bức tranh của Tích đều thể hiện ý tưởng hoà bình, mơ về cuộc sống hạnh phúc... điều đó nói lên những người như Tích thiếu vắng tình thương, cần sống trong vòng tay nâng niu cộng đồng.
Thầy Tuấn đã bù đắp cho em sự thiếu hụt phần nào, tạo điều kiện cho em học mỹ thuật. Thành công nối tiếp, Tích đoạt Huy chương vàng về bộ môn tạc tượng, điêu khắc. Kết thúc khoá học, Tích thi đỗ vào Trường Đại học mỹ thuật công nghiệp.
Học đi đôi với hành là mục tiêu mà thầy giáo Tuấn đặt hàng đầu đối với mỗi học sinh trường nội trú Nguyễn Viết Xuân. Những năm học phổ thông cơ sở, nếu là học sinh nữ thì nhà truờng dạy làm hoa nghệ thuật, học sinh nam học điêu khắc, thực hành tại xưởng do trường mở.
Học đến phổ thông trung học, thầy tìm cách liên hệ với những cơ sở may thời trang, mời thầy đến dạy về môn học thiết kế thời trang. Sau đó, các em đã tự thiết kế may được hàng trăm bộ quần áo bán ra trên thị trường. Cũng từ đó, nhiều em học sinh rời trường về nhà mở cửa hiệu cắt may, thiết kế thời trang.
Sắp tới thầy Tuấn dự định thành lập bộ phận chuyên trách dạy nghề cho các em học sinh. Giải thích về điều này anh tâm sự: “Tôi thấy dạy nghề là rất cần thiết. Khi các em đã 18 tuổi ra trường, tự các em phải tự lo cuộc mưu sinh, nếu không có nghề thì làm sao tồn tại”.
Thầy Tuấn đưa tôi dạo quanh trường, vào từng căn phòng thăm học sinh ở. Ngoài giờ học, các em học sinh lao động, cuốc đất trồng rau cải thiện bữa ăn hàng ngày. Tuy cơ sở vật chất trong trường còn sơ sài nhưng anh tin nay mai bằng sức lao động của chính các em sẽ góp phần làm cho nhà trường khang trang hơn.
Tuy đã thành đạt về đường công danh sự nghiệp, nhưng trong tâm trí thầy Hiệu trưởng Nguyễn Anh Tuấn vẫn nghĩ về người cha kính yêu của mình - một liệt sĩ mà anh chưa bao giờ biết mặt.
Nhớ mẹ, thương cha anh Nguyễn Anh Tuấn phấn đấu không ngừng, dành tâm huyết với các em học sinh và gắn bó với mái trường thân yêu đã nuôi nấng mình trưởng thành