Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên: Vẫn đau đáu những con đường

Thứ Bảy, 24/01/2009, 15:28
Là nhân chứng lịch sử, vị tướng già Đồng Sỹ Nguyên vẫn đau đáu với những con đường. Và tôi cũng hy vọng như ông, một tương lai gần đây, xa lộ Hồ Chí Minh sẽ góp phần to lớn thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc chúng ta.

Đây là lần thứ tư tôi xin được đến nhà riêng để gặp ông. Nhờ trời, ở vào cái tuổi  87 ông vẫn còn khoẻ tuy trong cuộc trò chuyện, đôi khi ông phải dừng lại một chút vì những cơn đau tim nhẹ.

Tôi hiểu, khi ông nói về chiến trường những năm đánh Mỹ cứu nước, thời kỳ cao điểm quân lính của ông lên tới hơn 10 vạn người, cả 1 vạn TNXP nữa rải kín các tuyến đường Trường Sơn và cũng chỉ còn mấy tháng nữa thôi, cả nước sẽ kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ 19/5/2009, cũng là kỷ niệm 50 năm ngày ra đời chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh mà ông là người được giao làm Tư lệnh lâu nhất, thời kỳ khó khăn nhất, làm sao trái tim người lính già như ông có thể đập bình yên.

1- Không khác với những lần. gặp trước, ông vẫn thế, minh mẫn và xúc động nhớ như in những con đường, như những con đường xưa ấy vẫn nằm trên tay ông. Câu chuyện của tôi loanh quanh thế nào lại cứ nhắc về đồng đội, về những người lính của ông mà không thể nào tránh được, dẫu tôi biết điều đó dễ làm trái tim ông bị chấn động mạnh.

Ông tâm sự, đầu năm 1967, ông được Đảng và Quân đội cử vào làm Tư lệnh đường Trường Sơn suốt đến ngày giải phóng miền Nam 1975. Nhớ nhiều người lắm, hàng vạn người, tất cả còn trẻ mà quá anh dũng, quá chịu đựng hy sinh, vì giải phóng miền Nam mà coi cái chết nhẹ như lông hồng. Nhưng có những cán bộ cấp dưới thường ở bên cạnh mà mãi tới hôm nay, mỗi lần nghĩ tới là lòng ông khắc khoải.

Đó là Đại tá Lê Sy, Phó Chính uỷ Bộ đội Trường Sơn, một người chỉ huy quê ở Can Lộc (Hà Tĩnh) luôn lăn lộn ở các chiến trường, mặt trận, đội bom đạn mà đến với chiến sĩ.

Đó là Đại tá Nguyễn Lang (quê Quãng Ngãi), Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn kiêm Tư lệnh Sư đoàn 470 phụ trách ngã 3 Đông Dương vô cùng ác liệt. Đại tá Lang là một cán bộ chỉ huy kiên cường luôn nằm vùng ở các trọng điểm bám đường, bám lính, bám địch.

Trong chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột 3/1975, Đại tá Nguyễn Lang được giao làm Phó Tư lệnh chiến dịch, có nhiều đóng góp cho chiến thắng quan trọng này. Sau chiến tranh, Đại tá Lê Sy được giao làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Đại tá Nguyễn Lang làm Tư lệnh Binh đoàn 12, nhưng chẳng may hai ông đều bị nhiễm chất độc da cam nằm liệt suốt 20 năm trời rồi mất trong cuộc chiến đấu một mình ấy. Còn một đồng chí Đại tá nữa là đồng chí Đặng Tính, nguyên Chính uỷ kiêm Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân.

Năm 1972, anh Tính được cử vào làm Chính uỷ Bộ đội Trường Sơn, một con người đức độ, quân sự- chính trị song toàn, lạc quan cách mạng. Anh Tính được giao phụ trách tiền phương 559 chuẩn bị đánh Thành cổ Quảng Trị. Nhưng trúng mìn hy sinh trong một chuyến đi kiểm tra đường qua cao nguyên Bôlôven, Hạ Lào…”.

Ông còn nhớ tới chiến sĩ Nguyễn Xuân Bách, một cử nhân kinh tế rất giỏi, đầy nhiệt huyết làm thư ký cho ông. Trên đường ra Bắc giúp việc cho chính ủy thì bị hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Cuối năm 1965 ông cùng lái xe, bảo vệ và bác sĩ đi kiểm tra mở chiến dịch mới, khi đến trọng điểm bắc Đường 9, cả xe bị hứng trọn một chùm bom bi của địch, cả lái xe, bảo vệ đều hy sinh tại chỗ, riêng bác sĩ và ông bị thương nặng phải nằm điều trị đến 3-4 tháng…

Ông nhớ lâu bởi không có điều gì ám ảnh ông nhiều nhất bằng chứng kiến cái chết, hy sinh của bao người lính, bao người chỉ huy, bao người gần gũi, thân thiết với ông một thuở Trường Sơn. Bao năm nay, ông đã đến thăm gia đình người thư ký, gia đình các đồng chí bảo vệ, lái xe một thuở Trường Sơn đã anh dũng hy sinh, thăm bao đồng đội khác nữa.

Bao nhiêu cuộc gặp là bấy nhiêu lần vị tướng không cầm được nước mắt. Nhớ rừng, nhớ anh em chiến sĩ, nam nữ TNXP, nhưng tuổi ngày một cao, làm sao có thể đi xuể. Ông nghĩ, chỉ có mở đường Trường Sơn công nghiệp hoá là sự tri ân, sự trả ơn đích đáng nhất đối với những hy sinh to lớn của đồng bào, đồng chí!--PageBreak--

2- Ý tưởng làm đường Hồ Chí Minh sau chiến tranh từng được đồng chí Lê Duẩn Bí thứ thứ nhất Đảng ta đã nói từ năm 1973. Trong một lần kiểm tra đường Trường Sơn, với con mắt nhìn xa trông rộng, đồng chí Lê Duẩn đã chỉ đạo sau này ta sẽ làm một con đường xuyên Bắc Nam, xuyên 3 nước Đông Dương và sẽ là một con đường của tương lai giàu có với sự hợp tác toàn diện của 3 nước trên bán đảo này. 35 năm sau, con đường Hồ Chí Minh ấy đã hoàn thành giai đoạn 1. Theo ông thì hiện nay dường như không còn nhiều ý kiến băn khoăn về con đường Hồ Chí Minh xuyên Bắc Nam như những năm trước đây nữa.

Năm 2010 tới đây Nhà nước sẽ cho làm thông đường Hồ Chí Minh từ Pác Pó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) trở thành con đường xuyên Việt phía Tây Tổ quốc, phá thế độc đạo xưa nay của quốc lộ 1A.

Theo quyết định của Quốc hội, năm 2020 đường Hồ Chí Minh sẽ là một xa lộ hiện đại, có tầm quan trọng bậc nhất trong việc phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu vùng xa của 54 dân tộc anh em và với 2 nước làng giềng từng gắn bó mật thiết với nhau trong lịch sử dựng nước và giữ nước.

Tôi thưa rằng: “Thưa bác, hôm trước cháu tự lái xe đi trên đường Hồ Chí Minh từ Xuân Mai, Hà Nội về Nghệ An, đường đẹp và tốt lắm, nhưng tiếc một nỗi, thấy ít xe đi quá. Cháu thấy có phần lãng phí. Nên chăng Nhà nước hãy điều tiết bằng quy định buộc các loại xe tải, xe Container đi trên đường này để giảm tải cho quốc lộ 1A...”.

Nghe tôi trình bày, ông cười nhẹ bảo, rất đáng mừng là được Đảng chỉ đạo, Nhà nước đầu tư, nhân dân ủng hộ, đường Hồ Chí Minh hầu hết đã mở rộng thành 2 làn xe, trừ đoạn giữa Thừa Thiên- Huế và Quảng Nam. “Nhưng sở dĩ, chú bảo hiện ít xe đi là một phần do các đường ngang nối với đường Hồ Chí Minh chưa được hoàn thành. Vốn ta ít, chưa thể đầu tư cùng một lúc. Tiếc lắm”, tướng Đồng Sỹ Nguyên giải thích.

Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên tại chỉ huy ở Tiền Phương, cánh phía Tây, chiến dịch đường 9 Nam Lào ở Sêpônl 15/1/1971.

Rồi ông kể rành rẽ, chi tiết và say sưa về những con đường ngang ấy sẽ nên làm như thế nào. Nào là quốc lộ 6 đi từ Hà Nội lên Điện Biên, Tây Trang cắt đường Hồ Chí Minh ở Xuân Mai. Đường 7, đường 17 ở Nghệ An, đường 8 ở Hà Tĩnh, đường 12 ở Quảng Bình sẽ nối với Khăm Muộn của nước bạn Lào với cảng Hòn La (Quảng Bình) và Vũng áng (Hà Tĩnh).

Rồi đường 9 ở Quảng Trị là một con đường xuyên á, đường 49 ở Thừa Thiên Huế, đường 14, đường 49 ở Quảng Nam, đường 18 ở Kon Tum nối với bạn Lào và Campuchia, đường 19 ở Gia Lai và đường 22 ở Tây Ninh...

Tất cả những con đường mà ông kể vắn tắt ấy đều nối với đường Hồ Chí Minh trở thành một hệ thống giao thông liên hoàn vô cùng tiện lợi phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Đáng mừng là tuy mới giai đoạn 1, nhưng ở một số điểm giao trên đường Hồ Chí Minh đã rộn ràng cảnh buôn bán sầm uất lắm, nhất là cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh), đường 7 (Nghệ An), đường 9 (Quảng Trị), đường 18 (Kon Tum)… Là nhân chứng lịch sử, vị tướng già Đồng Sỹ Nguyên vẫn đau đáu với những con đường. Và tôi cũng hy vọng như ông, một tương lai gần đây, xa lộ Hồ Chí Minh sẽ góp phần to lớn thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc chúng ta.

Xuân này, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên bước sang tuổi 87, cũng là năm ông sẽ vinh dự nhận huy hiệu 70 năm tuổi đảng. Tôi nhớ, trong bất cứ cuộc trò chuyện nào với chúng tôi, ông đều nói về lớp trẻ với niềm kỳ vọng hiếm thấy. Hôm nay cũng vậy, khi nói tới lớp trẻ, vị tướng già như hoạt bát hẳn lên. Tôi hiểu một người vào Đảng từ năm 17 tuổi, một Tư lệnh từng sống với hàng vạn những người lính trẻ Trường Sơn như ông, tin vào lớp trẻ dường như là lẽ sống.

Trong giấc mơ của ông nay mai, sẽ không chỉ có rừng xưa và bộ đội, mà sẽ hiển hiện lên tầm vóc của sức trẻ Việt Nam viết tiếp những trang sử mới trên đường Hồ Chí Minh, trên các nẻo đường của đất nước thân yêu

Thái Hồng
.
.
.